Syria: Hòa bình bằng mọi giá?

Quân đội Syria vẫn quyết tâm giải phóng Idlib, một trong những thành trì cuối cùng mà phe đối lập và các nhóm khủng bố đã chiếm giữ và tàn phá đất nước trong suốt 7 năm qua, bất chấp những đe dọa tấn công của phương Tây để trả đũa điều mà họ gọi là vụ tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học của chính quyền Damas ở tỉnh này. Nga đang dốc toàn lực để quyết tái lập hòa bình cho Syria.

Ngày 3-9, Bộ Ngoại giao Syria cho biết đất nước này sẽ sớm được giải thoát khỏi chủ nghĩa khủng bố. Ngoại trưởng Walid al-Moallem nói Syria đang cận kề chiến thắng cuối cùng trước chủ nghĩa khủng bố.

“Về mặt quân sự, tôi có thể mô tả tình hình trên thực địa hiện giờ là tuyệt vời. Hầu hết các vùng lãnh thổ Syria đã được giải phóng khỏi những kẻ khủng bố. Chúng tôi chỉ còn mỗi cứ điểm Idlib là xong”, ông Moallem nói. Hiện tại Idlib là khu vực lớn duy nhất ở Syria còn lại dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang bất hợp pháp.

Từ nhiều ngày qua, quân đội Syria đã chuẩn bị kỹ cho trận đánh cuối cùng ở Idlib. Cũng trong thời gian này, Mỹ và phương Tây liên tục đưa ra lời đe dọa tấn công nhằm làm suy yếu tiềm lực quân đội Syria với lý do là chính phủ Damas đã dùng vũ khí hóa học để tấn công dân thường ở Idlib trong lúc chuẩn bị cho đợt tổng tấn công.

Tuy nhiên, ý đồ của phương Tây đã bị Nga bóc trần khi cho rằng vụ tấn công hóa học nói trên chỉ là màn dàn dựng của tình báo Anh nhằm kiếm cớ cứu vãn cho lực lượng đối lập ở Syria được phương Tây hậu thuẫn.

Ngày 2-9, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem, tuyên bố đe dọa tấn công của Mỹ sẽ không làm Damas thay đổi kế hoạch săn lùng những kẻ khủng bố ở tỉnh Idlib. “Những nỗ lực tích cực của Hoa Kỳ sẽ không làm suy yếu quyết tâm của người Syria và quân đội Syria để giải phóng Idlib, chấm dứt chủ nghĩa khủng bố ở Syria”, Bộ trưởng Syria cho biết.

Theo Damas, quân đội Mỹ hiện diện bất hợp pháp ở Syria.

“Chúng tôi, nhân dân Syria và các nhà lãnh đạo, muốn cuộc xung đột này được giải quyết ngay bây giờ, nhưng sự can thiệp của các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đã làm cho mọi việc trở nên khó khăn”, ông Muallem nói thêm.

Bộ trưởng Muallem nhắc lại rằng khoảng 20.000 người tị nạn Syria đã trở về từ Lebanon, nhờ vào sáng kiến của Nga. Nhưng phương Tây tìm cách ngăn cản những người còn lại, lôi họ vào trò chơi chính trị của họ.

Thành công ở chiến trường phía nam có sự đóng góp không nhỏ của Trung tâm Hòa giải Nga và quân đội Nga. Nhờ biện pháp hòa bình nhiều nhóm chiến binh đã đồng ý hạ vũ khí giảm đáng kể thương vong về người cũng như cơ sở hạ tầng. Nhiều người trong số các chiến binh sau khi hạ vũ khí đang cố gắng tìm cách quay trở lại với cuộc sống bình thường và họ không mong muốn chiến đấu thêm nữa, bởi vì họ mệt mỏi làm con tốt trong trò chơi của người khác và nhận ra sự vô nghĩa và tàn ác của cuộc nội chiến.

Mục tiêu tiếp theo của liên minh Nga-Syria là tỉnh Idlib ở phía bắc Syria. Tại đây hiện tại tập trung hàng chục ngàn chiến binh và khủng bố thuộc nhiều nhóm khác nhau. Ở khu vực này có các nhóm đối lập dưới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Các nhóm này vẫn tiếp tục các hoạt động chống lại chính quyền Syria. Họ tìm mọi cách tạo ra xung đột khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn nhằm ngăn cản tiến tình hòa bình ở Syria.

Tại đây Mỹ dường như đang cố gắng thành lập một lực lượng mới gồm nhiều tay súng tự do. Ngoài ra, họ tiếp tục hỗ trợ lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) thành lập các đội quân “cảm tử” và tiếp tục sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) để tấn công khủng bố tại các tỉnh Latakia, Aleppo và Idlib.

Hiện tại, Hoa Kỳ có vài trò như một tấm khiên bảo vệ cho những kẻ khủng bố khỏi những đợt tấn công của quân đội Chính phủ Syria và Nga. Các hành động của Mỹ và đồng minh ở tỉnh Idlib khiến quá trình khôi phục hòa bình ở Syria bị kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vấn đề nhân đạo, tị nạn. Rõ ràng những gì mà liên minh Mỹ đang thực hiện khác hẳn so với những gì họ tuyên bố. Không những không giúp quân đội chính phủ họ còn bắt tay với các nhóm chiến binh làm tình hình trở nên phức tạp hơn.

Trước thềm chiến dịch giải phóng Idlib, Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công Idlib cho đến khi các hành lang nhân đạo được thiết lập để sơ tán dân thường. Tuy nhiên, các nhóm phiến quân có để dân thường ra đi hay bắt họ ở lại để làm bia đỡ đạn? Ngoài ra, một khả năng đã bị Liên Hiệp Quốc bỏ qua là một cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa hành trình của liên quân phương Tây là Mỹ, Anh và Pháp, vào các lực lượng của Chính phủ Syria.

Theo truyền thông Nga, Liên Hiệp Quốc cần có những động thái mạnh tay hơn để ngăn chặn vụ tấn công của Mỹ-Anh-Pháp, hay chặn Mỹ lập vùng cấm bay ở Syria. Điều đáng buồn là trong khi Liên Hiệp Quốc yêu cầu Damas trì hoãn chiến dịch Idlib thì Mỹ và các đồng minh dường như không cho Syria có thời gian để chờ đợi.

Nga điều động 17 chiến hạm đến hỗ trợ Syria giải phóng Idlib.

Biết được chiêu trò của phương Tây ngăn cản kế hoạch tái lập hòa bình ở Syria, ngày 23-8, một đội tàu 3 chiếc của Hạm đội Biển Đen (Nga) đã vượt qua eo biển Bosphorus, hành trình đến cảng Tartus của Syria để tham chiến ở tỉnh Idlib. Đội tàu gồm 3 tàu chiến Hạm đội Biển Đen của Nga, gồm có tàu khu trục Pytlivy lớp Krivak; tàu đổ bộ xe tăng (LST) Orsk lớp Tapir và tàu vận tải đổ bộ hạng nặng lớn nhất của Hạm đội Biển Đen là Nikolai Filchenko, có khả năng chở 300 binh sĩ cùng 20 xe tăng và xe tải hoặc 40 xe thiết giáp chở quân (APC).

Chưa có thông báo chính thức về việc các tàu này chở trang bị hay là chở quân đến Syria. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự của DEBKAfile kết luận rằng, 2 chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga gần như chắc chắn chở binh sĩ hải quân đánh bộ hoặc các lực lượng đặc biệt Nga để tấn công các nhóm nổi loạn ở Idlib từ hướng biển.

Trong một tuyên bố mới đây, đại diện Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi Mỹ rút khỏi Syria cũng như Trung Đông, hoặc hợp tác với Damas và Moskva giúp đỡ người dân Syria. “Không có cơ sở nào cho phép quân đội Mỹ tiếp tục các hoạt động quân sự tại Syria. Trong tình hình hiện nay, họ muốn ở lại Syria chỉ còn cách hợp tác với Nga và chính quyền Syria, giúp đỡ người dân Syria vượt qua khó khăn, giúp người tị nạn trở về nhà”, đại diện Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Nga nói thêm rằng, nếu Mỹ không muốn hợp tác với Nga và quân đội Syria, thì tốt nhất họ không nên can thiệp vào tiến trình hòa bình ở Syria, đồng thời bắt đầu rút quân khỏi lãnh thổ nước này.

Các nhà lãnh đạo Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp lại ngày 7-9-2018 để bàn về tương lai Syria thời hậu chiến. Chắc chắn các đồng minh của chính quyền Damas chẳng hề muốn Hoa Kỳ hay châu Âu có vai trò gì tại đây.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/syria-hoa-binh-bang-moi-gia-509185/