Syria ra điều kiện để Mỹ được đàm phán: Vị thế khác

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố điều kiện để đàm phán với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phái bộ thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc mới đây cho biết, Damascus sẵn sàng làm việc với chính quyền Tổng thống Joe Biden nếu như ông đảo ngược chính sách của những người tiền nhiệm.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các điều kiện bao gồm ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, rút binh lính mà Mỹ đã triển khai không có sự cho phép của Damascus, và ngừng khai thác dầu khí.

Ngoài ra, Washington cũng phải chấm dứt hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria, vốn gồm phần lớn người Kurd đang đòi tự trị ở miền đông bắc đất nước, và dừng viện trợ cho các nhóm phi nhà nước khác tham gia nội chiến ở Syria.

"Nguyên nhân của những bất đồng hiện nay với Mỹ là chính sách của các chính quyền Mỹ trước đó, bao gồm: can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Cộng hòa Ảrập Syria, đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của Syria, hỗ trợ các lực lượng ly khai và vũ trang cho các thực thể khủng bố ở Syria", phái bộ thường trực của Syria nêu cụ thể.

Họ nhấn mạnh, nếu những điều kiện trên được đáp ứng, Damascus sẽ cân nhắc tái lập quan hệ với Washington. Mỹ đã cắt đứt các mối quan hệ với Syria vào năm 2012 khi làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ảrập bùng nổ thành cuộc xung đột toàn diện giữa các lực lượng an ninh, quân nổi dậy và các nhóm thánh chiến.

"Trong trường hợp chính quyền Mỹ sẵn sàng từ bỏ các chính sách này, Syria không phản đối sự liên lạc có ý nghĩa và mục đích khác xa những điều kiện mà chính quyền trước đã cố áp đặt lên Syria và khu vực", phái bộ này nói.

Có thể thấy một cách rõ ràng các tuyên bố từ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được phát đi cho thấy vị trí đã thay đổi của họ so với Mỹ.

Thay vì bị cáo buộc là chính quyền khủng bố, vô nhân đạo, tấn công hóa học vào dân thường... từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Assad hiện đã dần lấy lại sự kiểm soát tại Syria.

Cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia này hiện đã được giải quyết một phần với sự hỗ trợ quân sự của Nga. Cùng với thỏa thuận dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát một phần lãnh thổ nước này viện cớ ủng hộ các lực lượng phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng dân quân người Kurd mà Ankara coi là khủng bố, được Mỹ hỗ trợ vũ trang.

Như một nỗ lực củng cố hoạt động quân sự tại quốc gia giàu dầu mỏ này, ngay thời điểm chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng, quân đội Mỹ đã gia tăng hoạt động chuyển quân đến các khu vực mà họ đóng quân tại các giếng dầu mỏ, xây thêm căn cứ quân sự ở khu vực người Kurd.

Các lực lượng quân sự Mỹ ở Syria đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự mới ở tỉnh phía đông Hasaka, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm phiến quân do người Kurd đứng đầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Theo nguồn tin chia sẻ với hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), đầu tiên các binh sĩ Mỹ đã di chuyển 10 xe chở quân tới thị trấn Malikiyah nằm ở phía đông bắc tỉnh Hasaka và sau đó đi tới al-Yaroubia, khu vực nằm giáp với biên giới Iraq.

Căn cứ quân sự mới mà Mỹ đang xây dựng được cho nằm gần Tal Alou ở phía tây bắc của vùng al-Yaroubia. Mỹ cũng đã đưa nguyên vật liệu và thiết bị quân sự tới khu vực này để xây căn cứ mới.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Syria lâu nay bị coi là bất hợp pháp vì không nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính quyền Damascus.

Trong giai đoạn nắm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần hứa rút quân đội Mỹ khỏi Syria, nhưng lời hứa này chưa hoàn toàn trở thành hiện thực.

Bởi Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quy mô nhỏ với lời biện minh là để “bảo vệ dầu mỏ Syria” không rơi vào tay các nhóm khủng bố. Thực chất, quân đội Mỹ có mặt ở Syria không phải để bảo vệ các mỏ dầu mà là hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd khai thác trái phép và buôn lậu ra nước ngoài.

Gần đây nhất, hôm 20/1, đúng ngày ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46, chính quyền Damascus đã gửi thông điệp đầu tiên cho chính quyền mới của Mỹ.

Cụ thể, phát biểu trước Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, đại sứ Syria Bashar al-Jaafari đã hối thúc Nhà Trắng “dừng các hành động mang tính khiêu khích và xâm lược”, đồng thời rút quân khỏi khu vực và dừng những nỗ lực “đe dọa tới chủ quyền, sự hợp nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/syria-ra-dieu-kien-de-my-duoc-dam-phan-vi-the-khac-3427130/