Syria : Phải nhờ Nga bảo vệ, người Kurd hiểu ân tình Mỹ

Không biết làm cách nào để đổi thay số phận, người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria mượn lời trách Nga để nói lên nỗi niềm ai oán với Mỹ...

Người Kurd cáo buộc Nga làm ngơ để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công miền Bắc Syria

Ngày 18/12, Đồng Chủ tịch Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), cánh chính trị của các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd thống lĩnh, Amina Omar, đã lên án "Thổ Nhĩ Kỳ muốn chia cắt đông bắc Syria, phá hoại an ninh và ổn định trong khu vực".

Chủ tịch SDC lên án Ankara trong bối cảnh đụng độ giữa người Kurd và các thành viên khác của SDF với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh được họ bảo trợ nhắm vào thị trấn Ain Issa gây nhiều tổn thất cho người Kurd, theo Avia-pro.

Đồng thời với lên án Ankrara, người đứng đầu Hội đồng Dân chủ Syria đã cáo buộc Nga vô trách nhiệm, không hành động để bảo vệ miền Bắc Syria trước sự tấn công của quân đội Thổ và đồng minh. SDC đe dọa trục xuất quân Nga khỏi khu vực này.

"Nga phải chịu trách nhiệm về việc để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Ain Issa, vì Nga có trách nhiệm bảo vệ Ain Issa khỏi các mối đe dọa và tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh được Ankara bảo trợ. Song Nga đã không làm nhiệm vụ của mình”.

Quân đội Thổ Thĩ Kỳ tấn công vào khu vực người Kurd ở đông bắc Syria

Quân đội Thổ Thĩ Kỳ tấn công vào khu vực người Kurd ở đông bắc Syria

Xin nhắc lại, ngày 8/11, với sự trung gian của Nga, Lực lượng Dân chủ Syria mà do người Kurd dẫn đầu đã ký kết một thỏa thuận với chính phủ Syria, nhằm bảo vệ thị trấn Ain Issa ở phía bắc Raqqa trước các cuộc tấn công tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng Dân chủ Syria ký thỏa thuận với đại diện chính phủ Syria về bảo vệ Ain Issa xuất phát từ cảnh báo của Nga với SDF về khả năng diễn ra các cuộc tấn công của Thổ và lực lượng Hồi giáo cực đoan được Thổ hậu thuẫn nhằm vào Ain Issa.

Theo thỏa thuận, SDF và Damascus sẽ thiết lập ba trạm quan sát chung ở phía bắc, đông và tây của Ain Issa. Ba trạm quan sát chung nằm dọc theo đường cao tốc M4, nối bắc Raqqa với đông al-Hasakah, tây Aleppo và trận địa phòng ngự Ain Issa.

Ain Issa được xem là một cứ điểm chiến lược và Mỹ từng đóng quân tại đây. Nhưng khi Ankara mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tấn công khu vực đông bắc Syria do người Kurd kiểm soát, Lầu Năm Góc đã lệnh cho binh sĩ rời khỏi cứ điểm này.

Sau khi Mỹ rút, quân đội Syria, được sự hỗ trợ của quân cảnh Nga, đã tăng cường sự hiện diện binh lực ở thị trấn Ain Issa. Thị trấn chiến lược này cũng có một Trung tâm Điều phối và Hoạt động của lực lượng quân cảnh Nga.

Tuy nhiên, phần lớn khu vực Ain Issa vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria, mà trực tiếp là người Kurd. Vì vậy, cứ điểm chiến lược này luôn nằm trong kế hoạch tấn công của quân đội Thổ và các nhóm chiến binh được họ bảo trợ.

Và khi được Nga cảnh báo về việc quân đội Thổ và lực lượng Hồi giáo cực đoan được Ankara hậu thuẫn sẵn sàng tấn công Ain Issa, thì SDF buộc phải ký thỏa thuận với Damascus với kỳ vọng quân đội Nga sẽ bảo vệ giúp họ thị trấn chiến lược này.

Nhưng khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh đồng minh tấn công vào hai ngôi làng gần thị trấn Ain Issa, thì Nga không hành động, khiến lực lượng người Kurd phải đơn thương độc mã trong cuộc đối đầu và chịu nhiều tổn thất.

Người Kurd trách Nga nhưng thực ra oán Mỹ

Nga không can thiệp trước việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm phiến quân đồng minh tấn công miền bắc Syria, nhất là các cuộc đụng độ diễn ra ở khu vực Ain Issa, theo giới chuyên gia quân sự thì không phải Moscow vô trách nhiệm.

Bởi lẽ khi ký thỏa thuận về việc bảo vệ Ain Issa, lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria đã kiên quyết giữ độc quyền kiểm soát thị trấn này, chứ không chuyển quyền hay chia sẻ quyền kiểm soát với Quân đội Syria và quân đội Nga.

Điều đó cho thấy, mục đích ký kết thỏa thuận về việc bảo vệ Ain Issa thực chất lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria chỉ muốn quân đội Syria và quân đội Nga bảo vệ họ giống như Mỹ đã từng làm.

Rõ ràng điều này phi lô gic. Bởi người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria luôn chống lại chính quyền Syria, nên Damascus không thể cứu họ, còn Nga thì không - và chắc chắn sẽ không bao giờ - thay Mỹ bảo trợ cho người Kurd và phe đối lập Syria.

Người Kurd phải nhờ Nga bảo vệ

Không những vậy, người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria còn đe dọa ngừng tiếp nhận quân đội Nga đến khu vực bắc Syria, có thể khiến các căn cứ quân sự và trạm quan sát của Nga không có tiếp tế. Thử hỏi vậy thì làm sao Nga bảo vệ họ được.

Thực ra việc tạo điều kiện cho Lực lượng Dân chủ Syria và chính quyền Syria ký kết thỏa thuận về bảo vệ Ain Issa chỉ là một nước cờ của Moscow nhằm giúp Damascus mở rộng tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phía bắc Syria.

Người Kurd và phe đối lập Syria thừa biết điều đó, song họ buộc phải ký thỏa thuận với Damascus và chấp nhận sự điều chỉnh bởi nước cờ của Moscow. Chỉ có điều họ chỉ "biết mình mà không biết người" nên giờ phải một mình ôm đầu máu.

Phải nhờ Moscow bảo vệ đã là sự bẽ bàng và khi phải lên tiếng cáo buộc Moscow vô trách nhiệm thì đó là một sự cay đắng. Song để lực lượng người Kurd và phe đối lập Syria rơi vào cảnh bẽ bàng, đắng cay như vậy là do người Mỹ cả.

Khi can thiệp vào Syria thì Washington trợ giúp lực lượng nổi dậy và ủng hộ phe đối lập chống lại chính quyền Syria. Người Mỹ chấp nhận vị thế "khách không mời" để có điều kiện thực hiện mưu đồ gạt Tổng thống Assad khỏi vũ đài chính trị Syria.

Khi Nga can thiệp vào Syria với vị thế "khách mời", thực hiện hành động tất tay, giúp chính quyền Tổng thống Assad dần giành lại quyền kiềm soát đất nước, Washington thay đổ thái độ, gần như chỉ đứng nhìn đàn em bị quân đội Syria dần cho nhừ tử.

Sau khi Tổng thống Putin thực hiện nước cờ tách biệt khủng bố khỏi đối lập ôn hòa thì phe đối lập Syria rơi vào cảnh co cụm, vì Mỹ hết đường binh. Việc Mỹ bất ngờ rút quân là một cú tát trời giáng với phe đối lập Syria.

Còn với lực lượng người Kurd thì được Washington sử dụng như một quân cờ chủ lực để vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông. Xuất phát từ ý đồ đó nên Washington để người Kurd ngoài mọi tiến trình chính trị tại Syria.

Nằm trong thành phần phe đối lập, nhưng trong tất cả các cơ chế nhằm tái lập hòa bình và xác lập tương lai chính trị cho Syria, đại diện người Kurd không có trong thành phần của phe đối lập Syria tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào.

Chính lối hành xử của người Mỹ đã biến người Kurd trở thành đích ngắm của nhiều xạ thủ nhất trên chiến trường Syria và khi Mỹ rút quân thì ngay lập tức người Kurd ở Syria rơi vào cửa tử.

Vì vậy, khi Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tấn công tiêu diệt "khủng bố" người Kurd thì lực lượng này phải nhờ tới Nga. Bởi vì lúc này chỉ Moscow mới có thể giúp họ tránh được đạn pháo của Ankara, sau khi Washington "phủi tay, gác kiếm".

Dư luận ngạc nhiên là đã nhờ tới Moscow và Damascus, nhưng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria lại không biết điều, "chỉ biết mình mà không nghĩ tới người" khi kiên quyết giữ quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà họ nhờ bảo vệ.

Trong khi người bảo trợ Mỹ thì để mặc cho người Kurd ôm đàu máu bởi đạn pháo của Thổ

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không hẳn là người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria không biết điều, mà thực ra họ không thể làm, không dám làm điều đó. Lý do là nếu họ nhường lãnh thổ cho Damascus thì sẽ phải trả giá với Washington.

Số phận của những kẻ đã nhận tiền của Mỹ thì luôn phải đặt lợi ích của mình sau lợi ích Mỹ và mưu đồ của Washington. Vì an toàn mà người Kurd nhường lãnh thổ cho Damascus thì sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ và phá hỏng mưu đồ của Washington.

Mục tiêu lâu dài của Mỹ là kiểm soát các mỏ dầu trong vùng lãnh thổ Syria do người Kurd kiểm soát và các công ty dầu của Mỹ đã ký thỏa thuận với chính quyền bán tự trị của người Kurd về khai thác dầu mỏ ở Syria.

Hiện nay, phần lớn các mỏ dầu ở đông và đông bắc Syria vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Syria, mà chủ yếu do người Kurd, kiểm soát. Vì vậy, chỉ cần một động tác nhường lãnh thổ là người Kurd không thể yên với Washington.

Trong lúc một mình ôm đầu máu trước đạn pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, phải bẽ bàng nhờ vả Nga giúpbảo vệ lãnh thổ-bảo vệ lợi ích cho người anh em ở phương trời xa, có lẽ người Kurd càng hiểu hơn về thân phận của những kẻ trót nhận tiền Mỹ.

Không biết làm cách nào để đổi thay số phận, dường như người Kurd muốn mượn lời trách Nga để nói lên nỗi niềm với ân tình của Mỹ. Trong tận cùng nỗi đau, có lẽ người Kurd đã nhận thấy chính nghĩa quốc gia là quan trọng, chứ không phải những lời hứa từ phương trời xa.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/syria-phai-nho-nga-bao-ve-nguoi-kurd-hieu-an-tinh-my-3424789/