'Suối Thầy giáo', nơi núi cao Hà Nhì

Ở Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), nơi phần lớn người Hà Nhì sinh sống, thật lạ tai khi có những tên núi, tên suối như 'suối Thầy giáo', 'núi ông Bôn'… Thực ra đó là cách họ để suối, để núi gửi lời tri ân đến người thầy cắm bản đầu tiên của mình - thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, người đầu tiên trong ngành Giáo dục phổ thông nước ta được Hồ Chủ tịch ký tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (ngày 3-6-1962).

Những người học trò năm xưa của ông Bôn nay đều đã thành bà nội, bà ngoại

Loading

Chọn nơi gian khó nhất

Người thầy đáng kính ấy đã ở tuổi bát thập, ông nói chuyện luôn chậm rãi - cái chậm của một người từ tốn. Ðã gần sáu mươi năm, kể từ ngày trở thành một trong những giáo viên cắm bản đầu tiên ở miền núi phía bắc, song những tháng ngày đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông. Ông Bôn lên sáu tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một mình bà ngoại nuôi ông và em gái khôn lớn. Ông được học hết lớp 9, sau đó công tác ở Ty Thủy lợi Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội). Năm 1956, ông đi học Trường Sư phạm sơ cấp Trung ương (nay là Trường CÐSP Trung ương) rồi về dạy học ở Thái Bình. Năm 1959, theo lời kêu gọi của Ðảng đưa đội ngũ giáo viên xung phong lên dạy học ở Tây Bắc (khi đó còn là khu tự trị Thái Mèo), ông Bôn viết đơn xin lên đường. Hành trang của những người thầy giáo nhận nhiệm vụ cắm bản đầu tiên lúc đó chỉ có một chiếc chăn chiên, chiếc áo bông và nắm thuốc ký ninh để chống chọi sốt rét.

Ông Bôn nhớ mãi ngày Bác Hồ đến động viên anh em trước lúc lên đường, Bác nói: "Nếu cháu nào sức yếu, có bệnh thấp khớp hay tim mạch thì nên ở lại". Những khó khăn được báo trước ấy không làm nhụt chí những người thầy giáo trẻ. Lội qua suối Rút (Hòa Bình) một lần mà rụng hết lông chân, lúc ấy ông mới thực sự hiểu thế nào là rừng thiêng, nước độc. Khi dừng ở Sơn La, các đồng chí lãnh đạo khu đã "giới thiệu" về những gian khổ, thiếu thốn và đói nghèo của Tây Bắc. Họ cũng không giấu những khó khăn chết người mà những giáo viên xung phong cắm bản như các ông phải đối mặt. "Bấy giờ nghe lãnh đạo khu nói thế, tôi không sợ, chỉ thấy thương bà con mình, tôi càng quyết chí phải làm được điều gì đó để giúp đỡ họ" - ông Bôn xúc động nói.

Hai ngày ngồi trên xe tải từ Sơn La vào thị trấn Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay), đường xấu đến mức các ông bị văng từ thành xe bên này sang thành xe bên kia. Rồi từ thị trấn Lai Châu phải đi bộ ba ngày nữa mới vào đến huyện lỵ Mường Tè. Huyện lỵ khi đó chỉ có vài dãy nhà lá của cán bộ vùng cao chứ chưa có dân sinh sống. Ngày hôm sau, các thầy giáo cắm bản được một người đàn ông Hà Nhì dẫn vào Mù Cả. Lại mất ba ngày lội bộ mới đến nơi. Toàn xã có khoảng 500 dân, sống rải rác khắp 11 bản. Cả cán bộ xã lẫn người dân đều không biết nói và viết tiếng phổ thông, ủy ban phải thuê một người Thái biết cả tiếng Hà Nhì và tiếng Kinh lên làm phiên dịch cho thầy giáo suốt một năm trời, đó cũng là một năm ông Bôn học tiếng Hà Nhì.

Người anh hùng cầm phấn (thứ ba từ trái sang) bên cổng trường Mù Cả hôm nay.

Người anh hùng cầm phấn (thứ ba từ trái sang) bên cổng trường Mù Cả hôm nay.

Dựng trường bằng cả trái tim

Khi ông Bôn bàn với cán bộ và bà con về chủ trương dạy chữ cho khoảng 40 em trong toàn xã (tuổi từ 7 đến 12), tất cả thống nhất việc các em đi học phải mang theo gạo và quần áo. Xong việc, ông bắt tay vào đẵn gỗ, đẵn tre để dựng trường cho học trò, có đủ cả bàn ghế cho các em ngồi học. Bấy giờ "trường ông Bôn" là "công trình công cộng" duy nhất ở Mù Cả. Xong "công trình" đó, ông Bôn ngồi khóc, vì thành quả mà mình có được sau bao ngày đêm vất vả.

Ông giáo già nhớ như in ngày đầu tiên đứng lớp: "Ðúng giờ tập trung, các em học sinh từ các bản đã có mặt đông đủ, quần áo các em sặc sỡ, mắt đứa nào cũng tròn xoe rụt rè nhìn tôi. Buổi học đầu tiên ngày 10-9-1959 đó, tôi dạy các em cách gọi thầy giáo, cách xưng tên mình. Sau đó tôi dạy các em một bài hát về thể dục: "Ngồi mãi mỏi lưng/viết mãi mỏi tay/ Thể dục thế này/ là hết mệt mỏi". Lên lớp, thầy giáo chỉ có một hộp phấn, một quyển sách vỡ lòng, tôi viết lên bảng, tiếng trẻ đọc vang khắp bản. Các em không có giấy bút, tôi chia phấn cho từng em, bảo các em tập viết vào cổ tay mình cho thầy xem. Nhìn 40 cánh tay giơ lên, thấy học trò chăm chú uốn cổ tay theo thầy là đã thích rồi".

Buổi học hôm sau, thầy giáo Bôn lấy tàu lá chuối gấp thành "vở’, thành "bảng" để chia cho các em tập viết, mỗi em đẽo một cái bút gỗ theo cây bút của thầy. Thế là bút gỗ viết trên lá chuối tươi đã giúp các em gọi con chữ về. Học trò ở nội trú, ngày chỉ lên lớp một buổi nên thầy luôn nghĩ ra nhiều việc, nhiều trò chơi để các em vơi nỗi nhớ nhà: thầy nhặt bưởi về dạy các em đá bóng, tổ chức đi hái nấm, bẻ măng, bắt cá về cải thiện bữa ăn. Ăn không hết thì mang phơi khô dự trữ. Thầy trò học mà chơi, chơi mà học, vui thế, xôm thế mà "lớp học của tôi có lần đã vỡ. Một tối sau khi khai giảng được khoảng nửa tháng, tôi đi kiểm tra nơi ăn chốn ở của học trò, nhưng rất nhiều nhà thấy vắng, tìm đến một ngôi nhà rộng thì thấy các em nam nữ cùng ở trần nằm ngủ. Tôi quát tất cả dậy, bảo các em mặc quần áo rồi bắt nhà nào về nhà nấy ngủ. Hôm sau chỉ có các em ở bản Mù Cả đến lớp, còn các em ở 10 bản khác đều vắng. Tôi tìm hiểu kỹ và bàng hoàng khi biết nơi đây còn tàn dư của nạn quần hôn. Tôi họp cán bộ, họp dân lại và kịch liệt đả phá hủ tục này".

Lập kỳ tích

Hết học kỳ I năm học đó, ông Bôn về châu, rồi về Trung ương họp mới biết Mù Cả tập hợp được đông số học sinh nhất so với các xã vùng cao dân tộc thiểu số khác, gần như 100% trẻ em Mù Cả trong độ tuổi đã đến trường, trong khi các xã khác chỉ có 4-5 em. Về lại Mù Cả, thầy Bôn nghĩ cách để cả bản, cả xã dạy nhau học. Và thầy đề nghị xã cho nghị quyết: Mỗi bản phải cử 1-2 thanh niên đến học thầy Bôn mỗi tối, học liền trong hai tháng. Khi thuộc hết chữ trong cuốn sách vỡ lòng, họ trở về bản và xóa mù cho những người khác. Sáng sớm, thầy Bôn dạy chữ cho người đi nương, rời con chữ trên bảng, họ lại được thầy Bôn lấy phấn viết chữ trên lưng trâu để vừa đi vừa ôn bài. Chiều tối là lớp học bên bếp lửa của các bà, các mẹ. Suốt nhiều tháng ròng, mỗi ngày thầy Bôn "đứng" ở 4 lớp như thế.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ.

Không chỉ dạy chữ, thầy Bôn còn "cõng" lên Mù Cả bó cẳng sắn để giâm thành cây; mang chai lọ, gạch… để làm giáo cụ dạy học trò. Cây sắn mọc lên, bà con Mù Cả gọi đó là cây khoai của atê Hồ (atê là cha - cây khoai của cha Hồ Chủ tịch). Ông Bôn hướng dẫn học trò đốt cỏ tranh, cải tạo nương để cấy 5-6 mẫu ruộng, mỗi vụ thầy trò thu hoạch vài tấn lúa. Tiền bán lúa, thầy mua chiếc đài đốt bằng măng-xông, và Mù Cả là mái trường đầu tiên của cả khu đã tự trang bị được đài để nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam. Cũng từ tiền bán thóc lúa tăng gia của thầy và trò, trường còn tậu được máy nghe đĩa quay tay, đèn chiếu, trâu bò… Thầy trò còn cùng nhau dẫn được nước về trường qua mấy quả núi cao - điều mà khi làm, không một người Hà Nhì nào dám tin là có thể. Dòng suối ấy đến giờ bà con vẫn gọi bằng cái tên đầy thương mến: Suối Thầy giáo.

5 năm sau ngày dựng trường, Mù Cả trở thành gương sáng hàng đầu về giáo dục của miền núi nước ta - đó là điều không ai dám tin với một vùng đất mông muội, tách biệt trong mây mù. Lứa học trò 40 "đứa" đầu tiên của thầy giáo cắm bản Nguyễn Văn Bôn, có 35 người đã học hành, đỗ đạt, tất cả đều góp không ít công sức trong việc xây dựng đất Mường Tè, Lai Châu. Có những người Hà Nhì thành đạt như: nguyên Ðại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu - bà Pờ Go Sừ (SN 1948); nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè - bà Pờ Phí Nhù (SN 1948)…

Ðến bây giờ, ông giáo già cũng không hiểu được vì sao thời kỳ đó mình lại làm được nhiều việc ngoài… sức tưởng tượng đến thế! Không ai nói ra, nhưng bà con Hà Nhì ở Mù Cả hiểu, bằng trái tim ấm nóng và lẽ sống hy sinh vì cộng đồng, thầy giáo Bôn đã làm tất cả cho đồng bào thiệt thòi, thương mến của mình. Và họ đã lấy tên thầy Bôn để đặt cho dòng suối, ngọn núi trên đất Hà Nhì.

Bích Ngọc/Nhân Dân

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/suoi-thay-giao-noi-nui-cao-ha-nhi-post9776.html