Suy ngẫm về 'Ngày vì người nghèo'

Tối 17-10, Chương truyền hình trực tiếp 'Cả nước chung tay vì người nghèo' năm 2018 đã nhận được hơn 857 tỷ đồng đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội. Đây là một số tiền lớn, thiết thực, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Cảm phục tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, đông đảo các doanh nghiệp và cá nhân góp phần tạo điều kiện cho những người nghèo có cơ hội thoát nghèo, dư luận lại không khỏi chạnh lòng khi Bộ Tư pháp mới đây công bố khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng khó thu hồi trong việc thi hành án dân sự. Con số trên được Bộ Tư pháp giải thích rằng, ngoài những vụ việc chuyển từ kỳ trước sang như vụ Phạm Công Danh còn phải thi hành 6.512 tỷ; vụ Huỳnh Thị Huyền Như 13.767 tỉ đồng...

thì trong quý III-2018, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thụ lý thêm một số vụ án lớn khác như vụ Hà Văn Thắm trên 1.797 tỷ đồng... Số tiền phải thi hành lớn, nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp. Ví dụ, vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Hà Nội sai phạm hơn 2.400 tỷ đồng, thu được hơn 84 tỷ đồng, hiện không còn tài sản để thi hành án; vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, số tiền phải thi hành án là hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng, không còn khả năng thu hồi thêm.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ “đại án” đang thực sự là bài toán khó đối với ngành tư pháp. Nguyên nhân do tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án. Ví dụ như vụ sân vận động Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng, tài sản kê biên là khu phức hợp thể thao này nhưng hiện có nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây, chưa giải quyết được.

Ngoài ra, thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, dẫn đến các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án. Như vụ Phạm Công Danh, Bộ Tư pháp phải thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý để Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi xử lý một số tài sản trên địa bàn. Riêng trường hợp sân Chi Lăng trong vụ Phạm Công Danh, Bộ Tư pháp cho biết sẽ báo cáo Chính phủ giải pháp đền bù cho các hộ dân đang sinh sống trong khu phức hợp.

Dư luận cho rằng, nếu như số tài sản thất thoát từ các vụ tham ô, tham nhũng được dùng cho việc xóa đói, giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội thì giá trị nhân văn là rất lớn, giúp nhiều gia đình vơi đi đói nghèo... Thấy rõ được ý nghĩa ấy, Chính phủ đã vào cuộc và chỉ đạo mạnh mẽ Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch giải quyết, thành lập các tổ công tác; tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành công điện đôn đốc và tổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc. Các cơ quan Thi hành án dân sự cần phải tiếp tục nỗ lực, có giải pháp tích cực tập trung tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản trái phép về cho Nhà nước.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thu hút được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc tích cực, không ai đứng ngoài cuộc. Thế nên, không thể chấp nhận thất thoát số tiền khó thu hồi trong việc thi hành án dân sự trị giá bằng hàng triệu tin nhắn, hàng nghìn tấm lòng đang hằng ngày ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.

Nhân dân mong rằng, các cơ quan pháp luật có biện pháp quyết liệt để thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, tài sản do tham nhũng mà có và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suy-ngam-ve-ngay-vi-nguoi-ngheo/