Syria: Tàu chiến, tên lửa, máy bay Nga 'bủa vây' tứ phía: Mỹ - NATO cuống cuồng đối phó

Nga đã triển khai tới Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tiên tiến S-400.

Trong nỗ lực khuếch trương sức mạnh ra bên ngoài, Nga đang tìm cách mở rộng quyền tiếp cận và khả năng di chuyển tự do ở khu vực địa Trung Hải. Việc Quân đội Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây thời gian vừa qua chính là để phục vụ cho mục tiêu chiến lược này.

Bên cạnh đó, thông qua việc củng cố vị thế quân sự trong khu vực, Nga dường như cũng muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ và NATO tại địa bàn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt địa chiến lược.

Theo đề nghị chính thức từ Tổng thống Bashar al-Assad, Nga chính thức can dự quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria năm 2015. Đến thời điểm hiện tại, Moscow đã giúp Damascus lật ngược thế cờ khi đánh bại lực lượng khủng bố và các phe phái nổi dậy, giành lại phần lớn diện tích lãnh thổ về tay Chính phủ Syria.

Nếu như trước đây, Nga chỉ sử dụng một phần rất khiêm tốn ở cơ sở hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải thì đến năm 2017 Moscow đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự lâu dài đóng quân ở cả Tartus và căn cứ không quân Khmeimim gần đó.

Theo hợp đồng thuê kéo dài 49 năm, Nga đã đầu tư 500 triệu USD để cải tạo và mở rộng các căn cứ quân sự này, qua đó giúp các tàu chiến Hải quân Nga có thể hiện diện thường xuyên và thực hiện các sứ mệnh dài ngày ở Địa Trung Hải.

Nga cũng đã triển khai tới Khmeimim hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tiên tiến S-400.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Severodvinsk lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh: BI

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Severodvinsk lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh: BI

Không chỉ ở Syria, nhiều thông tin cho thấy Nga cũng đang âm thầm đẩy mạnh can dự quân sự vào cuộc nội chiến ở Libya mặc dù về mặt chính thức Moscow chưa lên tiếng khẳng định.

Tháng 5/2020, Bộ Tư lệnh châu Phi của Quân đội Mỹ (AFRICOM) cho biết Nga đã điều chuyến tới phía Đông Libya 14 máy bay chiến đấu MiG-29 và tiêm kích - bom Su-24, tất cả đều được sơn lại để che giấu nguồn gốc xuất xứ.

Sự kiện khiến chỉ huy cao cấp nhất của AFRICOM phải lên tiếng cảnh báo rằng nếu Nga duy trì được sự hiện diện lâu dài và triển khai tới đây các tên lửa tầm xa thì điều này sẽ là yếu tố “làm thay đổi cuộc chơi” với châu Âu, NATO cùng nhiều quốc gia khác.

Chưa hết, Nga còn tăng cường tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng ở Ai Cập. Năm 2017, Cairo và Moscow đạt được thỏa thuận cho phép máy bay Nga sử dụng các căn cứ không quân của Ai Cập.

Năm ngoái, Nga đã tiến hành một cuộc tập trận phòng không lớn nhất từ trước tới nay tại đây. Nga cũng đang bắt đầu chế tạo lô tiêm kích Su-35 trị giá 2 tỷ USD cho Không quân Ai Cập.

Các hoạt động ở Địa Trung Hải cũng góp phần bổ sung thêm sức mạnh quân sự cho Nga ở Crimea. Từ đây, Moscow có thể tăng cường thêm khả năng tấn công các mục tiêu ở Biển Đen và thậm chí là Trung Đông.

Hơn 10 tàu chiến của Hải quân Nga ở Crimea có thể phóng tên lửa hành trình Kalibr với tầm tấn công trên 1.500 km. Hạm đội tàu ngầm Nga cũng đã từng phóng các loại tên lửa này ở Địa Trung Hải.

Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, Mỹ và NATO đã vội vã tăng cường thêm sức mạnh quân sự cho khối liên minh này ở sườn phía Đông. Nhiều máy bay và tàu chiến của Mỹ và NATO cũng đã được điều động tới Địa Trung Hải nhằm đối phó với Nga.

Tú Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tau-chien-ten-lua-may-bay-nga-bua-vay-tu-phia-o-dia-trung-hai-my-nato-lo-sot-vo-82020171345133.htm