T-14 Armata Nga lại lỡ hẹn biên chế, vì đâu nên nỗi?

Bất chấp những thông báo vào năm 2020 rằng, chiếc xe tăng T-14 Armata sau thời gian dài chờ đợi sẽ xuất hiện trong biên chế quân đội Nga vào năm 2021, tuy nhiên một lần nữa lại bị lỡ hẹn vì nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là vấn đề kỹ thuật.

Theo công bố mới đây của Bộ Quốc phòng Nga, xe tăng T-14 Armata sẽ chưa được bàn giao cho các lực lượng vũ trang nước này trong năm 2021.

Lý do cho điều này là, trong danh sách những thiết bị và vũ khí đã lên kế hoạch biên chế cho quân đội trong năm 2021, không thấy có sự xuất hiện của xe tăng T-14 Armata, điều này gây ra lo ngại rất nghiêm trọng, mặc dù việc giao những chiếc xe tăng này được báo cáo lần đầu vào năm 2015.

Như vậy tính cho tới thời điểm hiện tại, ít nhất 3 lần chiến tăng T-14 Armata bị lỗi hẹn vào biên chế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong đó chủ yếu đến từ vấn đề kỹ thuật. Cần phải làm rõ rằng, các thông tin xuất hiện gần đây cho biết, các nhà phát triển đã loại bỏ tất cả những khiếm khuyết hiện có ở động cơ xe tăng Armata của Nga.

Bên cạnh đó nhiều yếu tố kỹ thuật mang tính đột phá của dòng xe tăng T-14 Armata vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

T-14 Armata là một loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư sở hữu khả năng cơ động tốt, bọc giáp chắc chắn cùng hệ thống hỏa lực mạnh mẽ được điều khiển bằng số hóa.

Một số nhà phân tích đánh giá, trong cuộc chiến tại Syria, Nga đã đem tới 200 vũ khí mới các loại sang đây "thử lửa" bao gồm cả Su-35, Su-57, Ka-52, các dòng xe chiến đấu bộ binh mới, tuy nhiên tuyệt nhiên không có T-14 Armata.

Điều này cho thấy T-14 Armata vẫn chưa thực sự sẵn sàng chiến đấu.

Không ít người cho rằng Nga phải bấm bụng sản xuất lô xe tăng T-14 Armata đầu tiên là để phô diễn và quảng bá cho sức mạnh quân đội cũng như xuất khẩu.

Lô tăng T-14 Armata đầu tiên sẽ được trang bị cho Trung đoàn xe tăng cận vệ số 1 thuộc Sư đoàn cơ giới hóa cận vệ số 2 mang tên Tamanskaya đồn trú ở ngoại vi Thủ đô Matxcơva và một phần ở Quân khu Phía Tây Nga.

Đây đều là những nơi có căn cứ quan trọng và mang tính cách "quảng bá" là chính, vì Nga muốn đánh tiếng rằng những "xe tăng cực mạnh" này sẽ được phân bổ ở những vị trí trọng yếu.

Một thông tin cũng rất đáng lưu ý rằng giữa năm 2018, Nga đã từng tạm dừng sản xuất thêm T-14 Armata với lý do rằng "T-72 còn tốt và không nhất thiết phải sản xuất T-14".

Phó Thủ tướng Nga, ông Yuri Borisov thẳng thắn cho biết hôm 29-7-2018 rằng, "không nhất thiết phải trang bị xe tăng T-14 trong khi loại xe tăng T-72 vẫn đảm bảo năng lực chiến đấu".

Đây là tuyên bố khá bất ngờ khi dòng xe tăng T-72 đã có hơn 30 năm tuổi và biến thể nâng cấp T-72B3 đang bị nghi ngờ chất lượng khi liên tục hỏng hóc trên thao trường.

Theo Viện Nghiên cứu Khoa học vật liệu thép Nga, siêu tăng T-14 Armata được chế tạo bằng loại thép đặc biệt, có thể tác chiến tốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Theo nguồn tin này, lớp giáp bảo vệ chính của xe tăng T-14 Armata được chế tạo bằng một thép mới có tên mã là 44S-SV-SH độ bền cực cao và có khả năng chống chịu lại được môi trường có nhiệt độ cực thấp ngay cả ở Bắc Cực.

Ưu điểm của lớp giáp bảo vệ chính của siêu tăng Armata là có trọng lượng nhẹ, nhờ các kỹ sư người Nga đã phát triển một loại thép đặc biệt có độ bền hơn các loại thép được sử dụng trước đây.

Thậm chí độ dày của một lớp giáp bảo vệ đã giảm 15% so với trước nhưng vẫn giữ nguyên khả năng bảo vệ của nó trước các tác động bên ngoài.

Xe tăng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, tháp pháo bao phủ bằng hệ thống bảo vệ từ mọi phía. Xe sử dụng hệ thống radar mới nhất có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 100km. Mặc khác động cơ công suất 1.500 mã lực sẽ giúp cho xe có độ cơ động tốt hơn.

Do mang quá nhiều tính năng mang tính đột phá, nên sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện cũng là điều dễ hiểu. Dù chậm đi vào biên chế, nhưng điều đó cho thấy Nga rất khắt khe trong việc đánh giá hiệu quả chiến đấu, không đốt cháy giai đoạn như thường thấy trên một số dòng vũ khí Trung Quốc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-t-14-armata-nga-lai-lo-hen-bien-che-vi-dau-nen-noi-post458719.antd