Suýt nữa không có một nghệ sĩ đặc sắc

Là nghệ sỹ bình dị, hòa đồng, rất dễ gần nhưng trong công việc, bà lại rất khó tính. Nhiều bài sau khi thu, biên tập đã thấy tốt nhưng bà vẫn yêu cầu thu lại vì tự thấy chưa vừa ý, còn có thể làm tốt hơn. Điều này khiến nhiều nhân viên thu thanh nói rằng làm việc với Trần Thị Tuyết vừa rất thú vị lại vừa… 'sợ'.

Vâng. Đó là NSND Trần Thị Tuyết - được coi là người ngâm thơ số 1 của Việt Nam.

Ngoài bà, tất nhiên có những nghệ sĩ ngâm thơ cũng rất đặc sắc, thậm chí còn là bậc thầy của bà như Nguyễn Thị Phúc, Quách Thị Hồ - hai tên tuổi lừng danh trong lĩnh vực ngâm thơ và hát ca trù. Nhưng ngâm những bài thơ cách mạng, hiện đại thì người nổi trội, có đóng góp nhiều nhất, chinh phục trái tim công chúng nhất phải là Trần Thị Tuyết. Bà làm công việc ngâm thơ ở Đài Tiếng nói Việt Nam suốt một thời gian dài, từ 1960 cho tới mãi sau này khi tuổi già, sức yếu mới dừng.

Đã từ rất lâu, Đài Tiếng nói Việt Nam có buổi phát thanh "Tiếng thơ" phát sóng vào 10 giờ đêm chủ nhật hàng tuần. Trần Thị Tuyết luôn xuất hiện trong chương trình này với giọng ngâm mềm mại, trong trẻo như giọt sương buổi sớm. Bà ngâm mà cứ như không, tức là người nghe có cảm giác bà làm việc này rất đỗi nhẹ nhàng, như tâm tình với thính giả, không một chút lên gân khô cứng như không ít người ngâm vẫn mắc. Lên cao hay xuống trầm, bà vẫn duy trì âm lượng đầy đặn, trường hơi. Đặc biệt là rất rõ lời, phát âm giọng Hà Nội chuẩn xác.

NSND Trần Thị Tuyết thời trẻ.

NSND Trần Thị Tuyết thời trẻ.

Mấy chục năm ngâm thơ trên làn sóng, bà ngâm tới nhiều nghìn bài từ những "thiên cổ hùng văn" trong nền văn học cổ của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… đến các nhà thơ cách mạng như Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy… và các nhà thơ hiện đại, đương đại khác.

Bà có một phẩm chất nghệ sỹ thật quý: Sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của cán bộ biên tập, miễn hướng tới đích cuối cùng là có được những tiết mục thơ tốt nhất phục vụ thính giả. Thơ của bất kỳ ai, sau khi được duyệt, bà đều nghiên cứu kỹ trước khi thu thanh, không phân biệt tầm cỡ, sự nổi tiếng hay chưa của nhà thơ, tác giả chuyên nghiệp hay không.

Là nghệ sỹ bình dị, hòa đồng, rất dễ gần nhưng trong công việc, bà lại rất khó tính. Nhiều bài sau khi thu, biên tập đã thấy tốt nhưng bà vẫn yêu cầu thu lại vì tự thấy chưa vừa ý, còn có thể làm tốt hơn. Điều này khiến nhiều nhân viên thu thanh nói rằng làm việc với Trần Thị Tuyết vừa rất thú vị lại vừa… "sợ".

Thú vị vì luôn được nghe giọng "vàng" của bà do họ không có thời gian nghe trên đài. Nhưng "sợ" vì mất thời gian mỗi khi bà yêu cầu thu đi thu lại. Một thời gian dài, tôi là cộng tác viên đọc, ngâm thơ của Đài và thường xuyên được làm việc cùng bà.

Trường ca "Sóng Côn Đảo" của nhà thơ Anh Ngọc do tôi và bà cùng thể hiện dài đúng 30 phút. Bà đảm đương ngâm những đoạn lục bát, còn tôi đọc những đoạn thơ thể tự do. Hai chị em ngồi cạnh nhau trong phòng thu, cùng dán mắt vào văn bản mà ngâm, đọc vì ngày ấy kỹ thuật thu thanh chưa hiện đại, chưa thể thu từng phần rồi "lắp ráp" như bây giờ.

Và mỗi khi có "sự cố", dù nghệ sỹ chỉ nhả nhầm một chữ cũng buộc phải thu lại từ đầu chứ không "vá" riêng tiếng đó như ngày nay. Rất nhiều lần khi đang thu trôi chảy, Trần Thị Tuyết bỗng nói: "Xin lỗi, cho mình ngâm lại" mặc dù cả biên tập viên lẫn công nhân thu thanh đều không ai nói gì - tức là đang ổn thỏa. Hóa ra, bà không vừa ý với một tiếng nào đó vừa "nhả". Thế là cả "ê-kíp" thực hiện phải "nối" lại khiến tiến độ thu chậm, bị kéo dài. Sự khó tính của bà đã kéo theo nhiều người "mệt" lây. Nhưng vì bà là nghệ sỹ nổi tiếng, lại có tuổi đáng bậc đàn chị cộng với tinh thần lao động nghiêm túc như trên nên không ai dám phản ứng, chỉ có việc răm rắp làm theo đề nghị của bà.

Tôi nhớ mãi lần ấy là sắp đến Tết nguyên đán năm 1976. Nhà thơ Tố Hữu vừa viết xong bài thơ "Với Đảng, mùa xuân". Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy là Trần Lâm. Ông chỉ thị cho Ban Văn nghệ thực hiện thu thanh bài này để phát đúng dịp Tết. Hai nghệ sỹ ngâm thơ chuyên nghiệp biên chế ở Đài là Trần Thị Tuyết và Vũ Kim Dung cùng hai cộng tác viên là tôi và Linh Nhâm được mời đến nhà riêng của Tố Hữu để ông "bồi dưỡng" trước khi thu thanh (tác giả nói nguyên cớ sáng tác bài thơ và gợi ý cách thể hiện).

Tôi đưa ra lý do để thoái thác: Đã có 3 nghệ sỹ rất nổi tiếng ngâm rồi. Bản thân Tố Hữu tự đọc thơ mình cũng rất hay (tôi từng nghe ông đọc bài "Bác ơi!" rất cảm động sau khi Hồ Chủ tịch từ trần khiến nhiều người nghe đã không cầm được nước mắt) nên không cần thiết phải có giọng tôi đọc làm gì.

Rất thân tình, Trần Thị Tuyết nói với tôi: "Chị nghĩ là em không nên từ chối. Chị cũng hiểu em từng là giáo viên dạy văn ở đại học nên dễ dàng nắm bắt bài thơ. Em làm vậy, người ta sẽ nghĩ em không khiêm tốn, không cần nghe tác giả phân tích gì nữa". Quả là bà đã nói đúng "tim đen" của tôi.

Nể sự ân cần và lời góp ý chân thành của bà, cuối cùng tôi cũng nhận lời. Hôm vào phòng thu, có nghệ sỹ ngâm câu mở đầu bài thơ: "Thơ ơi! Thơ sẽ hát ca gì?" nhưng lại ngắt nhịp thành: "Thơ ơi thơ! Sẽ hát ca gì?". Vì là câu mở đầu cho bài thơ khá dài nên do sợ mất thời gian chung, Trần Thị Tuyết đã không ngần ngại đề nghị "stop" rồi nói với nữ nghệ sỹ kia: "Mình xin lỗi được góp ý: Sau hai tiếng "Thơ ơi!" phải ngắt rồi mới tiếp là "Thơ sẽ hát ca gì" chứ không thể ngâm 3 tiếng liền "Thơ ơi thơ!".

Lúc này tôi mới chú ý vì thấy Trần Thị Tuyết nói quá đúng, chứng tỏ bà rất hiểu thơ. Biên tập viên cũng đề nghị nghe lại câu đầu nghệ sỹ kia vừa ngâm (trước đó có phần xao nhãng) và đồng tình với Trần Thị Tuyết.

Khi biên tập viên đề nghị tôi ngâm một số bài thơ, tôi nói là những bài này đều đã có giọng Trần Thị Tuyết thể hiện rồi, đã quá hay. Cần thì tôi sẽ đọc trên nền nhạc hiện đại chứ không ngâm, vì nếu ngâm lại sẽ không thể vượt qua được cái "bóng" của bà, chỉ khiến thính giả chán. Bà nói luôn: "San phải tự tin chứ. Giọng nam lại trầm như em sẽ có hiệu quả khác. Em ngâm được mà". Rồi tôi được giao ngâm lại bài "Kết nạp Đảng trên quê hương mẹ" của Chế Lan Viên.

NSND Trần Thị Tuyết.

Bài này trước đó Trần Thị Tuyết đã ngâm rất hay. Tôi ngâm xong, bà cổ vũ và khuyến khích tôi ngâm thêm ngoài việc đọc như bấy nay (đọc thơ trên nền nhạc mới - mélodrame). Bà nói tôi đến nhà bà để bà truyền cho một số kinh nghiệm ngâm thơ. Khi đó, bà ở ngôi nhà cấp 4 tại khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội). Bà đã chỉ bảo tôi thật tỷ mỷ cách lấy hơi, nhả chữ, ngâm nga, tránh "cộng minh" như hát. Tôi biết ơn bà mãi từ dạo ấy.

Đến đây, hẳn là bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao bài viết này lại có cái tên như trên. Vì sao lại suýt nữa không có một Trần Thị Tuyết như chúng ta đã có? Câu chuyện bắt đầu từ người mẹ của bà. Số là bà có người mẹ ruột là Nguyễn Thị Phúc. Bà Phúc cùng thời với bà Quách Thị Hồ là hai ca nương hát ca trù lừng danh một thời ở Hà Nội, không ai không biết. Thời kỳ mới giải phóng thủ đô (sau năm 1954), bà Phúc được mời đến Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm thơ.

Phụ trách chương trình Tiếng thơ lúc ấy là Hồ Tăng Ấn. Sau một buổi thu thanh vào năm 1960, ông Ấn hỏi bà Phúc: "Chị ngâm thơ hay như vậy, thế nhà có đứa con nào theo nghề của mẹ không?". Bà Phúc không trả lời được ngay mà lặng người đi một lúc vì chua xót nghĩ đến thân phận mình rồi mới nói: "Cuộc đời cầm ca của tôi đã tủi cực quá nhiều nên không muốn con cái theo nghề này nữa".

Nhưng rồi bà vẫn nói: "Vậy mà cũng có một đứa con gái thích xướng ca. Nhưng chỉ ngâm nga vớ vẩn thôi. Tôi không cho nó theo nghề mà để ở nhà may vá, đan thuê kiếm sống". Hồ Tăng Ấn lại rất tha thiết: "Thì chị cứ cho nó đến đây ngâm thử xem thế nào". Ông nói vậy vì rất tin là con gái sẽ di truyền tài năng, hồn cốt của mẹ. Bà Phúc lại nhói trong lòng nỗi đau trước sự chân thành, nhiệt tình của người biên tập chương trình vì nhớ lại cuộc đời quá cay đắng của mình.

Lớn lên, bà đã có giọng ngâm, hát ca trù đặc biệt, lại có nhan sắc nên hút hồn nhiều đàn ông. Và duyên số dẫn đến việc bà nhận lời kết tóc với một người "sếp" ga Hàng Cỏ lúc ấy. Trần Thị Tuyết là kết quả của mối tình này.

Nhưng sau đó, vì quan niệm "môn đăng hộ đối" nặng nề của gia đình mà ông đã không vượt qua được, đành phụ tình. Nguyễn Thị Phúc tủi cực ôm con gái trở về nhà bố mẹ trong nước mắt ướt đẫm vạt áo. Trần Thị Tuyết không có cha từ đó. Vậy mà không hiểu sao, sau đó bà vẫn đưa con gái đến ngâm thử và nhanh chóng được chấp nhận do ngay từ buổi "ra mắt" đầu tiên đã quá đặc sắc, thuyết phục được tất cả mọi người.

Lúc này, Trần Thị Tuyết đã 30 tuổi (sinh năm 1930). Bà chính thức trở thành nghệ sỹ ngâm thơ chuyên nghiệp từ đó. Lần ấy, chỉ cần người mẹ của bà cứ ôm mãi đau khổ mà khăng khăng không cho con gái đến Đài thử giọng thì chắc chắn chúng ta sẽ không có Trần Thị Tuyết đặc sắc sau này - giọng ngâm cho đến hôm nay vẫn chưa có sự thay thế.

Về hưu được một thời gian, Trần Thị Tuyết vào cư trú ở TP.Hồ Chí Minh. Nay bà không thể còn ngâm được như trước. Thính giả chỉ còn được nghe lại giọng bà qua làn sóng.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/suyt-nua-khong-co-mot-nghe-si-dac-sac-543304/