T-90 Việt Nam tham dự cuộc đua đặc biệt tại Nga

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Việt Nam trong khi chờ bàn giao đã được Nhà máy UralVagonZavod 'mượn tạm' để sử dụng cho cuộc đua có một không hai.

Vừa qua cơ sở sản xuất xe tăng nổi tiếng UralVagonZavod (UVZ) của Nga đã tổ chức một sự kiện đặc biệt nhằm kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà thiết kế huyền thoại Mikhail Koshkin, ông chính là cha đẻ của chiếc xe tăng T-34.

Đối tượng trung tâm của sự kiện là chiếc xe tăng T-34-85 sản xuất năm 1945 tại Nhà máy số 183 của UVZ, chiếc xe này đã được giữ lại cơ sở sản xuất và chưa từng sử dụng ngoài chiến trường. Trên tháp pháo chiếc chiến xa được sơn dòng chữ "Vì Koshkin".

Đối thủ của nó trong cuộc đua có một không hai trên là một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 đời 2016 - mẫu tăng xương sống của Quân đội Nga trong những năm đầu thế kỷ 21 cùng 1 chiếc T-90S mà UVZ lắp ráp theo đơn hàng của Việt Nam và đang chờ bàn giao.

Chiếc xe tăng T-34-85 sản xuất từ năm 1945 - "Bảo vật" của Nhà máy UralVagonZavod

Các xe tăng trên sẽ phải vượt qua quãng đường có chiều dài 350 m trong điều kiện khí hậu lạnh và mặt đất phủ đầy tuyết. Khi xuất phát, chiếc T-34-85 trên mặc dù ở phía sau nhưng đã khởi động máy trước và vượt lên chiếm ưu thế.

Tuy nhiên nhờ động cơ diesel tăng áp thế hệ mới V-92S2F công suất máy lên tới 1.130 mã lực (so với loại V-2-34 công suất tối đa chỉ 500 mã lực của T-34-85) mà hai chiếc chiến xa "đàn em" đã nhanh chóng giành lại vị trí.

Nhưng sau khi đã vượt lên một khoảng cách đáng kể, ở đoạn cuối đường đua, chiếc T-72B3 cùng với T-90S đã chủ động giảm vận tốc để xe tăng T-34-85 về đích trước như một lời tri ân gửi tới huyền thoại.

Xe tăng T-34-85 trong màn đua tài cùng "hậu bối" T-72B3 và T-90S của Việt Nam

Ngoài ra thông qua cuộc đua đặc biệt trên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn về hình dáng cũng như cấu hình vũ khí trang bị của xe tăng T-90S mà Việt Nam sắp nhận, do trước đó thước phim quay cảnh nó cơ động ngoài thao trường không được thực sự rõ ràng.

Dễ nhận thấy xe tăng T-90S của Việt Nam có nước sơn rằn ri xanh lá với các mảng màu được phối một cách khá đẹp mắt và hợp lý, phù hợp với địa hình cũng như quân phục dã chiến của chúng ta.

Những nghi ngại cuối cùng về việc T-90 của Việt Nam có được trang bị "đôi mắt đỏ" - Đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ "mềm" Shtora-1 hay súng máy 12,7 mm có khả năng điều khiển bắn từ trong xe hay không cũng đã được trả lời, khi mọi tính năng đều đầy đủ.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/t-90-viet-nam-tham-du-cuoc-dua-dac-biet-tai-nga-3370320/