'Suối Ngọc - Vua Bà' - vì sao hoang tàn?

Khu du lịch sầm uất một thời Suối Ngọc-Vua Bà ở chân núi Ba Vì song giờ đây chỉ còn là cảnh hoang tàn, không một bóng người. Khu du lịch sinh thái này bị đóng cửa nhiều năm vì quyết định khó hiểu từ cơ quan chức năng…

Cảnh hoang tàn của khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà

Cảnh hoang tàn của khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà

Nhiều năm đóng cửa, xã viên khó khăn

Cách Hà Nội chừng 40 km, khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) gắn với Vườn quốc gia Ba Vì hùng vĩ từng sầm uất một thời, mỗi ngày thu hút cả nghìn du khách. Tuy nhiên, nhiều năm qua khu du lịch bị đóng cửa, nhiều hạng mục công trình bỏ hoang cỏ mọc.

Theo Hợp tác xã (HTX) Suối Ngọc - Vua Bà (đơn vị được giao quản lý, đầu tư, khai thác khu du lịch), HTX được UBND huyện Lương Sơn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 8/1999, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, bảo vệ rừng, kinh doanh dịch vụ giống cây trồng, dịch vụ du lịch sinh thái. Trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã nỗ lực để cải tạo rừng tái sinh, phủ xanh đất trống đồi trọc, hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn trên diện tích 280 ha.

HTX đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 xã viên và người lao động, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống dân sinh các vùng lân cận.

Tuy nhiên, ngày 18/11/2002, UBND huyện Lương Sơn ra quyết định số 1324 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của HTX Suối Ngọc - Vua Bà. Ngày 28/4/2003, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định số 565 về việc giải quyết khiếu nại của HTX, trong đó yêu cầu hủy bỏ quyết định của UBND huyện Lương Sơn về việc đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Đến tháng 11/2003, UBND huyện Lương Sơn đã trả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho HTX. Sau đó, HTX tiếp tục từng bước hoàn thiện và phát triển, tạo ra hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt.

Tuy nhiên, bất ngờ ngày 4/4/2007, UBND huyện Lương Sơn lại ra quyết định 290 về việc giải thể bắt buộc đối với HTX Suối Ngọc - Vua Bà. Đại diện HTX đã làm đơn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình nhưng đã bị tòa từ chối thụ lý vụ việc.

Liên minh HTX VN: Buộc giải thể là trái luật

Trong văn bản trả lời HTX Suối Ngọc - Vua Bà ngày 10/4/2007, Liên minh HTX Việt Nam khẳng định: “Những căn cứ nêu trong Quyết định số 290 của UBND huyện Lương Sơn về việc giải thể bắt buộc đối với HTX Suối Ngọc-Vua Bà là trái luật, không thuộc các quy định được áp dụng tại Khoản 2 Điều 42 Luật HTX về giải thể bắt buộc”.

Liên minh HTX Việt Nam đề nghị tạo điều kiện cho HTX Suối Ngọc - Vua Bà được hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quyền khiếu nại quyết định 290 của UBND huyện Lương Sơn, đồng thời đề nghị xem xét hủy bỏ Quyết định 290 năm 2007 của UBND huyện Lương Sơn. Trước đó, trong báo cáo số 13 của Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã thống nhất cho phép HTX được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật HTX.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ đó đến nay nhiều cơ quan không thụ lý hồ sơ và giải quyết kiến nghị của HTX Suối Ngọc - Vua Bà dẫn đến đơn thư kéo dài, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của HTX và khu du lịch. Đến tháng 6/2016, HTX tiến hành đại hội. Từ đại hội này, HTX đã gửi đầy đủ hồ sơ xin chuyển đổi mô hình HTX đúng Luật HTX hiện hành cho bộ phận một cửa UBND huyện Thạch Thất.

Ngày 12/7/2016, Phòng Tài chính kế hoạch của UBND huyện Thạch Thất lại gửi trả lại toàn bộ hồ sơ cho HTX với lý do “HTX Suối Ngọc-Vua Bà đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục giải thể bắt buộc” tại thông báo số 475 về việc giải quyết hồ sơ trình cấp đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện HTX cho hay, “Đối chiếu với khoản 2 Điều 42 Luật HTX thì chúng tôi không thuộc diện giải thể bắt buộc”.

Khi nào giải quyết dứt điểm vụ việc?

Chặng đường khiếu nại, đi tìm công lý của HTX Suối Ngọc-Vua Bà đã kéo dài cả chục năm qua. Tiến độ giải quyết vụ việc vẫn chậm trễ. Bà Nguyễn Thị Xuyên, xã viên HTX cho hay, nhiều năm qua khu du lịch không được hoạt động, không được cải tạo xây dựng nên xuống cấp nhiều. “Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết các kiến nghị của HTX”, bà Xuyên nói.

Tháng 5/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT, UBND huyện Thạch Thất yêu cầu kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp có vướng mắc, tham mưu đề xuất báo cáo UBND thành phố.

Tuy nhiên, Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, đây là vụ việc khá phức tạp và huyện đã xin ý kiến thành phố và nhiều cơ quan nhưng cũng chưa thể giải quyết được dứt điểm!

Ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của HTX, bảo vệ quyền lợi chính đáng của xã viên.

“Khi đang hoạt động, khu du lịch Suối Ngọc-Vua Bà là niềm tự hào của địa phương, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua khu du lịch bị đóng cửa bỏ hoang gây lãng phí rất lớn…”, đại diện lãnh đạo UBND xã Tiến Xuân cho hay.

Ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân trong buổi làm việc với PV Tiền Phong

“Khi đang hoạt động, khu du lịch Suối Ngọc-Vua Bà là niềm tự hào của địa phương, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua khu du lịch bị đóng cửa bỏ hoang gây lãng phí rất lớn…”.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Tiến Xuân

Hà Anh - Tuấn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/suoi-ngoc-vua-ba-vi-sao-hoang-tan-1508559.tpo