Suy nghĩ về trách nhiệm của chính quyền sau vụ cháy tại Cty Rạng Đông

Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, dư luận đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội đối với cuộc sống của những hộ dân sinh sống xung quanh vụ cháy. Trách nhiệm của chính quyền như thế nào?

Một việc làm cần thiết của chính quyền phường Hạ Đình

Ngay sau khi vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông chưa khống chế được hoàn toàn, sáng 29/8, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phát đi 1.000 thông báo tới người dân để cảnh báo về tình trạng bầu không khí trên địa bàn bị nhiễm bẩn do khói bụi từ vụ cháy, gây ảnh hưởng lớn đến người dân.

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông vào chiều ngày 27/8

Thông báo này khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh cá nhân; sơ tán người già, trẻ nhỏ, người bệnh ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; không sử dụng nước tại các bể chứa, thực phẩm, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày; đặc biệt, cần tiêu hủy các loại trái cây tự trồng trong bán kính từ đám cháy 500 m...

Như vậy, có thể khẳng định chính quyền phương Hạ Đình nắm rất chắc về tình hình hoạt động của Công ty Rạng Đông, địa điểm hiện nay của Công ty này đang chứa những gì? Có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường xung quanh khi xảy ra sự cố.

Vì vậy, ngay sau khi xảy ra sự cố cháy tại đây, UBND phường Hạ Đình đã phát đi thông báo gửi đến người dân, để cảnh báo về tình trạng bầu không khí trên địa bàn bị nhiễm bẩn do khói bụi từ vụ cháy.

Đây là một việc làm hết sức cần thiết và thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền phường sở tại đối với nhân dân đang sinh sống xung quanh khu vực xảy ra cháy.

Quận có quá vội vàng khi yêu cầu phường thu hồi văn bản?

Ngay sau khi biết thông tin UBND phường Hạ Đình phát đi thông báo gửi đến người dân, để cảnh báo về tình trạng bầu không khí trên địa bàn bị nhiễm bẩn từ khói bụi của vụ cháy, UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu UBND phường Hạ Đình phải thu hồi ngay thông báo này với lý do "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở".

Thu hồi văn bản khuyến cáo người dân của quận Thanh Xuân là quá vội vàng

Yêu cầu này của UBND quận Thanh Xuân đối với phường Hạ Đình đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội cho rằng, quận Thanh Xuân đã quá vội vàng, làm cho dư luận không đồng tình với cách giải quyết này của UBND quận.

Theo đó, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục môi trường, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ông rất bất ngờ trước trước động thái thu hồi văn bản của chính quyền phường Hạ Đình.

"Thông báo phát đi rất kịp thời, không có gì sai cả. Văn bản do chính quyền phường ban hành nhưng tôi nghĩ nội dung đã được cơ quan chuyên môn tư vấn bởi các khuyến cáo đưa ra trong đó tương đối chính xác và chi tiết, thể hiện kiến thức chuyên môn. Người soạn thảo nhìn thấy rõ nguy cơ, đây không phải một vụ cháy thông thường".

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nhìn nhận việc chính quyền quận Thanh Xuân ra quyết định thu hồi thông báo của UBND phường Hạ Đình, và vội vã ra thông báo mọi chỉ số môi trường đều an toàn với người dân, trái ngược với kết quả chính thức mà Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) công bố ngày 4/9 là “không ổn”.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, qua diễn biến vụ việc những ngày vừa qua, dư luận không đồng tình với UBND quận Thanh Xuân trong việc phản ứng với thông báo của UBND phường Hạ Đình, cũng như đưa ra thông báo an toàn một cách một vội vã, thiếu cơ sở.

Đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng

“Qua sự việc, chúng ta thấy rằng, UBND phường Hạ Đình đã phản ứng rất nhạy cảm với vấn đề. Và việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi cảnh báo và đề nghị kiểm điểm lãnh đạo phường vì ra thông báo cảnh báo người dân là vô trách nhiệm, chưa cần nói đến là sai luật”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, việc quận Thanh Xuân ra thông báo an toàn, trái ngược hoàn toàn với kết quả chính thức của Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố là sự “dối trá” cần phải kiểm điểm những cán bộ có thẩm quyền ở quận để răn đe, tránh tình trạng báo cáo láo đã ăn vào máu thịt của nhiều cán bộ trong bộ máy công quyền lâu nay.

Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Sau bất cứ những vụ cháy nào đều có sự ảnh hưởng nhất định về môi trường xung quanh, đó là khói bụi, chất bẩn trong bầu không khí tác động không nhỏ đến sức khỏe của những người dân sinh sống quanh khu vực xảy ra cháy.

Hơn nữa đây lại là một vụ cháy có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sức khỏe của các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực xảy ra cháy vì khu vực này là kho để các nguyên vật liệu, sản phẩm độc hại của hóa chất chỉ cần vỡ thôi cũng tác động không hề nhỏ đến môi trường xung quanh do phát tán ngoài không khí, huống chi là cháy, những chất độc hại này có khả năng phát tán rất cao.

Đáng lẽ ra ngay sau khi xảy ra cháy tại đây, UBND thành phố Hà Nội phải ngay lập tức yêu cầu các đơn vị chuyên môn, chức năng có thẩm phải tiến hành kiểm tra ảnh hưởng của vụ cháy liên quan đến tác động môi trường, cần có những thông tin chính xác kịp thời để người dân và dư luận được biết và có biện pháp phòng ngừa.

Tuy nhiên, thành phố đã rất chậm trễ trong việc thông tin này đến người dân và xã hội, đồng thời lại có những thông tin thiếu cơ sở khoa học làm cho dư luận bức xúc và phải ứng rất quyết liệt trên mạng xã hội.

Chỉ sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố những ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh sau vụ cháy, lúc đó, UBND Thành phố mới có cuộc họp đề nghị khắc phục sự cố của vụ cháy.

Điều này cho thấy sự chậm trễ của chính quyền Thành phố trong việc xử lý sự cố, mặc dù đã có sở và các cơ quan chuyện môn trong việc đánh giá tác động môi trường hay có thể nói sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền trước sự ảnh hưởng không nhỏ tác động lên người dân của chính quyền các cấp.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An.

Sự việc đã xảy ra, thông tin về những ảnh hưởng ra ngoài môi trường đã được các cơ quan chức năng công bố, UBND Thành phố cũng đã có những chỉ đạo để khắc phục sự cố này.

Lấy ý kiến của bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khóa 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội về xử lý sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: “Giải pháp hiện tại là Hà Nội phải huy động cơ quan y tế, môi trường để kiểm tra sức khỏe cho người dân và đánh giá mức độ ô nhiễm do thủy ngân phát tán vào môi trường để đưa ra biện pháp khắc phục sớm, từng bước xử lý, giải quyết cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Điều quan trọng các chỉ số ô nhiễm thế nào và giải pháp đưa ra thế nào thì cần phải công khai minh bạch để dân bàn cùng và dân lựa chọn”.

Đến hôm nay, Thành phố Hà Nội đã thực hiện rất nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm quanh khu vực cháy. Tuy nhiên, nhiều người dân sống quanh đó vẫn chưa cảm thấy yêm tâm, họ yêu cầu đối thoại trực tiếp với Cty để có giải pháp cụ thể. Nhiều gia đình lo lắng đã chuyển đi chỗ khác ở nhờ, thậm chí, có gia đình đã giao bán nhà...

Hà Nội sẽ làm gì tiếp theo để giải quyết những lo lắng của người dân?.

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/suy-nghi-ve-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-sau-vu-chay-tai-cty-rang-dong-post30384.html