Suýt chết vì quên mình đã bị hóc xương cá từ... 4 tháng trước

Đi khám vì sưng đau vùng cổ, bác sĩ phát hiện ổ áp xe tuyến giáp do dị vật. Lúc này bệnh nhân mới nhớ ra mình bị hóc xương cá chẽm cách đây 4 tháng.

Không chủ quan khi bị hóc xương cá

Không chủ quan khi bị hóc xương cá

Ngày 19/8, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, BV vừa tiếp nhận một trường hợp khá hy hữu. Bệnh nhân nam (51 tuổi) đến khám vì sưng đau vùng cổ trái 5 ngày.

Bác sĩ khám nghĩ nhiều đến tình trạng áp xe vùng cổ trái. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan vùng cổ. Kết quả phát hiện ổ áp xe tại thùy trái tuyến giáp, kích thước ổ áp xe khoảng 27mm, bên trong có dị vật nghi cản quang là xương cá khoảng 20mm có hình ảnh giống chữ T.

Hình chụp X-Quang bệnh nhân mắc xương cá (ảnh: BVCC)

Lúc này bệnh nhân mới nhớ ra từng bị hóc xương cá chẽm cách đây 4 tháng. Bệnh nhân có đi khám tại cơ sở y tế địa phương, được chụp X-Quang, nội soi họng nhưng không phát hiện xương, được cho thuốc uống. Sau đó, bệnh nhân nuốt cũng hết đau, thấy không có gì bất thường nên không đi khám nữa.

Ths.BS CK2 Trần Doãn Trung Cang - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật đầu cổ BV Tai Mũi Họng TPHCM - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết: “Bệnh nhân được thực hiện đường mổ hở ngang cổ, tháo được lượng mủ ở thùy trái tuyến giáp, đồng thời lấy được dị vật là 2 mảnh xương cá, mảnh ngắn 5mm, mảnh dài 20mm”.

“Qua đây có thể thấy, bệnh cảnh hóc xương cá rất đa dạng và có thể bị bỏ sót. Những trường hợp này nếu không khám và lấy dị vật ra kịp thời có thể gây nhiều biến chứng: viêm thực quản, thủng thực quản gây áp xe trung thất, áp xe vùng cổ… có thể dẫn đến tử vong” – BS Cang cho biết.

Xương cá được lấy ra sau khi phẫu thuật (ảnh: BVCC)

Lời khuyên của các chuyên gia y tế là cần phải thật cẩn thận khi ăn, ăn chậm, nhai kỹ. Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác thì cần phải đến khám ngay chuyên khoa Tai Mũi Họng để các bác sĩ có thể cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Không thực hiện các biện pháp dân gian như nuốt trọng chuối, cơm nguội hay dùng tay móc dị vật vì có thể đẩy dị vật xuống sau hơn cũng như đâu sâu vào niêm mạc làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/suyt-chet-vi-quen-minh-da-bi-hoc-xuong-ca-tu-4-thang-truoc-1708339.tpo