Syria khẳng định: S-300PMU2 tự soi thấy F-35I

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria vừa tái khẳng định, chính radar của S-300PMU2 chứ không phải khí tài nào khác đã khiến F-35I phải bỏ chạy.

Thông tin này được đưa ra sau khi xuất hiện sự hoài nghi về khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình của hệ thống phòng không S-300PMU2. Ngoài ra, một số nguồn tin còn cho rằng, top chiến đấu cơ Israel bay gần biên giới Syria thực chất không phải là F-35I mà là F-16I Sufa, bởi Không quân Israel thường xuyên dùng dòng chiến đấu cơ này cho nhiệm vụ trinh sát.

Phát hiện và bắt chết máy bay tàng hình hoàn toàn nằm trong khả năng của S-300PMU2.

Tuy nhiên, SANA dẫn nguồn tin từ lực lượng phòng không Syria khẳng định, chính hệ thống mắt thần của S-300PMU2 đã phát hiện phi đội gồm 4 chiếc F-35 bay dọc theo biên giới Syria, thăm dò hoạt động của hệ thống phòng không tiên tiến S-300.

Trong quá trình bay tuần tiễu của F-35I, radar hệ thống S-300 phát hiện và giám sát toàn bộ hành trình của 4 chiếc F-35 này. Các thông số thu được từ đài radar cho biết, kíp trắc thủ Syria và cố vấn quân sự Nga khẳng định đây là F-35I chứ không phải loại chiến đấu cơ nào khác.

Cùng với việc phát hiện, chiếu xạ radar và bị khóa mục tiêu, phi đội 4 chiếc F-35I (Aidar) Israel nhanh chóng rời khỏi vùng tấn công hiệu quả của S-300PMU2.

Để hoàn thành nhiệm vụ "không tưởng" (Mỹ không tin S-300 phát hiện được máy bay tàng hình) của mình, S-300PMU2 Syria có tính năng đặc biệt là có thể đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.

Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-300PMU1, S-200, S-75 và S-125. Với khả năng của S-300PMU2, việc phát hiện mục tiêu tàng hình hoàn toàn nằm trong khả năng bởi trong thành phần của S-300PMU2, có hệ thống radar 30N6E.

30N6E là radar mảng pha 3D hoạt động ở băng tần X, bộ vi xử lý của nó có khả năng lái chùm tia điện tử hay tạo các búp sóng phụ nên gần như không thể gây nhiễu. Ngoài ra, các mảng pha của radar 30N6E rất khó bị phát hiện bởi máy thu cảnh báo radar trên máy bay.

Các búp sóng phụ liên tục thay đổi cho phép hệ thống qua mặt tên lửa chống bức xạ hoạt động theo nguyên lý bám theo cánh sóng. Radar 30N6E theo dõi mục tiêu và dẫn hướng cho tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu theo công nghệ theo dõi qua đạn.

Nó có khả năng nhận dạng mục tiêu trong môi trường lộn xộn hay bị gây nhiễu cao, đặc biệt là khả năng bám theo các loại tên lửa đạn đạo di chuyển ở tốc độ lớn. Nga khẳng định, 30N6E có thể bám bắt những mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) chỉ 0,001 m2, tốc độ di chuyển lên đến 2,8 km/s.

Với khả năng bám bắt của 30N6E, việc phát hiện tiêm kích F-35I là hoàn toàn không phải là chuyện khó khăn với cặp đôi S-300PMU2 với 30N6E bởi theo những thông tin được nhà sản xuất Mỹ công bố, chỉ số RCS của F-35 là 0,001 m2.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/syria-khang-dinh-s-300pmu2-tu-soi-thay-f-35i-3367757/