SVEAM - Nửa thế kỷ vượt khó làm nên... 'cuộc cách mạng' ruộng đồng

Từ lâu nay, việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng đã trở nên quá bình thường ở nhiều địa phương trên cả nước và trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn có một nền nông nghiệp vững mạnh. Góp phần làm nên thành quả đó, cách đây 50 năm, một doanh nghiệp quốc doanh đã phải 'nằm gai, nếm mật' để làm nên 'cuộc cách mạng' ruộng đồng như ngày nay mà không phải ai cũng biết...

Doanh nghiệp đó là Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy Nông nghiệp miền Nam (SVEAM) - một đơn vị tiên phong đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Thăng trầm của thương hiệu máy nông nghiệp đã 50 tuổi

Công ty SVEAM được thành lập từ năm 1967 với chức năng chính là độc quyền nhập khẩu và lắp ráp các loại động cơ diesel, máy cày tay và các loại máy thủy thương hiệu Kobuta và Yanmar của Nhật Bản, chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Nam Việt Nam với sản lượng không nhiều. Sau năm 1975, nhà máy được tiếp quản và trở thành nhà máy quốc doanh sản xuất theo kế hoạch được giao chủ yếu làm các loại bơm nước phục vụ cho thủy lợi và không thể sản xuất được các loại động cơ diesel, máy cày tay do không còn quan hệ với Kobuta, Yanmar để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng lắp ráp máy móc thiết bị, vật tư...

Có thời điểm, công ty được giao nhiệm vụ sản xuất các loại máy công cụ và đổi tên thành “Nhà máy công cụ số 3” nhưng do điều kiện thiết bị không phù hợp, không thể gia công các chi tiết lớn cùng với thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên việc sản xuất các loại máy tiện T6M16, T6M20 chỉ được khoảng 50 máy/năm. Tuy hoàn thành kế hoạch nhưng hiệu quả không cao, lực lượng lao động dư thừa, một số phân xưởng phải nghỉ luân phiên hoặc phải sản xuất nguồn hàng phụ như: tủ điện, bàn ghế, đèn trang trí, mâm bánh xe… để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Với quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo và sự đoàn kết nỗ lực vượt khó của tập thể CBCNV - LĐ, sau khi được Nhà nước đầu tư cho một số thiết bị quan trọng gia công cơ khí, rèn dập của các nước như: Liên xô, Tiệp Khắc để bổ sung vào dây chuyền gia công cơ khí tự rèn dập được các loại phôi trục khuỷu, tay biên… Công ty đã miệt mài lao động sáng tạo để cho ra đời một số chủng loại sản phẩm như động cơ diesel KND5B (5HP), D9 (9HP), máy cày tay MK70 với sản lượng vài ngàn máy/năm.

“Tuy sản lượng không nhiều nhưng đây lại là một điểm son đánh dấu bước ngoặt quan trọng do SVEAM đã tự sản xuất ra được những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam và trở thành sản phẩm chủ lực đặt nền móng cho sự phát triển ổn định cho những năm tiếp theo”, ông Trần Vạn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc SVEAM, nhớ lại.

Năm 1995, nhà máy được đổi tên thành Công ty Máy Nông nghiệp Miền Nam (tiền thân của Công ty Động Cơ và Máy Nông nghiệp Miền Nam hiện nay), cũng tại thời điểm này thị trường bắt đầu hình thành, sự cạnh tranh gay gắt với các loại máy nông nghiệp đã qua sử dụng của nước ngoài, các loại máy nông nghiệp Trung Quốc tràn ngập thị trường, khiến các loại động cơ diesel thế hệ cũ như KND5B, D9, D12, D15 là những sản phẩm truyền thống của công ty rất khó tiêu thụ.

Trước những khó khăn mới, công ty buộc phải mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản, thông qua các tổ chức phi Chính Phủ cử một số cán bộ, kỹ sư sang KUBOTA Nhật Bản tu nghiệp, mua bản quyền thiết kế, công nghệ sản xuất động cơ diesel thế hệ mới nhất của Nhật Bản... Từ đó, đã sản xuất, lắp ráp các loại động cơ diesel RV70, RV125-2 được tung ra thị trường và được bà con nông dân đón nhận tích cực. Trên cơ sở này, công ty tiếp tục nghiên cứu cải tiến các loại động cơ có công suất lớn hơn từ 15 đến 30 mã lực với mẫu mã gọn nhẹ chất lượng tốt, hiệu suất cao và tìm hướng xuất khẩu các sản phẩm này ra thị trường nước ngoài và được khách hàng nước ngoài đón nhận.

Lá cờ đầu trong ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam

Nếu những năm đầu thành lập, SVEAM chỉ sản xuất vài trăm sản phẩm, thì hiện nay mỗi năm SVEAM đã cung cấp cho thị trường khoảng 75.000 động cơ, hơn 2.500 máy cày và hơn 30.000 cụm máy công tác các loại. Chủng loại hàng hóa cũng tăng từ 6 loại năm 1996 lên 120 loại vào năm 2017. Đặc biệt, năm nay công ty đã cho thị trường dòng sản phẩm động cơ diesel VIKYNO thế hệ S mới như: RV105S. RV125S, RV135S, RV145S,… với kiểu dáng hiện đại, mạnh mẽ và các phụ tụng theo máy chất lượng cao.

Ngoài việc phát triển thị trường trong nước, SVEAM cũng không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu máy móc nông cụ ra nước ngoài. Nếu như doanh thu xuất khẩu cách đây 20 năm chỉ vài trăm ngàn USD thì đến nay công ty đã xuất khẩu đạt mức trên 12 triệu USD/năm. Đặc biệt, tổng doanh thu năm 2017 này ước đạt trên 600 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với thời điểm cách nay 10 năm (2007 là 140 tỷ đồng).

Theo ông Trần Vạn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc SVEAM, điều tự hào với các thế hệ lãnh đạo SVEAM là trong suốt quá trình hình thành và phát triển 50 năm qua, SVEAM không để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào cho người lao động, đời sống CBNV-LĐ của công ty liên tục được cải thiện thu nhập bình quân năm 2016 đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng... Điều đó nói lên sự quan tâm của lãnh đạo SVEAM đối với công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện tốt chính sách bảo hộ lao động.

Mới đây, SVEAM đã đầu tư một số máy móc thiết bị hiện đại với giá trị trên 180 tỷ đồng từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Các dây chuyền sản xuất của SVEAM điều đồng bộ và khép kín nên các sản phẩm sau khi lắp ráp, các chi tiết sau khi gia công điều đạt đến độ tinh xảo và chính xác cao.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, SVEAM vừa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Trước đó, SVEAM cũng nhận nhiều danh hiệu cao quý khác cho thành tích phát triển nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Việt Nam như: 2 huân chương lao động hạng ba;1 huân chương lao động hạng nhì; 1 huân chương độc lập hạng ba; Danh hiệu đơn Vị “Anh Hùng Lao Động thời kỳ đổi mới” năm 2005; 8 cờ thi đua Chính Phủ và 12 cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên Đoàn LĐ Việt Nam...

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sveam-nua-the-ky-vuot-kho-lam-nen-cuoc-cach-mang-ruong-dong-829569.html