Sụt mạnh tại hai thị trường trọng điểm, cá tra Việt Nam phải làm gì?

Đã đến lúc ngành cá tra Việt Nam không thể cứ dựa mãi vào lợi thế giá rẻ…

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu cá tra vào hai thị trường lớn Trung Quốc và Mỹ sụt giảm mạnh nửa đầu năm nay, nhưng tăng trưởng ngoạn mục tại thị trường Anh nhờ có "tên tuổi"

Covid-19 chỉ là một phần nguyên nhân. Đã đến lúc không thể cứ dựa mãi vào lợi thế giá rẻ, mà cá tra Việt Nam cần xây dựng lại thương hiệu và truyền thông bài bản

6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vào hai thị trường Trung Quốc và Mỹ giảm lần lượt là 16%, 25% và trực tiếp kéo tuột giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước xuống 25%.

Làm gì để tăng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc và Mỹ hậu Covid-19? Đó là nổi lo đau đáu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay.

Kỳ vọng khôi phục lại thị trường Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 668,551 triệu USD, giảm tới 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 tác động mạnh lên hai thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, thị trường Trung Quốc giảm gần 16% và thị trường Mỹ giảm gần 25%.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn Corp, sau tết âm lịch, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc nên trong quí I/2020 giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm tới 37,5% so với cùng kỳ 2019.

Từ tháng 3/2020, các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tìm cách đưa các sản phẩm cá tra trở lại thị trường Trung Quốc sau thời gian phong tỏa, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu không chuyển biến rõ nét.

Từ tháng 4/2020, nhu cầu tiêu thụ hồi phục dần nhờ cá tra có giá cả phù hợp cho yêu cầu tồn trữ an ninh lương thực và chuỗi nhà hàng cũng dần phục hồi. Trung Quốc tăng nhập khẩu cá tra từ mức 8.000 tấn trong tháng 3/2020 lên mức 19.000 tấn trong tháng 4/2020, nhờ vậy Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của sản phẩm phi lê cá tra Việt Nam.

Theo Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu trực tiếp 59.000 tấn phi lê cá tra đông lạnh, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này đạt 51,58 triệu USD, cộng dồn 6 tháng ước đạt 213,71 triệu USD, chiếm tỷ lệ 30,96% thị phần, giảm 15,97% so với cùng kỳ 2019.

Đợt dịch thứ 2 bùng phát ở chợ Tân Thiên Địa (Bắc Kinh) gây tâm lý hoảng sợ hàng hải sản nhập khẩu, vì vậy cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc giờ phải thêm “giấy thông hành - pass covid” để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Kênh siêu thị một lần nữa chịu áp lực “hàng nhập khẩu”, trong khi trước đây nhãn “hàng nhập khẩu” này có tác dụng an lòng người tiêu dùng về chất lượng và an toàn thực phẩm.

“Chính việc ứng xử kịp thời của nhà nhập khẩu Trung quốc và năng lực kiểm soát dịch bệnh của nước này giúp nhiều nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng thị trường Trung quốc sẽ khôi phục vào tháng 7/2020”, bà Khanh nói.

Cần xây dựng thương hiệu tại thị trường Mỹ

Trong 5 tháng đầu năm 2020, thị trường Mỹ chỉ nhập 20.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 6/2020, xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt trên 18,286 triệu USD; cộng dồn 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 104,707 triệu USD, giảm gần 25% và chiếm 15,61% thị phần.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ với chính sách mở cửa nền kinh tế, chuỗi nhà hàng cũng đã khôi phục, các nhà cung cấp cá tra Việt Nam có thể tin kim ngạch các tháng cuối năm 2020 sẽ dần ổn định.

Cũng trong mùa dịch Covid-19, thị phần cá rô phi Brazil nhập khẩu vào Mỹ tăng gần 100%, cá rô phi Trung Quốc mặc dù chịu thuế 25% cũng tăng một cách đáng kể còn cá tra Việt Nam thì giảm gần 25%.

Trong khi đó, Anh là một trong nước bị Covid-19 tác động mạnh mẽ nhưng xuất khẩu cá tra vào thị trường này vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Theo lý giải của doanh nghiệp trong ngành, đó là nhờ người tiêu dùng Anh đã quen với tên gọi “basa” của các sản phẩm cá tra Việt Nam và sự hợp tác về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm một cách nghiêm túc trong nhiều năm qua giữa doanh nghiệp Việt Nam và nha nhập khẩu.

Thực tế từ thị trường Anh càng làm nổi lên vấn đề: Đã đến lúc ngành cá tra không thể cứ dựa mãi vào lợi thế giá rẻ, cạnh tranh phù hợp với các kiểu chế biến và hoàn cảnh kinh tế để phát triển, mà cần phải làm gì đó nhằm tạo vị trí vững chắc tại thị trường Mỹ.

Để người tiêu dùng Mỹ quen với sản phẩm cá tra, Việt Nam cần kết hợp với các nhà nhập khẩu xây dựng lại thương hiệu cá tra và cần có một tên gọi cho sản phẩm này cũng như các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi.

“Đã đến lúc con cá tra đòi các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và cơ quan hữu quan cho nó một cái tên để dễ tiếp cận người tiêu dùng tại Mỹ thay vì tên ‘Swai’ hoặc ‘Stripped Pangasius’ và sản phẩm cá tra rất cần sự chia sẻ và hợp tác trong cả chuỗi cung ứng để tất cả đều có thể phát triển bền vững.

Bài học Covid-19 cho thấy cần có các hoạt động truyền thông kịp thời để ổn định tâm lý thị trường, cũng như các hoạt động ứng phó để người tiêu dùng thế giới an tâm tin tưởng… Ngoài ra, còn rất nhiều việc để mọi người cùng nhau làm cho con cá tra phát triển đúng vị thế mà nó phải có”, bà Lệ Khanh đề nghị.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/sut-manh-tai-hai-thi-truong-trong-diem-ca-tra-viet-nam-phai-lam-gi-3548175.html