Sương mù và bụi bẩn 'bủa vây' Hà Nội

Dù mức độ ô nhiễm đã giảm hơn so với hôm qua, chỉ số AQI ở Hà Nội vẫn ở ngưỡng cao. Tình trạng này có thể được cải thiện khi khu vực đón không khí lạnh tăng cường vào ngày 7/1.

Sáng 6/1, Hà Nội tiếp tục chìm trong màn sương mờ đục. Không khí chứa bụi bẩn kết hợp với sương mù bủa vây cả thành phố khiến tầm nhìn giảm, nhiều người đi đường có thể cảm thấy cay mắt nếu không trang bị đồ bảo hộ như kính, khẩu trang.

Lúc 7h, ứng dụng quan trắc Airvisual cảnh báo AQI trung bình tại Hà Nội là 186 đơn vị, ngưỡng có hại. Với chỉ số này, Hà Nội đứng thứ 5 trong top những thành phố ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, ứng dụng PamAir đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức xấu. Lúc 8h, AQI ở các điểm đồng loạt cảnh báo "đỏ" và "tím" với chỉ số dao động 150-200 đơn vị, ở tất cả quận, huyện của thành phố.

Các quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm tiếp tục nằm trong danh sách những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất Hà Nội khi AQI có lúc vượt trên 200 đơn vị. So với ngày 5/1, ô nhiễm không khí đã giảm nhưng vẫn ở ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.

Chỉ số AQI tại các điểm quan trắc tại Hà Nội ngày 6/1 cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm so với ngày 5/1 nhưng vẫn ở ngưỡng có hại. Ảnh: PamAir.

Chỉ số AQI tại các điểm quan trắc tại Hà Nội ngày 6/1 cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm so với ngày 5/1 nhưng vẫn ở ngưỡng có hại. Ảnh: PamAir.

Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại Hà Nội những ngày gần đây, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Hà Nội nhận định AQI tăng cao đột biến do khối không khí lạnh suy giảm, lặng gió.

"Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn khiến hình thành lớp sương mù dày đặc vào sáng sớm và chiều muộn cản trở việc khuếch tán, gây ô nhiễm cục bộ", báo cáo của Sở TNMT Hà Nội cho biết.

Cũng theo cơ quan này, bao bọc xung quanh Hà Nội là các khu, cụm công nghiệp tỉnh (Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên). Do đó, điều kiện khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm tích tụ khiến chỉ số AQI tăng cao.

Bên cạnh các nguyên nhân về khí tượng, thực trạng đốt rác thải sinh hoạt, rơm rạ tự phát, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè cũng đóng góp và việc suy giảm chất lượng không khí khu vực đô thị Hà Nội những ngày qua.

Đáng chú ý, cơ quan phụ trách môi trường của Hà Nội dự báo từ nay đến tháng 3 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí. Sở đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo sở, ngành, đơn vị có phương án tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 7/1, miền Bắc đón một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh khiến nhiệt độ toàn khu vực giảm sâu. Với diễn biến này, chất lượng không khí tại Hà Nội có thể được cải thiện trong vài ngày tới khi không khí lạnh giúp khuếch tán bụi bẩn lên cao.

Ngày 7-10/1, nhiệt độ tại Hà Nội xuống ngưỡng thấp nhất là 8 độ C, cao nhất 14 độ C. Nhiệt độ trung bình ngày chỉ khoảng 13 độ C kèm theo mưa nhỏ nên người dân sẽ cảm nhận được rét buốt kéo dài.

Mỹ Hà - Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suong-mu-va-bui-ban-bua-vay-ha-noi-post1170436.html