Suy nghĩ về nghề thầy...

Nếu không thay đổi được tình trạng 'cơm chấm cơm', không nâng cao được mức sống cho các thầy cô giáo có trình độ trên đại học thì hãy cố gắng thay đổi chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông.

Mỗi năm cứ đến dịp 20/11 đến, tôi lại nhớ đến những người thầy đã giúp mình lớn lên, trưởng thành trong cuộc đời. Đó là thầy Ngạn, cô Xuân dạy tôi ở bậc Tiểu học trong thời kỳ chống Pháp. Ở bậc Trung học, tôi may mắn được học những người thầy lớn như thầy Hoàng Như Mai dạy Văn, thầy Hoàng Tụy dạy Toán, thầy Lê Bá Thảo dạy Địa, thầy Trần Văn Khang dạy Sử, Thầy Dương Trọng Bái dạy Lý…

Với các thầy giỏi giang như thế chúng tôi mới có thể trở thành những giáo viên tỏa đi khắp nơi sau ngày chiến thắng thực dân Pháp. Ma Văn Kháng lên Lào Cai, Hồ Ngọc Đại về Hải Phòng, Hàn Liên Hải về Hà Nội, Trần Phúc Cương về Bắc Kạn, Nguyễn Văn Bào về Lai Châu…

Sau này, các bạn tôi đều có nhiều đóng góp đáng kể cho ngành giáo dục. Năm 1954 tôi còn quá nhỏ tuổi nên được đặc cách học tiếp tại Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Tại đây, lớp tôi may mắn được thụ giáo bởi một “kíp” các nhà khoa học tiêu biểu như thầy Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Dương Hữu Thời, Lê Quang Long, Trương Cam Bảo… Các thầy đã học rất nhanh tiếng Nga qua cuốn sách Le Russe bằng tiếng Pháp. Nhờ đó mà chúng tôi được tiếp cận ngay với các giáo trình hiện đại của Đại học Liên Xô hồi ấy.

GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng

Chúng tôi ở Việt Nam Học Xá, khu vực là phường Bách Khoa bây giờ, nhưng hồi ấy chỉ vẻn vẹn có bốn ngôi nhà xoay quanh chiếc sân vận động. Chúng tôi ăn sáng bằng củ khoai, củ sắn rồi cuốc bộ mỗi ngày bốn lần lên tận 19 Lê Thánh Tông để nghe giảng và làm thực hành.

Bây giờ nghĩ lại, tại sao những khóa ấy học có hai năm rưỡi mà chúng tôi có thể trưởng thành đến mức phần lớn trở thành những hạt nhân của các Trường các Viện lớn nhất sau này? Chẳng hạn Văn có Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Văn Tâm; Sử có bộ tứ “Lâm - Lê - Tấn - Vượng”; Lý có Vũ Đình Cự, Phan Đinh Diệu, Đàm Trung Đồn; Toán có Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thừa Hợp, Thái Thanh Sơn…

Là Ủy viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tôi thường suy nghĩ vì sao thời ấy khó khăn so với sinh viên ngày nay mà kết quả học tập lại tốt đến như vậy?

Tôi ngẫm ra hai điều, một là các thầy đều là những tâm gương sáng tiêu biểu cho tinh thần tự học, ham nghiên cứu khoa học và mẫu mực trong cuộc sống giản dị, thân thiết với thế hệ trẻ. Còn chúng tôi đều biết khắc phục khó khăn trong cuộc sống để tự giác say mê học tập, vì biết rằng học cho chính mình, cho công việc sẽ phải đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp.

Suy nghĩ về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta hiện nay, tôi cho rằng khâu đầu tiên phải là ở các lò đào tạo các giáo viên, cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ. Nhìn vào con số là giảng viên có trình độ trên đại học đang đứng trên bục giảng so với hầu hết các nước trên thế giới thực tế đang còn rất thấp. Trong số 72.792 giảng viên đại học nước ta hiện nay chỉ mới có 54.579 giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Có nghĩa là trong các trường đại học hiện nay còn tồn tại tới 13.213 giảng viên đại học chưa có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Người ta thường ví đó là tình trạng “cơm chấm cơm” - dường như điều này không có ở các trường đại học ở các nước khác trên thế giới. Thiết nghĩ, nếu không thay đổi được tình trạng này, không nâng cao được mức sống cho các thầy cô giáo có trình độ trên đại học thì hãy cố gắng thay đổi chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, điều này cũng chưa đủ, khó lòng có được những đổi mới mạnh mẽ như chúng ta hằng mong muốn. Đấy là chưa kể đến tình trạng đầu vào các trường sư phạm đang quá thấp và tỉ lệ giáo viên chưa tìm được việc làm ngày càng đông…

GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/suy-nghi-ve-nghe-thay-c8a591043.html