Syria nóng lên từng giờ

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vẫn loay hoay tìm giải pháp khi mà tình hình Syria đang nóng lên từng giờ. Các màn 'khẩu chiến' diễn ra song song với các lệnh điều động tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa...

Trong khi Mỹ dọa đưa hàng nghìn quả tên lửa “thông minh” tới Syria, đồng minh tuyên bố sẵn sàng tham chiến thì phía bên kia, Nga và các lực lượng thuộc quân Chính phủ Syria cũng dàn trận chờ mưa tên lửa Mỹ. Syria đứng trước một mùa hè rực lửa bởi sức nóng từ bom đạn.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bế tắc?

Ngày 11-4, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về “sự bế tắc” của HĐBA LHQ trong vấn đề Syria, đồng thời nhấn mạnh “cần tránh để tình hình Syria vượt tầm kiểm soát”.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres cho biết, ông đang giám sát chặt chẽ những diễn biến tại HĐBA và lấy làm tiếc khi các nước ủy viên HĐBA đến nay không thể đạt được nhất trí liên quan tới việc điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ông thông báo đã triệu tập 5 đại sứ của 5 nước ủy viên thường trực HĐBA (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc) để nhấn mạnh những quan ngại sâu sắc của ông về thế bế tắc hiện nay, đồng thời nêu bật sự cần thiết tránh để tình hình Syria vượt tầm kiểm soát.

Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này tuyên bố các nước phải nỗ lực để chấm dứt những nỗi thống khổ kinh hoàng mà người dân Syria đang phải chịu đựng.

Tổng Thư ký Guterres đưa ra tuyên bố trên sau khi rạng sáng 11-4 (theo giờ Hà Nội), HĐBA LHQ không thể thông qua dự thảo nghị quyết thứ ba liên quan tới việc điều tra vụ nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria. Nghị quyết này do Thụy Điển soạn thảo và nhận được sự ủng hộ của Nga.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman đang tới Địa Trung Hải. Ảnh: Military Colonel.

Về 2 dự thảo nghị quyết khác lần lượt do Mỹ và Nga đệ trình, điểm khác biệt chính giữa 2 nghị quyết này là văn bản của Mỹ yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra để xác định thủ phạm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria, còn văn bản của Nga yêu cầu các nhà điều tra báo cáo kết quả điều tra lên HĐBA và sau đó cơ quan này sẽ đưa ra kết luận.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng dự thảo nghị quyết của Mỹ không tập trung vào việc điều tra sự thật mà chỉ nhằm cáo buộc Chính phủ Syria. Ông cáo buộc Mỹ “vẽ ra” nghị quyết nêu trên làm “cái cớ” để biện minh cho hành động chống lại Syria trong tương lai. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói rằng dự thảo nghị quyết của Mỹ “chỉ là điều tối thiểu mà HĐBA có thể làm để phản ứng trước các vụ tấn công” hôm 7-4.

Trong bối cảnh HĐBA LHQ không thông qua được 3 dự thảo nghị quyết, cùng ngày, OPCW thông báo sẽ cử chuyên gia đến Syria để điều tra vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học này.

1.000 quả Tomahawk

Trong cuộc họp với nội các chính phủ ngày hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ đưa ra quyết định đáp trả các cáo buộc về vụ tấn công hóa học ở thành phố Douma, Đông Ghouta, Syria trong vòng 24 đến 48 giờ tới, và ngày 11-4 là cái mốc cuối cùng.

Tuy nhiên giới hạn ấy đã hết, tính tới thời điểm sáng 13-4 (giờ Hà Nội) vẫn chưa có quả tên lửa nào được phóng đi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sức nóng chiến sự giảm xuống. Những tính toán, những tuyên bố hùng hồn từ tất cả các bên khiến cả khu vực, thậm chí cả thế giới nín thở dõi theo.

Ngày 12-4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn đang cân nhắc thời điểm có thể tấn công Syria. Trong thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội Twitter sáng 12-4, Tổng thống Trump nêu rõ: “Tôi chưa bao giờ nói khi nào một cuộc tấn công Syria sẽ xảy ra. Có thể sẽ rất sớm hoặc không sớm chút nào”. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi chính ông Trump cảnh báo rằng “những tên lửa sẽ được phóng tới” Syria.

Theo kế hoạch được các chuyên gia dự báo, Mỹ có 2 phương án để tấn công vào Syria, đó là sử dụng các chiến hạm từ trên biển, bao gồm cả tàu sân bay; hai là sử dụng các chiến đấu cơ ở các căn cứ đồng minh xung quanh, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược B-52. Với phương án máy bay thì Mỹ đã sẵn sàng hàng trăm máy bay ở các nước Trung Đông xung quanh, từ các căn cứ ở Italia bên bờ Địa Trung Hải hoặc máy bay Anh ở đảo Síp.

Phương án tàu chiến, Hải quân Mỹ ngày 11-4 thông báo, tàu sân bay hạt nhân CVN-75 USS Harry S. Truman và biên đội tác chiến hiện đóng tại căn cứ Norfolk, bang Virginia - Hoa Kỳ đã lên đường tiến về khu vực biển Địa Trung Hải ở Trung Đông để thực hiện nhiệm vụ mới.

Theo đó, tàu sân bay USS Harry S. Truman sẽ được sự hộ tống của tuần dương hạm CG-60 USS Normandy, các tàu khu trục mang tên lửa DDG-51 USS Arleigh Burke, DDG-84 USS Bulkeley, DDG-98 USS Forrest Sherman và DDG-99 USS Farragut sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động mới. Thông báo của Hải quân Mỹ còn cho biết, ngoài ra, 2 khu trục hạm khác là DDG-109 USS Jason Dunham và DDG-68 USS The Sullivans sẽ sớm gia nhập vào nhóm tác chiến tàu sân bay này.

Ông Trump cùng các cố vấn quân sự tại Nhà Trắng họp bàn về tình hình Syria. Ảnh: New York Times.

Trước đó, 2 khu trục hạm DDG-75 USS Donald Cook và DDG 78 USS Porter cũng đã tới bờ phía đông Địa Trung Hải, cách căn cứ hải quân Tartus của Nga ở tỉnh Latakia vẻn vẹn 100km. 7 khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke của Mỹ, mỗi tàu có thể mang được 64 tên lửa hành trình Tomahawk, còn tuần dương hạm CG-60 USS Normandy có thể mang được tới 122 quả. Như vậy, biên đội tàu Mỹ có thể phóng đồng loạt khoảng 634 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.

Ngoài ra, Hạm đội 6 còn có biên đội tàu Aegis 5 chiếc, gồm tàu khu trục DDG-72 USS Mahan, DDG-61 USS Ramage, DDG-107 USS Gravely, DDG-52 USS Barry và DDG-55 USS Stout. Bất kể được triển khai ở Địa Trung Hải hay Hồng Hải hoặc thậm chí là ở vịnh Ba Tư (Persian Gulf), chúng đều có đủ khả năng phóng đồng loạt 320 quả tên lửa Tomahawk vào Syria.

Như vậy, Mỹ có thể huy động hỏa lực trong đợt tấn công phủ đầu lên tới 1.000 quả tên lửa hành trình Tomahawk, đủ khả năng hủy diệt hoàn toàn các đầu não chính trị, quân sự và các công trình trọng điểm kinh tế của Syria. Thời điểm 72h như trong cảnh báo của Eurocontrol tương đối phù hợp với hành trình của biên đội tàu sân bay Mỹ từ bờ biển phía Đông Mỹ sang Địa Trung Hải. Nếu không có diễn bến bất ngờ xảy ra, đòn tấn công là không thể tránh khỏi.

Đúng như dự báo, Mỹ đang chuẩn bị cho quyết tâm trút “mưa” 1.000 quả tên lửa xuống Syria. Dự báo trên là có cơ sở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy chuyến công du chính thức đầu tiên tới châu Mỹ Latinh. Thời điểm hủy bỏ trùng khớp với những cảnh báo đáng lo ngại về chiến sự ở khu vực biển Địa Trung Hải.

Tên lửa thông minh chỉ nên nhằm vào bọn khủng bố

Đáp lại những động thái từ phía Mỹ, ngày 11/-4, Nga tuyên bố các tên lửa của Mỹ nên nhằm vào lực lượng khủng bố chứ không phải chính phủ hợp pháp của Syria. Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các tên lửa “thông minh” mà Tổng thống Trump đề cập đến không nên nhằm vào một chính phủ hợp pháp trong nhiều năm qua đang chiến đấu chống khủng bố trên đất nước mình.

Ngoài ra, bà Zakharova cũng cho rằng Mỹ có thể sử dụng một cuộc không kích để các tên lửa phá hủy mọi bằng chứng liên quan đến nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria mà Nga cho đến nay vẫn cho rằng là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích các đe dọa của Mỹ về một cuộc không kích đáp trả là hành động “liều lĩnh”, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Nguồn tin trên cũng bác bỏ các cáo buộc “dối trá và bịa đặt” của Mỹ về việc chính quyền Tổng thống Bashar al Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Andrei Krasov tuyên bố Nga đã cảnh báo Mỹ rằng Moskva sẽ coi vụ không kích nhằm vào Syria là tội ác chiến tranh. Theo ông Krasov, Mỹ không kích Syria “không chỉ là hành động gây hấn mà còn là một tội ác chiến tranh của liên quân phương Tây”.

Nga một mặt kêu gọi Mỹ kiềm chế, một mặt chủ động báo động các đơn vị quân đội để đối phó trong tình huống xấu nhất. Điện Kremlin ngày 12-4 cho hay một kênh liên lạc Nga-Mỹ nhằm tránh đụng độ ngẫu nhiên ở Syria đang được 2 bên sử dụng trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan khả năng Mỹ tấn công Syria.

Quân nhân Nga tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria. Ảnh Sputnik.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh: “Nga đang theo dõi sát những tuyên bố liên quan do Washington đưa ra. Chúng tôi vẫn cho rằng cần phải kiềm chế bất cứ bước đi nào có thể dẫn đến một sự leo thang tại Syria”.

Hiện, căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus của Nga tại Syria, cũng như các quân nhân Nga được triển khai ở quốc gia Trung Đông này đang được đặt trong tình trạng bảo vệ chặt chẽ. Nhiều tàu chiến đã rời khỏi vị trí gần Syria và tại các cảng của Syria để bảo toàn và triển khai ý đồ chiến thuật.

Trong một diễn biến mới nhất, hãng tin Al-Masdar đưa tin, Bộ Tổng tham mưu Nga vừa ra lệnh cho các đơn vị phòng không Nga tại Syria túc trực chiến đấu, sẵn sàng đánh bại mọi đòn tập kích nếu có. Nga đã cho báo động hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-400 của nước này tại Syria; triển khai máy bay chiến đấu MiG-31 “ma tốc độ” tuần tiễu 24/24 giờ đề phòng đòn đánh phủ đầu từ phương Tây.

Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin nhắc lại một tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Putin, rằng “nếu có một vụ tấn công của Mỹ thì các tên lửa sẽ bị bắn hạ, thậm chí nơi phóng các tên lửa này cũng sẽ bị bắn”.

Quân đội Nga cũng khuyến cáo quân đội Syria tiếp tục cảnh giác cao độ, đồng thời chia sẻ các báo cáo về các mục tiêu tiềm năng mà quân đội Mỹ có thể tấn công. Hiện toàn bộ các đơn vị quân đội Syria đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao và củng cố hệ thống hầm hào, công sự tại các căn cứ, tiền đồn trên khắp cả nước. Hạm đội Biển Đen của Nga cũng chuyển sang trạng thái báo động cao nhất. Syria tuyên bố không e sợ trước cuộc tấn công của Mỹ.

Nước Mỹ được gì khi tấn công Syria?

“Quy trình” cáo buộc rồi tấn công này lại tái diễn và có chiều hướng nghiêm trọng hơn sau đúng một năm. Trong mấy ngày qua, nhiều nước phương Tây tuyên bố ủng hộ Mỹ tấn công Syria. Nhiều chuyên gia cảnh báo, phương Tây đã thua trong ván cờ Trung Đông!

Rõ ràng leo thang quân sự ở Syria không có lợi cho Mỹ. Đây là thời điểm mà mỗi công dân Mỹ phải tự đặt câu hỏi, lợi ích thực sự của họ trong cuộc chiến ở Syria là gì? Liệu an ninh của Mỹ hay thực tế là an ninh của phương Tây có được cải thiện qua việc leo thang quân sự ở Syria?

Rõ ràng, bằng chứng của nhiều năm trước, khi xảy ra bất ổn ở Syria tạo ra làn sóng di dân vào châu Âu, đã chứng minh điều ngược lại. Một bằng chứng mạnh mẽ trong lịch sử gần đây cho thấy chiến tranh sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều người tị nạn, sự hỗn loạn, cực đoan hơn và thêm nhiều cơ hội cho khủng bố. Liệu việc xóa bỏ chế độ Assad có cải thiện được hòa bình trong khu vực?

Một lần nữa, bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Một Syria không có Assad chắc chắn sẽ hỗn loạn, nơi mà IS và các phần tử Hồi giáo cực đoan khác sẽ lấp khoảng trống quyền lực và biến nước này thành một nơi huấn luyện những kẻ khủng bố trong tương lai. Chúng ta đã chứng kiến chu trình này vô số lần trước đây, ở Afghanistan, Iraq và Libya - vì vậy hãy đừng lặp lại sai lầm tương tự.

Cuộc tấn công Syria có làm nước Mỹ giàu hơn? Một lần nữa chúng ta chỉ cần tự nhắc nhở mình về con số 6 nghìn tỷ USD đã được chi trong cuộc chiến thất bại thảm hại là cuộc chiến tranh Iraq. Cuộc chiến tranh này có lẽ là một trong những sai lầm địa chính trị lớn nhất trong lịch sử gần đây. Một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông sẽ đặt nước Mỹ vào tình thế bên miệng hố chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân vì cái gì?

Trong một bài xã luận, báo Le Monde (Pháp) kêu gọi: “Mỹ và đồng minh cần phải nghĩ xa hơn, không hấp tấp, càng có nhiều đồng minh càng tốt, không nên coi thường hệ lụy của chiến dịch tấn công này trong một môi trường dễ bùng nổ do sự có mặt của các tác nhân như Nga, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiếm khi nào Trung Đông lại ở trong một bối cảnh nguy hiểm như thế này”.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/syria-nong-len-tung-gio-486812/