Syria sau 8 năm xung đột: Hồi chuông quyết định vận mệnh đã điểm?

Cục diện Syria sau 8 năm xung đột đang chứng kiến những thay đổi bước ngoặt với nhiều dấu hiệu khả quan hơn, nhưng cũng xuất hiện không ít thách thức mới.

Chiến thắng thuộc về Tổng thống Assad

Khi nói về cục diện tại Syria, các nhà quan sát đều có chung nhận định là Tổng thống Bashar Al Assad sẽ tại vị và tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong tương lai của Syria.

Vào mùa Hè năm 2015, chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad từng đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Sau 4 năm rưỡi nội chiến, quân đội Syria gần như “sức tàn lực kiệt” khi phải chống chọi một mình với phiến quân và khủng bố từ nhiều phía. Ở thời điểm đó, chính phủ chỉ kiểm soát 1/4 diện tích lãnh thổ và Tổng thống Assad đã tìm sự trợ giúp từ Nga.

Sự can dự của Nga đã giúp thay đổi cục diện cuộc chiến, giúp chính quyền Tổng thống Assad củng cố sức mạnh. Sau khi giành nhiều thắng lợi trước lực lượng đối lập và các phần tử Hồi giáo cực đoan, hiện chính quyền của Tổng thống Syria Al- Assad đã kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ của Syria, trong đó có nhiều thành phố lớn gồm Damascus và Aleppo.

Tổng thống Assad trò chuyện với các binh sỹ Syria. (Nguồn: Enca)

Giới phân tích cho rằng, ngoài yếu tố Nga còn 2 yếu tố khác góp phần mang lại thắng lợi cho chính quyền Tổng thống Assad, đó là chiến dịch chống khủng bố của liên minh do Mỹ dẫn đầu và sự hỗ trợ của Iran.

Vào năm 2014, Mỹ, Anh và một số nước vùng Vịnh thành lập liên minh chống IS. Liên minh này đã tiến hành hàng chục nghìn cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của IS. Thất bại của IS cùng nhiều tổ chức cực đoan liên hệ với nhóm khủng bố Al Qaeda đã giúp chính phủ Syria củng cố quyền lực.

Yếu tố thứ hai là sự can thiệp của Iran. Không chỉ hỗ trợ về mặt nhân lực, Iran còn triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược như tên lửa, thiết bị bay điều khiển từ xa có vũ trang hay tàng hình hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad. Trong bối cảnh quân đội Syria gặp nhiều khó khăn về mặt chiến thuật, lực lượng Hezbollah cùng nhiều tay súng Shi’ite do Iran hậu thuẫn, sẵn sàng đóng vai trò mũi nhọn trên chiến trường, phối hợp cùng nỗ lực không kích của Nga.

Quân đội Nga tại Syria. (Nguồn: The Moscow Times)

Tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút quân ra khỏi Syria. Quyết định này cũng giúp củng cố vai trò cầm quyền của ông Bashar Al Assad ngày càng thêm vững chãi trong khi quân đội Syria sẽ tránh được những cuộc đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp với các lực lượng Mỹ. Một khi lực lượng Mỹ ra đi, chính phủ Syria có thể tìm cách giành lại những khu vực khác của đất nước mà họ đã để mất trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua.

Syria tái hòa nhập cộng đồng Arab

Bước sang năm 2019, chính quyền Tổng thống Assad đã có thể “thở phào” vì không phải chịu nhiều áp lực như trước. Dù cuộc chiến chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng những mối đe dọa đối với an ninh Syria đã giảm đi đáng kể.

Mặc dù một số nhóm phiến quân, trong đó có cả những nhóm liên hệ với IS vẫn thực hiện các cuộc tấn công lẻ tẻ tại khu vực do chính phủ kiểm soát nhưng với tần suất thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao trào của cuộc chiến. Tàn quân khủng bố IS giờ đây co cụm lại trong một khu vực chỉ rộng 700m2, trong một thị trấn nhỏ mang tên Baghouz ở miền đông Syria và đang phải chống đỡ những đợt tấn công vũ bão của lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Thủ đô Damascus hiện giờ đã an toàn. Chính phủ các nước Arab, trong đó có UAE đang nối lại quan hệ ngoại giao với Syria và mở các đại sứ quán tại Damascus. Các đại diện của chính phủ Syria một lần nữa nhận được sự chào đón nhiệt tình tại nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều quốc gia Arab mong muốn bình thường hóa quan hệ với chính quyền của ông Assad. (Nguồn: Youtube)

Nhiều lãnh đạo Arab trước kia từng mong muốn lật đổ Tổng thống Assad, hỗ trợ tài chính, đạn dược, vũ khí cho các phe phái đối lập tại Syria thì bây giờ đang quay sang bình thường hóa quan hệ với Damascus, với phương châm “nếu không thể đánh bại họ thì hãy làm bạn với họ”.

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2018, Ngoại trưởng Syria đã chào người đồng cấp Bahrain bằng một cái ôm thân thiện, điều chưa từng xảy ra nhiều năm qua. Các quan chức Syria hiện đang đàm phán với chính phủ Iraq mở lại cửa khẩu biên giới Albu Kamal giữa hai nước còn phía Iraq cũng đang nỗ lực giúp Syria tài hòa nhập phần còn lại của thế giới Arab.

Phát biểu với một tờ báo của Kuwait, Tổng thống Bashar al-Assad cho biết có một “sự thấu hiểu lớn” giữa ông và các lãnh đạo Arab. Giới phân tích cho rằng điều ông Assad muốn ám chỉ ở đây là sự bình thường hóa quan hệ kinh tế, chẳng hạn như Jordan – quốc gia từng phản đối mạnh mẽ vai trò của ông Assad, thời gian gần đây đã mở cửa khẩu biên giới Naseed để thuận lợi cho việc thông thương và đi lại giữa hai nước.

Các nguồn tin Arab cho biết, hầu hết các nước thành viên của Liên đoàn Arab đã đồng ý khôi phục lại tư cách thành viên của Syria và vấn đề này có nhiều khả năng sớm được định đoạt trước Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Arab, dự kiến họp vào tháng 3/2019 tại Tunisia.

Bài toán nan giải về kinh tế

Bất chấp những tín hiệu tích cực, chặng đường tái thiết và khôi phục đất nước sau chiến tranh của Tổng thống Assad vẫn còn nhiều khó khăn. Mối lo mới của nhà lãnh đạo Syria hiện giờ là làm sao thoát khỏi sự bao vây về kinh tế và tái thiết đất nước, trong bối cảnh chính quyền Damascus phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế suốt 8 năm qua.

Xung đột kéo dài đã tàn phá nghiêm trọng nhiều thành phố của Syria, làm tê liệt lực lượng lao động nước này. Nhiều cơ sở công nghiệp trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như khai thác dầu - khí, năng lượng điện, khai khoáng... đã bị phá hủy bởi chiến tranh, đó là chưa kể những cơ sở khác đang nằm trong tay lực lượng vũ trang người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.

Giao tranh đã tàn phá nhiều thành phố tại Syria. Nhiều nơi chỉ còn là những đống hoang tàn, đổ nát. (Nguồn: Sputnik)

Cạnh tranh lợi ích quốc tế đang làm phức tạp thêm công việc tái thiết nền kinh tế Syria. Trong khi các đồng minh của Tổng thống Assad như Nga và Iran đang xoay xở mọi cách để giúp Syria khôi phục kinh tế thì Mỹ và nhiều nước phương Tây lại gia tăng trừng phạt và rút khỏi các quỹ hỗ trợ cho Syria vì lo ngại nếu đổ tiền vào đó có thể củng cố thêm sức mạnh của chính quyền ông Assad.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, tỷ lệ người Syria sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực, ở mức chưa đến 1,9 USD/ngày đã tăng nhiều gấp đôi, lên tới 69% kể từ năm 2011. 56% doanh nghiệp của Syria đã đóng cửa hoặc chuyển việc kinh doanh ra nước ngoài kể từ năm 2009. Nếu như trước xung đột, tỉ lệ thất nghiệp tại Syria là 10% vào năm 2010 thì con số này đã tăng vọt lên 50% vào năm 2015.

Người dân Syria giữa đống đổ nát của chiến tranh. (Nguồn: Daily Express)

Chi phí sinh hoạt gia tăng và việc chậm trả lương đồng nghĩa với việc người Syria đang phải vật lộn để mua những thứ cơ bản nhất. Ông Ahmed, một nhà kinh doanh Syria cho biết: “Nhiều người cho rằng năm 2019 sẽ là một năm tồi tệ đối với Syria xét về phương diện kinh tế và người dân Syria sẽ phải gánh chịu điều này”. Theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí cần thiết cho công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria dao động từ 300 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ.

Những đứa trẻ sinh ra cùng tuổi với cuộc xung đột

Tờ Finacial Times cho biết, 8 năm chiến sự ác liệt tại Syria đã cướp đi sinh mạng của gần 500.000 người, khiến 3 triệu người sống với thương tật vĩnh viễn và tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, với một nửa dân số Syria phải rời bỏ nhà cửa.

Cuộc chiến kéo dài tại Syria đã tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới. (Nguồn: NCC)

Nhiều người Syria may mắn có được cuộc sống ổn định tại nước ngoài mong muốn được trở về thăm người thân. Còn hàng triệu người đang phải sống tị nạn, vất vưởng tại những quốc gia khác đang mong ngóng có một sự thay đổi nào đó trong cuộc chiến tại Syria để tìm lại cuộc sống trước đây của họ.

Bà Chiara Saccardi, người đứng đầu tổ chức Hành động chống đói nghèo tại Syria và khu vực cho biết:“8 năm xung đột đã phá hủy mọi thứ, các khu chợ, sinh kế, lương thực, nguồn nước, cơ sở hạ tầng. Vẫn còn nhiều người Syria bị thiệt mạng mỗi ngày. Quay trở về nơi bắt đầu sẽ là cả hành trình dài mất nhiều thời gian”.

Trong một báo cáo công bố ngày 11/3, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, năm 2018 là năm chết chóc nhất đối với trẻ em Syria khi có tới 1.106 trẻ em thiệt mạng do xung đột. Không chỉ đau đớn về mặt thể xác mà trẻ em Syria cũng phải chịu nỗi đau lớn về tinh thần khi phải chứng kiến cảnh giao tranh đổ máu. Bassam, một em bé 8 tuổi cho biết: “Chúng cháu đã phải chứng kiến nhiều thứ khủng khiếp. Xe tăng ở khắp mọi nơi. Chúng cháu thường xuyên nghe thấy tiếng súng nổ”.

Hai em bé Omran Daqneesh (ảnh trên) và Karim Abdallah đều là biểu tượng chiến tranh đau thương ở Syria. (Nguồn: Reuters)

Là một bà mẹ đơn thân có 4 đứa con nhỏ, cô Mariam, một người tị nạn Syria đã phải làm việc cật lực để nuôi sống cả gia đình chia sẻ: “Đứa con nhỏ nhất của tôi giờ đã 8 tuổi, bằng tuổi với cuộc xung đột tại Syria”. Cô hy vọng một ngày nào đó được trở về quê hương, có cuộc sống tốt hơn và bọn trẻ được quay trở lại trường học”. Ước mơ giản dị nhưng không biết khi nào mới có thể thành hiện thực.

“Đứa con nhỏ nhất của tôi giờ đã 8 tuổi, bằng tuổi với cuộc xung đột tại Syria”, cô Mariam một người tị nạn Syria nói. (Nguồn: Care)

(theo Hồng Anh/VOV)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/syria-sau-8-nam-xung-do-t-ho-i-chuong-quye-t-di-nh-va-n-me-nh-da-die-m-89922.html