Super League - cuộc cách mạng thất bại quá sớm

Super League coi như sụp đổ. Ý tưởng về một siêu giải đấu kết thúc chỉ 48 giờ sau khi ra đời.

Chelsea, rồi sau đó là Man City, Arsenal, Liverpool, Man Utd, Tottenham đồng loạt “quay xe” đã để lại một tổn thất lực lượng nặng nề cho nhóm tinh hoa European Super League (ESL) dưới lá cờ dẫn dắt của Real. Có thể nói, cuộc “cách mạng” của 12 đội bóng hàng đầu châu Âu đã thất bại quá sớm sau chỉ vài ngày ồn ào.

Thực tế, khi thông cáo thành lập ESL được tung ra, đã có không ít nhận định của những người yêu bóng đá cho rằng chẳng qua đó cũng chỉ là động thái hù dọa để đưa UEFA vào bàn đàm phán và nhượng bộ mà thôi.

Nhận định này có khả năng chuẩn xác cao nếu như 6 CLB hàng đầu Premier League không “quay xe” quá sớm. Và giờ đây, khả năng nhượng bộ của UEFA sẽ càng ít hơn bởi chỉ Real, Barca, Atletico, Juve là không đủ sức nặng để tạo nên áp lực.

 Nhiều CĐV phản đối Super League. Ảnh: Getty.

Nhiều CĐV phản đối Super League. Ảnh: Getty.

Sự phản ứng quá mạnh mẽ của lực lượng CĐV bản địa (local fans) cũng như sự chê bai nặng nề của giới truyền thông đã khiến các CLB Premier League cảm thấy lo ngại. Ed Woodward của Man Utd thậm chí đệ đơn từ chức để nhận trách nhiệm. Trong khi đó, giới chủ các CLB cũng đăng đàn xin lỗi người hâm mộ. Cụ thể, phía Arsenal đã thừa nhận: “Sau khi lắng nghe các bạn (CĐV) và cả một cộng đồng bóng đá, chúng tôi quyết định rút lui khỏi ESL. Chúng tôi đã phạm sai lầm. Chúng tôi vô cùng xin lỗi”.

Rõ ràng, áp lực dư luận, áp lực từ những CĐV, lực lượng khách hàng tiêu thụ chủ yếu sản phẩm bóng đá, đã khiến các CLB phải cân nhắc lợi ích của việc ở lại ESL hay rút lui. Song, chúng ta cần làm rõ ràng rằng đây là một chiến thắng của “người tiêu dùng” (CĐV) chứ không phải của UEFA. Có lẽ, giới chức UEFA vẫn đang nợ những CĐV một lời cảm ơn thực sự. Họ đã cứu UEFA khỏi tình trạng căng thẳng và khó xử lý.

Tuy nhiên, giả sử lực lượng CĐV có ủng hộ các CLB 100% và dẫn tới việc 6 CLB Premier League vẫn ở lại với ESL, thì cuộc cách mạng ấy có khả năng thành công hay không? Nếu phân tích tình hình thực tế, chúng ta dám khẳng định nó vẫn sẽ thất bại. Quan trọng là thất bại như thế nào và đến vào thời điểm nào mà thôi.

Cơ bản, hãy nhìn vào thực tế bóng đá để thừa nhận sự chống lại của các CLB sáng lập ESL là đúng đắn. Doanh số bóng đá vẫn tăng nhưng phần nhận về của các CLB thực sự không đáp ứng được phần chi phí mà họ bỏ ra đầu tư cho đội bóng mỗi mùa giải.

Thậm chí, một CLB thuộc diện thương hiệu hàng đầu thế giới, luôn trong tốp 5 CLB có doanh số cao nhất thế giới như Barca cũng vẫn đang khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Bất chấp UEFA có luật công bằng tài chính đi nữa, sự suy thoái về kinh tế của các CLB là thực tế không thể chối cãi. Trong khi đó, nguồn thu của UEFA vẫn tăng một cách ổn định và đáng kể.

Phản kháng là lẽ tất nhiên trong trường hợp này. Nhưng cách hành động mà chủ tịch Real Madrid đưa ra là sai lầm. Họ muốn làm cách mạng, nhưng lại không hiểu bản chất một cuộc cách mạng cần gì.

Có thể nhìn nhận thế này để hiểu câu chuyện mạch lạc hơn. Sự độc quyền của FIFA trên toàn cầu và UEFA ở châu Âu không khác gì một kẻ cai trị độc tài, nhất nguyên và lạm quyền. Họ được coi là một thế lực cai trị và các CLB là các “công dân” trong vương quốc bóng đá vĩ đại ấy.

Trong các công dân, 12 CLB sáng lập ESL (cùng vài CLB giàu có, hùng mạnh khác nữa như PSG, Bayern, Dortmund, Lyon, Porto, Ajax...) thực sự là những công dân tinh hoa, những người ở tầng lớp thượng lưu của xã hội bóng đá. Và cách mạng được khởi xướng, dẫn dắt, phát động bởi lực lượng thượng lưu tinh hoa này cũng là một chuyện vô cùng bình thường.

Super League sẽ không thể diễn ra khi nhiều CLB Anh rút lui. Ảnh: Getty.

Song, khi xách động ESL, vấn đề cơ bản nhất là các CLB tinh hoa kể trên chỉ quan tâm đến quyền lợi của riêng họ mà thôi. Họ không cần quan tâm các “công dân bóng đá” khác, nhất là các “công dân” ở tầng lớp cần lao cần gì, muốn gì, có lợi ích gì. Chính vì thế, họ đơn độc trong cuộc chiến chống lại nhà độc tài UEFA bởi rất đơn giản, trong tay UEFA có một lực lượng đông đảo hơn, đoàn kết hơn, nhiều đồng cảm hơn do cùng cảnh ngộ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì thành lập ESL với 12 CLB khởi xướng, ông Florentino Perez kêu gọi 120 CLB ở hạng đấu cao nhất của 6 giải Anh, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tham gia một cuộc cải cách bằng cách xây dựng một LĐBĐ châu Âu mới, độc lập với FIFA, độc lập với UEFA, thậm chí độc lập với các LĐBĐ thành viên? Đấy mới là cách mạng thực sự, buộc giới chức FIFA, UEFA phải bay tới Madrid để đàm phán thay vì kêu gọi Perez tới Nyon (Thụy Sỹ) để họp bàn.

Không có cuộc cách mạng nào có thể thành công nếu không có sự ủng hộ của quần chúng cả. Các CLB nghèo, các CLB nhỏ, các CLB trung bình ở khắp cõi châu Âu chính là quần chúng của vương quốc bóng đá mà UEFA đang là nhà độc tài. Xách động một cuộc cách mạng mà xa rời cái gốc rễ có thể nuôi dưỡng cách mạng, nhóm ESL thất bại là đương nhiên.

Song, dù gì đi nữa, cuộc cách mạng mang tên ESL này chắc chắn sẽ là tiền đề cho những “khởi nghĩa” có toan tính kỹ lưỡng sau này. Bản thân UEFA không thể chủ quan với thắng lợi ban đầu của hôm nay. Nếu họ không thay đổi, các cuộc cách mạng bóng đá về sau sẽ có tác động kinh khủng hơn, bởi chúng được đúc rút từ kinh nghiệm xương máu của nhóm Florentino Perez.

Và, như đã nói ở trên, thắng lợi này là của lực lượng CĐV chứ không phải của UEFA. Bởi thế, chính UEFA cần thay đổi. Nhược bằng không, sẽ còn những làn sóng khác mà kết cục của nó là khôn lường.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/super-league-cuoc-cach-mang-that-bai-qua-som-post1206773.html