Syria: 'Mỹ là kẻ cướp dầu mỏ của Syria'

Bộ trưởng Dầu mỏ Bassam Touma cho biết, dù nguồn dầu mỏ Syria không lớn so với trong khu vực nhưng hiện đang bị Mỹ và đồng minh đánh cắp hàng ngày.

Kể từ năm 2011, phần lớn các nguồn tài nguyên dầu mỏ đã bị phá hủy hoặc cướp phá, đầu tiên là bởi các chiến binh thánh chiến và sau đó là Mỹ và các đồng minh người Kurd của họ. Hiện nay, khoảng 90% dầu mỏ của Syria nằm dưới sự kiểm soát của Washington và các đồng minh.

Syria tố Mỹ là kẻ cướp dầu mỏ của Damascus.

Syria tố Mỹ là kẻ cướp dầu mỏ của Damascus.

"Người Mỹ và các đồng minh của họ đang nhắm vào dầu mỏ của Syria và các tàu chở dầu của họ giống như những tên cướp biển.

Những gì đã xảy ra trong suốt cuộc chiến ở Syria đã không xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào như vậy, họ ngăn cản chúng ta khai thác tài sản của mình và đồng thời ngăn chặn hàng hóa cơ bản đến đất nước của chúng ta", Bộ trưởng Touma nói với Kênh Tin tức Syria hôm 18/3.

Theo ước tính của ông Touma, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của Syria trong lĩnh vực dầu mỏ từ chính sách của Mỹ lên tối con số 92 tỷ USD. Đây là thiệt hại quá lớn và đặc biệt nghiêm trọng vì dầu mỏ là nguồn thu chính của ngân sách Syria.

Hiện Damascus đang xem xét việc tăng cường thăm dò trữ lượng dầu trong lãnh hải của nước này ở Địa Trung Hải, nhưng thừa nhận rằng việc thăm dò như vậy rất tốn kém và mất thời gian, đồng thời đòi hỏi "các điều kiện hậu cần và tình hình an ninh ổn định".

Hiện nay tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại Syria đang rất căng thẳng. Để đối phó với tình hình, chính phủ Syria đã giới hạn các phương tiện cá nhân như ô tô chỉ được mua tối đa 30 lít xăng trong vòng 4 ngày.

Hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Syria sụt giảm nghiêm trọng sau khi chính quyền Damascus mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu mỏ dầu trải dài từ phía đông sông Euphrates thuộc tỉnh Deir al-Zor. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.

Trước đây, Syria từng phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Iran, nhưng do các lệnh trừng phạt tăng cường mà Mỹ áp đặt với Iran, Syria không thể mua năng lượng từ các đồng minh từ năm ngoái.

Một nguyên nhân khác khiến dầu mỏ khan hiếm tại Syria được Bộ trưởng Touma tiết lộ là do nhà máy lọc dầu Baniyas đang tiến hành bảo dưỡng quy mô lớn. Trong khi đó, Baniyas là cơ sở lọc dầu lớn nhất ở Syria với công suất 130.000 thùng dầu/ngày và cung cấp tới 2/3 nhu cầu dầu khí trong nước.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước Syria, Bouthaina Shaaban, cố vấn Tổng thống Syria Assad, cho biết: "Chính quyền nước Cộng hòa Arab Syria đang xem xét khả năng thực hiện một vụ kiện quốc tế nhằm vào Mỹ, bởi vì họ đã lấy cắp dầu mỏ và xâm phạm chủ quyền của Syria".

Cố vấn Shaaban tuyên bố các mỏ dầu sẽ được giải phóng khỏi Mỹ cũng như mọi thế lực nước ngoài khác.

Chính quyền Syria đã thông báo lên Liên Hợp Quốc hồi cuối năm 2020 rằng Mỹ đang chiếm dụng và khai thác các mỏ dầu của nước này, song không nhận được phản hồi. Ngoại Trưởng Syria Walid al-Muallem cho hay các mỏ dầu của nước này đang bị Mỹ "cướp bóc có tổ chức" nhằm cản trở các nỗ lực chống khủng bố của Damascus.

Hồi tháng 10/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump thông báo rút quân khỏi Syria và chỉ duy trì một lực lượng nhỏ để bảo vệ các mỏ dầu không rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey sau đó cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực là hợp pháp khi Washington muốn đảm bảo các hoạt động vận chuyển dầu ở đông bắc Syria không rơi vào tay các phần tử khủng bố. Jeffrey cũng cho rằng các mỏ dầu thuộc về người dân Syria theo quy định trong hiến pháp nước này.

Nhưng cố vấn Shaaban khẳng định: "Thực tế số lính Mỹ và vũ khí còn ở lại Syria đang phục vụ hoạt động cướp bóc dầu mỏ của chúng tôi một cách công khai".

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/syria-my-la-ke-cuop-dau-mo-cua-syria-3429321/