SUV đô thị tầm 600-800 triệu dần thế chỗ sedan hạng C tại Việt Nam

Trong bối cảnh các dòng sedan cỡ trung bị thu hẹp thị phần, nhóm SUV đô thị phát triển mạnh trong năm 2020 với loạt tân binh đáng chú ý như Kia Seltos hay Toyota Corolla Cross.

Năm 2019, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến các mẫu sedan hạng D bị áp đảo bởi nhóm crossover và SUV 7 chỗ. Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới khi người dùng ngày càng ưa chuộng xe gầm cao và dần lạnh nhạt với sedan, hatchback.

Tiếp nối cơ cấu dịch chuyển kể trên, SUV đô thị đang là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và dần lấn át những dòng xe hạng C. Những tân binh như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross nhanh chóng góp mặt trong nhóm xe bán chạy nhất tháng, trong khi Mazda3 hay Hyundai Elantra không còn được khách hàng ưu tiên khi chọn mua ôtô tầm giá 600-800 triệu đồng.

Xe hạng C thu hẹp thị phần

Trong nhiều năm liền, sedan và hatchback hạng C là một trong những phân khúc có doanh số tốt nhất ở Việt Nam. Theo số liệu bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và TC Motor, tổng lượng xe tiêu thụ của Mazda3, Kia Cerato, Hyundai Elantra, Toyota Corolla Altis, Honda Civic và Ford Focus trong năm 2019 đạt gần 40.000 chiếc. Kết quả này chiếm khoảng 13,22% tổng doanh số ôtô du lịch.

Tuy vậy, 10 tháng đã qua của năm 2020 chứng kiến khó khăn của cả thị trường nói chung và nhóm xe hạng C nói riêng. Ngoại trừ Focus đã bị dừng kinh doanh khi Ford Việt Nam muốn tập trung vào xe gầm cao, 5 mẫu xe còn lại hiện có tổng doanh số cộng dồn đạt gần 23.000 chiếc. Con số này ít hơn cùng kỳ năm trước 9.305 đơn vị, tỷ lệ giảm tương ứng là 28,83%. Tỷ trọng của phân khúc hạng C trên toàn thị trường hiện ở mức 11,3%.

Cái tên có tình cảnh khả quan hơn cả là Kia Cerato, doanh số tích lũy ở cuối tháng 10 đạt hơn 8.400 xe và giảm nhẹ 8,26% so với thời điểm tháng 10/2019. Nhờ giá bán cạnh tranh (534-675 triệu đồng) mà mẫu sedan Hàn Quốc có kết quả kinh doanh vượt qua Mazda3 và dẫn đầu phân khúc.

Hệ thống phanh tự động gặp trục trặc phải triệu hồi cùng giá bán đắt đỏ khiến các phiên bản Mazda3 nâng cấp 2020 dần mất đi sức hút với khách hàng Việt Nam. Sau giai đoạn đầu năm có doanh số ảm đạm, Thaco đã giảm giá cho Mazda3 sedan và hatchback (669-849 triệu đồng) để cải thiện tình hình.

Mẫu xe đánh mất phong độ nhiều nhất là Hyundai Elantra với mức tăng trưởng âm hơn 46%. Khi các phiên bản facelift được giới thiệu trong năm 2019 với mức giá đề xuất 580-769 triệu đồng, mẫu sedan Hàn Quốc từng được kỳ vọng có thể cạnh tranh sòng phẳng với Kia Cerato và Mazda3. Tuy nhiên, nhu cầu chung của thị trường suy giảm khiến doanh số của Elantra tuột dốc.

Trong khi đó, Toyota Corolla Altis cùng Honda Civic vẫn loay hoay ở 2 vị trí cuối bảng xếp hạng dù đã ra mắt các model mới. Bộ đôi sedan Nhật Bản có doanh số cộng dồn sau 10 tháng đạt hơn 1.900 xe, mức giảm lần lượt 36,1% và 23,3% cho Corolla và Civic.

SUV đô thị tăng trưởng mạnh

Nếu xe hạng C và nhiều phân khúc khác chịu cảnh lao đao trong các tháng đã qua, nhóm SUV đô thị đang có một năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ. Từ chỗ được xem là phân khúc phụ với doanh số không đáng kể, xe gầm cao cỡ nhỏ tầm 600-800 triệu đang trở thành miếng bánh mà nhiều nhà sản xuất muốn có phần.

Sau vài năm chỉ có những cái tên quen thuộc như Hyundai Kona, Ford EcoSport và Honda HR-V, loạt tân binh liên tiếp được giới thiệu trong quý III khiến tình thế của phân khúc đảo chiều đầy bất ngờ.

Hai cái tên đáng kể nhất là Kia Seltos (599-719 triệu đồng) và Toyota Corolla Cross (720-910 triệu đồng). Ngoài ra, Honda cùng Ford lần lượt ra mắt các phiên bản nâng cấp của HR-V và EcoSport để tăng sức cạnh tranh với những đối thủ mới.

Sau hơn 2 tháng ra mắt, Seltos và Corolla Cross nhanh chóng chiếm lấy 2 vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng với doanh số hơn 1.000 chiếc mỗi tháng, bỏ xa mẫu xe đứng đầu phân khúc bấy lâu nay là Kona. Trong tháng 10 vừa qua, bộ đôi này còn góp mặt trong top 10 xe bán chạy nhất tại Việt Nam.

Dù Kona, EcoSport và HR-V suy giảm doanh số, sự góp mặt của Seltos và Corolla Cross giúp tổng lượng xe bán ra của nhóm SUV đô thị sau 10 tháng đạt hơn 14.000 chiếc. Kết quả này tăng 32,2% so với thời điểm tháng 10/2019 và vượt qua doanh số cộng dồn cả năm của cả phân khúc (13.809 xe).

Bên cạnh đó, nhiều mẫu SUV nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được giới thiệu và ít nhiều gây được chú ý với người dùng Việt Nam nhờ giá bán cạnh tranh. Danh sách có thể kể đến MG ZS (518-639 triệu đồng), BAIC Beijing X7 (528-688 triệu đồng) hay Brilliance V7 (từ 738 triệu đồng).

Tiếp tục nở rộ xe gầm cao

“Xe gầm cao nói chung và SUV đô thị nói riêng sẽ tiếp tục là nhóm sản phẩm được các nhà sản xuất chú trọng đầu tư trong thời gian tới. Đây là xu hướng chung của thị trường ôtô toàn cầu và Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển giao mạnh mẽ từ các mẫu xe gầm thấp sang crossover/SUV”, chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn nhận định.

Điều này được minh chứng khi chỉ có 2 mẫu sedan hạng C và hạng D mới được ra mắt trong những tháng đã qua của năm 2020. Đó là phiên bản facelift của Toyota Corolla Altis và Mazda6.

Trong khi đó, nhóm SUV đô thị đón nhận vài model hoàn toàn mới là Kia Seltos, Toyota Corolla Cross và MG ZS. Đi cùng đó là bản nâng cấp của Ford EcoSport và Honda HR-V. Những dòng xe gầm cao 7 chỗ cũng liên tiếp được ra mắt ở Việt Nam như Mitsubishi Outlander, Kia Sorento, Toyota Fortuner hay Mitsubishi Pajero Sport.

Lợi thế về tính đa dụng, vận hành linh hoạt và phù hợp với điều kiện giao thông phức tạp ở Việt Nam giúp xe gầm cao ngày càng được ưa chuộng hơn so với sedan hay hatchback.

Nhóm SUV đô thị được dự báo sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm tới khi các hãng xe đa dạng về mẫu mã, tính năng trang bị để đáp ứng thị hiếu của người dùng. Bên cạnh đó, một vài mẫu xe mới có thể được giới thiệu trong thời gian tới, hứa hẹn tăng tính cạnh tranh cho phân khúc xe gầm cao tầm 600-800 triệu đồng.

Hoàng Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suv-do-thi-tam-600-800-trieu-dan-the-cho-sedan-hang-c-tai-viet-nam-post1155091.html