Suýt vỡ đập thủy điện do kẹt van: Đánh đổi được gì?

Thủy điện Đắk Kar có công suất 12MW, chỉ bằng 2 cột gió như lấy đi cả trăm hecta đất rừng và đe dọa cuộc sống của 5.000 hộ dân.

Bỏ qua tất cả để làm thủy điện

Ngày 12/8/2019, trao đổi với Đất Việt sau khi sự cố kẹt van xả lũ thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) được xử lý sau nhiều ngày mưa lũ, giải quyết nguy cơ vỡ đập, TS Đặng Thanh Lâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, cần phải xem xét rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề này để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Lâm đặt ra câu hỏi, vì sao một thủy điện chưa đi vào vận hành chính thức nhưng đã bị kẹt van xả lũ như Đắk Kar khiến xảy ra nguy cơ vỡ đập, 13 triệu m3 nước đe dọa 5.000 hộ dân? Vì sao về nguyên nhân kẹt van xả lũ của thủy điện Đắk Kar, mỗi bên lại đưa ra thông tin khác nhau?

"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar khi đã để xảy ra sự cố như thế.

Hơn 5.000 hộ dân sống xung quanh thủy điện phải sơ tán khẩn cấp trong những ngày qua là hồi chuông báo động cho những dự án vừa và nhỏ đã, đang và sẽ thực hiện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ở đây, cần xem xét lại về mặt thiết kế và quá trình xây dựng, hoạt động của chủ đầu tư thủy điện. Liệu họ có làm đúng như những gì mà giấy phép cơ quan chức năng đã phê duyệt hay không?" - ông Lâm cho biết.

Thủy điện Đắk Kar chứa 13 triệu m3 nước suýt vỡ vì kẹt van xả lũ trong những ngày qua.

Thủy điện Đắk Kar chứa 13 triệu m3 nước suýt vỡ vì kẹt van xả lũ trong những ngày qua.

Theo ông Lâm, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bất chấp tất cả để làm thủy điện. Mặc dù có nhiều ý kiến của Bộ, ngành phản đối các dự án thủy điện vừa và nhỏ lấy đi đất rừng, hủy hoại môi trường và đe dọa cuộc sống người dân nhưng không hiểu sao nhiều dự án vẫn được phê duyệt.

Chính vì thế, ông Lâm cho rằng, trong các sự cố thủy điện còn có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp Bộ, ngành và chính quyền địa phương nơi thủy điện xây dựng.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng phát triển nhiều thủy điện vừa và nhỏ thì việc cần làm rõ trách nhiệm các bên sau sự cố ở thủy điện Đắk Kar là điều rất cần thiết để tránh những hệ quả tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Rất may là sự cố kẹt van xả lũ thủy điện Đắk Kar được xử lý kịp thời, nếu không tình trạng vỡ đập xảy ra thì hậu quá rất khó lường" - ông Lâm nhận định.

Điều gì đằng sau những dự án thủy điện vừa và nhỏ?

Trong khi đó, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam bày tỏ, từ chuyện thủy điện vừa và nhỏ Đắk Kar và Đắk Sin 1 gặp sự cố kẹt van xả lỹ và vỡ đường ống áp lực phải ngừng phát điện và xả lũ khẩn ở Đắk Nông diễn ra liên tiếp nhau, vị chuyên gia trăn trở về sự "đánh đổi vô lối" của nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay.

"Thủy điện Đắk Kar có công suất 12MW chỉ bằng 2 cột gió nhưng cái để đánh đổi lại rất đắt đỏ, lấy đi cả trăm hecta rừng để xây dựng hồ chứa 13 triệu m3 nước, xây đập chứa cao 30 mét, đe dọa cuộc sống của 5.500 hộ dân.

Với một thủy điện có công suất nhỏ như Đắk Kar thì chúng ta có nên đánh đổi như thế? Trong khi hoàn toàn có thể xây dựng một công trình thủy điện khác có công suất tương tự như thế nhưng không phải lấy đi nhiều đất rừng đến vậy và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân cũng không bị đe dọa như thời gian vừa qua?" - PGS.TS Đào Trọng Tứ đặt câu hỏi.

Theo vị chuyên gia này, chúng ta cần phải nghiêm túc trong câu chuyện trách nhiệm của các cấp ban ngành mà ở đây là sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, liệu sự đánh đổi đấy có xứng đáng, đem lại hiệu quả, lợi ích cho người dân hay không. Nếu như sự cố kẹt van xả lũ không được xử lý kịp thời, gây ra vỡ đập thì hệ quả không biết sẽ tính đếm như thế nào.

PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, không riêng gì thủy điện Đắk Kar hay Đắk Sin 1 ở tỉnh Đắk Nông mà nhiều thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay như thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh); Đắk Psi (Kon Tum)... đều có những vị trí rất rất bất lợi, lấy đi nhiều diện tích đất rừng và đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Chưa bàn về vấn đề kỹ thuật thiết kế, nhưng câu chuyện đằng sau vì sao một thủy điện vừa và nhỏ lại phải lấy đi nhiều đất rừng như thế, đặt nguy hiểm của hàng nghìn hộ dân dưới chân thủy điện như thế là một vấn đề cần phải suy ngẫm!

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra sự cố thủy điện Đắk Kar, Đắk Sin 1

Chiều 12/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc kiểm tra, xử lý, khắc phục sự cố các công trình thủy điện Đắk Kar, Đắk Sin 1 (Đắk R’lấp, Đắk Nông).

Về sự cố đối với hai công trình thủy điện nói trên có nguy cơ gây mất an toàn đối với dân cư vùng hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan tổ chức, kiểm tra công tác quản lý an toàn và vận hành các đập, hồ chứa thủy điện trên (bao gồm cả việc lập, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập trong quá trình thi công, quyết định phương án tích nước đối với thủy điện Đắk Kar); chỉ đạo, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10/9/2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Nông theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chỉ đạo, giám sát chủ các đập, hồ chứa nước khẩn trương khắc phục sự cố, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du theo đúng quy định, không cho phép tích nước nếu chưa bảo đảm vận hành an toàn.

UBND các tỉnh: Đắk Nông, Bình Phước chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động xây dựng phương án nhằm bảo đảm an toàn cho dân cư ở vùng hạ du đập thủy điện Đắk Kar, Đắk Sin 1 trong mọi tình huống.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/suyt-vo-dap-thuy-dien-do-ket-van-danh-doi-duoc-gi-3385564/