SUV đô thị giá dưới 700 triệu sẽ thoát cảnh kép phụ?

Loạt SUV/CUV đô thị trình làng vừa qua mang đến hy vọng về sự trở lại của phân khúc này tại Việt Nam, sau quãng thời gian bị cạnh tranh mạnh mẽ về thị phần bởi dòng xe MPV.

Dòng xe đô thị gầm cao (SUV hạng B, miniSUV) vốn không còn xa lạ với người dùng Việt. Ngay từ giai đoạn đầu thập niên 2000, thế hệ đầu tiên của mẫu miniSUV Daihatsu Terios đã được đưa về thị trường trong nước. Tiếp sau đó là những cái tên như Suzuki Vitara, Ford EcoSport hay Hyundai i20 Active.

Dù được đánh giá là giàu tiềm năng, SUV cỡ nhỏ cũng là một trong những nhóm xe chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất. Không đơn thuần là cuộc "nội chiến" của phân khúc, những chiếc miniSUV còn phải chịu sức ép từ các mẫu MPV và sedan cùng tầm giá tiền.

Nhiều mẫu xe đến rồi đi chóng vánh, phân khúc SUV cỡ nhỏ vừa trải qua năm 2019 có phần trầm lắng trước sự bành trướng về doanh số của Mitsubishi Xpander, Mazda3 hay Kia Cerato. Tuy nhiên, năm 2020 đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của dòng xe này, với hàng loạt đại diện đã và sắp ra mắt.

Đến nhiều, ở lại chẳng bao nhiêu

Người dùng Việt có cơ hội tiếp cận dòng xe SUV cỡ nhỏ ngay từ đầu những năm 2000, với sự xuất hiện của Daihatsu Terios trong giai đoạn 2002-2005, tiếp sau đó là Suzuki Vitara thế hệ thứ nhất. Tuy vậy, hai mẫu xe này không thực sự hướng đến nhóm khách hàng chủ yếu di chuyển trong đô thị, mua xe phục vụ gia đình. Terios và Vitara được những người thường xuyên chạy đường off-road lựa chọn.

 Daihatsu Terios là một trong những mẫu SUV đô thị đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh: Autoevolution

Daihatsu Terios là một trong những mẫu SUV đô thị đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh: Autoevolution

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, xu hướng lựa chọn xe gầm cao của người dùng vẫn chưa thực sự rõ ràng, lượng khách hàng tại phân khúc miniSUV tương đối khiếm tốn. Bởi vậy, Daihatsu Terios và Suzuki Vitara ghi nhận doanh số không mấy khả quan và lần lượt rút khỏi thị trường Việt.

Phải đến năm 2014, với màn ra mắt của Ford EcoSport, nhóm SUV đô thị mới được hâm nóng trở lại. Xuất hiện đúng thời điểm xe gầm cao trở thành xu hướng, giá bán hợp lý và không có đối thủ trực tiếp, Ford EcoSport sớm độc chiếm phân khúc xe gầm cao giá 600-700 triệu đồng.

Ford EcoSport từng có giai đoạn dài độc chiếm phân khúc SUV đô thị tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng của nhóm xe đô thị gầm cao, các hãng nhanh chóng lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm tại phân khúc này. Năm 2015, Hyundai đưa i20 Active và Creta về Việt Nam còn Suzuki trình làng Vitara thế hệ thứ tư.

Tiếp đó, năm 2017 chứng kiến sự góp mặt của Chevrolet Trax và SsangYong Tivoli. Phân khúc SUV đô thị bỗng trở nên chật chội và người dùng đứng trước hàng loạt sự lựa chọn khác nhau.

Tuy nhiên, các đối thủ kể trên của Ford EcoSport lại không thể trụ vững. Hyundai i20 Active có thiết kế không hợp mắt khách hàng Việt. Trong khi đó, Hyundai Creta và Suzuki Vitara lại được niêm yết giá quá cao (trên 800 triệu), vì vậy người dùng cũng chẳng mấy mặn mà. Tivoli thất bại bởi giá trị thương hiệu SsangYong tại Việt Nam không cao, còn Chevrolet Trax ghi nhận doanh số kém ấn tượng và hiện đã bị dừng bán.

Hyundai i20 Active, Hyundai Creta, Suzuki Vitara, Chevrolet Trax và Ssangyong Tivoli là những mẫu SUV đô thị đã bị dừng bán tại Việt Nam.

Năm 2018 có thể coi là cột mốc đáng chú ý tiếp theo của phân khúc SUV đô thị. Ford EcoSport đón nhận bản nâng cấp mới, bổ sung trang bị và tùy chọn động cơ tăng áp EcoBoost. Duy trì mức giá bán trên dưới 600 triệu, Ford EcoSport được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế độc tôn trong phân khúc. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi vào tháng 8/2018, Hyundai giới thiệu Kona.

Thiết kế đón đầu xu hướng, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng và giá bán không chênh lệch nhiều EcoSport giúp Kona nhanh chóng thu về kết quả khả quan. Sau khi ra mắt, Kona chỉ mất 4 tháng để cán mốc doanh số 2.717 xe, bằng 56% kết quả bán hàng cả năm 2018 của EcoSport, trước khi thống trị nhóm xe này trong năm 2019 với 7.103 xe bán ra, chiếm 50% thị phần phân khúc.

Hyundai Kona hiện là mẫu SUV đô thị ăn khách nhất.

Cũng trong năm 2018, Honda ra mắt HR-V, mẫu miniSUV mang kích thước và giá bán tiệm cận SUV/CUV hạng C. Dù không ghi nhận doanh số ấn tượng bằng Kona, HR-V vẫn có cho mình lượng khách hàng riêng, nhờ thiết kế bắt mắt, không gian rộng rãi và thương hiệu được ưa chuộng.

Như vậy, trải qua gần hai thập kỷ, phân khúc SUV đô thị tại Việt Nam chứng kiến không ít màn chào sân rồi ngậm ngùi rời cuộc chơi của những Terios, Vitara, i20 Active, Creta, Tivoli hay Trax. Từng là một trong những nhóm xe có nhiều sự lựa chọn nhất, phân khúc này giờ đây chỉ còn lại vỏn vẹn 3 mẫu xe - EcoSport, HR-V và Kona.

Giẫm chân MPV cỡ nhỏ

Với Ford EcoSport là đại diện kỳ cựu, Hyundai Kona được xem như hiện tượng phân khúc và Honda HR-V đáp ứng những yêu cầu cao hơn của người dùng, phân khúc SUV đô thị khép lại năm 2019 với 13.809 xe bán ra, tăng trưởng hơn 50% so với năm 2018.

Tuy nhiên, hiện tại, dòng xe miniSUV vẫn chịu cảnh "kép phụ" trong tầm giá 600-700 triệu đồng. Nguyên nhân bởi từ năm 2019 đến nay, khoảng giá này gần như được ấn định dành cho các mẫu MPV cỡ nhỏ, mà tiêu biểu nhất là Mitsubishi Xpander.

Nhóm xe SUV đô thị đang có phần lép vế trước những mẫu MPV cỡ nhỏ cùng tầm giá tiền, tiêu biểu là Mitsubishi Xpander.

Kể từ khi ra mắt, Mitsubishi Xpander luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi nói về ôtô giá trên dưới 600 triệu đồng. Hơn 10.000 xe bán ra sau một năm, 25.000 xe sau chưa đầy hai năm, đạt mức tăng trưởng doanh số vào loại tốt nhất trong lịch sử thị trường ôtô Việt Nam, Xpander giúp phân khúc MPV cỡ nhỏ trở thành lựa chọn "sáng nước" hơn SUV đô thị.

Đặt cạnh SUV đô thị, những chiếc MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga hay Toyota Avanza lợi thế hơn ở công năng sử dụng, với 7 chỗ ngồi, có thể kết hợp phục vụ gia đình lẫn kinh doanh chở khách.

Trao đổi với Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định: "Xe đô thị gầm cao, với đặc thù thiết kế trẻ trung, phá cách, rất phù hợp sử dụng cá nhân dưới 35 tuổi, cũng như các gia đình trẻ hướng tới sở hữu chiếc xe đầu tiên trong đời, nhưng sẽ khó sánh vai những doanh nhân đứng tuổi, các gia đình ba thế hệ hoặc bất kì ai có mong muốn đi những hành trình nhiều ngày".

Trong khi đó, theo chuyên gia ôtô Dương Đăng Quang, nhóm khách hàng trẻ tuổi hiện có xu hướng chuyển sang lựa chọn những chiếc MPV để sử dụng hàng ngày và kinh doanh. Hoặc những người có kinh tế tốt hơn sẽ lựa chọn những dòng xe sedan có thiết kế hiện đại trẻ trung để thể hiện cá tính.

Thêm tân binh, khó bùng nổ

Nửa cuối năm 2020, phân khúc miniSUV được hâm nóng trở lại với sự xuất hiện của nhiều đại diện mới. Ngày 18/7, Morris Garages (MG), thương hiệu bắt nguồn từ Anh quốc, nay thuộc sở hữu của SAIC (Trung Quốc), tái ngộ thị trường Việt bằng hai mẫu xe, trong đó có chiếc SUV đô thị MG ZS.

Tiếp đó, Thaco ra mắt Kia Seltos, sử dụng chung nền tảng với Hyundai Kona. Seltos nhanh chóng được người dùng chú ý nhờ thiết kế nội/ngoại thất trẻ trung, hợp thời cùng trang bị tiện nghi và an toàn đầy đủ so với các đối thủ cùng phân khúc.

Bên cạnh đó, Toyota cũng xác nhận sẽ trình làng Corolla Cross, phiên bản "SUV hóa" của mẫu sedan hạng C Corolla Altis, tại Việt Nam trong tháng 8. Toyota Corolla Cross phần nào đó tương đồng với Honda HR-V, khi có kích cỡ và giá bán tiệm cận nhóm SUV/CUV hạng C.

Nhiều xe SUV đô thị đã và sắp trình làng thị trường Việt.

Theo chuyên gia Hoàng Linh, những màn ra mắt liên tiếp này đang thay đổi hoàn toàn cục diện phân khúc ôtô giá 600-700 triệu đồng. EcoSport, Kona, Seltos hay Corolla Cross đều có tính thực tế rất cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng hiện đại trong đô thị, điều lý giải cho sự thành công sẵn có của chúng ở nhiều thị trường ngoài nước.

Có thêm những lựa chọn đồng nghĩa với việc người dùng sẽ hưởng lợi khi mua sắm tại phân khúc SUV đô thị, tính cạnh tranh cao hơn có thể khiến giá bán giảm, tránh xảy ra tình trạng "bia kèm lạc". Các hãng xe cũng sẽ nhìn nhau để căn ke, trang bị cho sản phẩm của mình lượng option tối ưu và hấp dẫn nhất.

Tuy nhiên, với hạn chế về số chỗ ngồi và không gian sử dụng, dòng xe miniSUV sẽ khó để trở thành sự lựa chọn "quốc dân" trong tầm giá 600-700 triệu đồng.

"Phần lớn người tiêu dùng trong nước vẫn duy trì xu hướng mua một xe ôtô cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, là điều có thể khiến Corolla Cross, Kona hay Seltos dễ trở thành lựa chọn phi thực tế, thậm chí “mất điểm” nghiêm trọng.

Chính vì vậy, người mua cần xác định rõ ràng về nhu cầu của mình, tránh bị các quảng cáo hào nhoáng gây hiểu nhầm. Khi đánh giá nhu cầu không được chỉ dựa trên các tính năng công bố hay lời khuyên từ người khác, mà cần xuất phát từ thực tế sử dụng của chính bản thân mình", ông Linh cho biết.

Vỹ Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suv-do-thi-gia-duoi-700-trieu-se-thoat-canh-kep-phu-post1109642.html