Syria: Lần đầu điều Tổng tham mưu trưởng tới Pháp, Đức, ông Putin phát thông điệp cứng rắn

Chưa bao giờ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov lại có chuyến làm việc và công du nước ngoài cùng nhau, mà lần này là tới Israel, Đức và Pháp.

Thể hiện "quyền lực Nga"?

Tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov có chuyến thăm, làm việc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv và sau đó tới Berlin (Đức) và Paris (Pháp). Tại đây, họ sẽ gặp mặt nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Macron.

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Theo các thông tin từ phóng viên, họ đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine. Tờ Pravda Report cho rằng hai quan chức mà ông Putin lần này cử đi đóng vai trò “người truyền tin”, những người có nhiệm vụ làm rõ những vấn đề đã được thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Mỹ, Nga tại Phần Lan vừa qua.

Tờ báo này đặt ra câu hỏi là tại sao Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Gerasimov cần phải tham dự các cuộc gặp tại Berlin và Paris lần này trong khi Pháp và Đức chỉ là những quốc gia đóng vai trò quân sự thứ yếu tại Syria?

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã có mặt tại cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu vào hôm 23/7 vừa qua. Ngay sau đó, ông Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã hoàn thành lời cam kết nhằm đảm bảo sự hiện diện của quân đội Syria ở phía Nam đất nước này, gần biên giới Israel và để lực lượng do Iran hậu thuẫn nằm cách xa vùng biên nêu trên.

Đổi lại, Mỹ đã chấp nhận ý tưởng để Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại vị. Trước đó, Iran nói rằng nước này có thể cân nhắc việc rút quân nếu Nga có thể đảm bảo lợi ích của Tehran.

Lợi ích của Tehran là gì? Chính là việc ông Bashar al-Assad tiếp tục là người lãnh đạo Syria và duy trì quan hệ đồng minh với Iran. Đổi lại, quá trình Iran cấp vũ khí cho Hezbollah thông qua lãnh thổ Syria sẽ phải đóng băng.

Việc Israel thời gian mới đây cho sơ tán nhóm Mũ bảo hiểm Trắng khỏi Syria cho thấy thỏa thuận trên đang được thực hiện.

Mặc dù máy bay quân sự Syria bị Israel bắn hạ vào hôm 24/7 vừa qua song sự kiện này vẫn không phải là vấn đề quá lớn.

Cựu Đại sứ Iran tại Syria kiêm cố vấn cho Ngoại trưởng Iran Hussein Sheikh al-Islam từng nói rằng Nga không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

“Chính phủ Syria là bên duy nhất có quyền quyết định ai sẽ duy trì hiện diện tại Syria, và ai sẽ phải rời đi”, quan chức Iran nói. Nhưng nhiều khả năng đó không phải là quan điểm duy nhất từ phía Iran được chính thức đưa ra.

Cuộc gặp tại Berlin được diễn ra với sự có mặt của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tham gia cuộc gặp tại Paris.

Theo báo chí phương Tây, cuộc gặp đã được sắp xếp theo đề nghị từ phía Tổng thống Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho hay các quan chức đã bàn về vấn đề liên quan tới người tị nạn Syria và việc thực hiện Hiệp ước Minsk nhằm giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.

Vậy vai trò của Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov tại các cuộc gặp này là gì khi Paris và Berlin chỉ đóng vai trò thứ yếu, chủ yếu liên quan tới vấn đề nhân đạo, trong cuộc xung đột Syria? Các nguồn tin cho hay Nga và Pháp đã khởi động một hoạt động nhân đạo chung ở vùng đã được giải phóng tại phía Nam Syria, nhưng ông Gerasimov đóng vai trò gì ở đây?

Giải mã

Theo Pravda Report, Paris và Berlin đóng vai trò trực tiếp trong việc xây dựng lực lượng cầm quyền hiện tại ở Ukraine. Họ cũng góp phần trong việc hình thành tư tưởng bài Nga ở châu Âu.

Nga vừa tổ chức World Cup xong và giờ họ đã có thời gian để nói chuyện rõ ràng với các lãnh đạo châu Âu về quan điểm của họ liên quan tới Ukraine.

Quan điểm của Nga về khủng hoảng Ukraine đã thay đổi, đủ để khiến ông Putin gần đây đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Donbass. Đây chính là điểm cần sự xuất hiện của ông Gerasimov để nói về những lằn ranh đỏ mà Ukraine đã vượt qua ở Biển Azov.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, ông Putin từng cảnh báo rằng leo thang căng thẳng ở Donbass có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với Ukraine với tư cách là một quốc gia.

Dường như Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Gerasimov đã có kế hoạch hành động để giải quyết việc này. Khả năng kế hoạch đó sẽ tính tới cả động thái tiềm năng của Ukraine nhằm khởi động chiến dịch quân sự tại Donbass.

Những cuộc gặp nêu trên, được tổ chức theo yêu cầu từ ông Putin, giống như một thông điệp mà ông Putin muốn gửi tới ông Macron và bà Merkel: “Hãy nói ông Gerasimov, nếu ông, bà không cảm thấy thuyết phục bởi Lavrov”, tờ Pravda kết luận.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/thong-diep-cung-ran-cua-ong-putin-voi-phap-duc-a379522.html