Suối Đó rồi thành ký ức!

Chưa ai thống kê được thiệt hại của nông dân do dòng suối Đó chết, nhưng một phần hồn cốt của những làng quê thanh bình dọc đôi bờ đã không còn

Dân sống ở vùng khô hạn thuộc các huyện, thị xã phía Nam tỉnh Bình Thuận đều biết suối Đó. Suối tích nước từ các khe lạch ở Bưng Kè, ngoằn ngoèo chảy qua địa bàn các xã Tân Phước, Tân An của thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) rồi thành dòng chính nhập vào sông Dinh đổ ra biển lớn.

Vắt lòng hiến dâng

Gọi là suối nhưng xưa nay dù là mùa khô hạn đến mấy thì nước vẫn đầy chứ không như bây giờ.

Ông Hồ Chỉnh, một nông dân của làng Phước Bình (nay là khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi), nhớ khoảng đầu thập niên 1970, ông đã dùng tre làm cái xe gió, lấy nước tưới cho mấy sào ruộng hai bên bờ suối. Đó cũng là công trình thủy lợi tự tạo đầu tiên trên dòng suối Đó.

Đến năm 1989, dân làng Phước Bình đề xuất và chung tay đóng góp để cùng ngành thủy lợi huyện Hàm Tân (nay tách ra thành huyện Hàm Tân và thị xã La Gi) xây dựng đập suối Đó, rồi đào kênh dẫn nước về tưới cả những cánh đồng của Tân Thiện, La Gi. Không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà vào mùa khô, khi sông Dinh cạn kiệt, đập Đá Dựng khô nước thì chính suối Đó chia dòng mang nước về nhà máy phục vụ nhu cầu dân sinh. Nay thì đập vẫn còn đó, dòng kênh dẫn nước vẫn còn đó nhưng suối đã chết!

Không chỉ dân làng Phước Bình mà còn với nhiều làng nữa, được dòng suối Đó dưỡng nuôi họ hàng đời rồi. Nhớ thuở sống trong cảnh không giếng, không nước máy, mới thấy dòng suối Đó quý giá đến nhường nào. Tắm gội, ăn, uống... dân làng đều nhờ vào dòng suối. Rồi con tôm, con cá... giúp bữa ăn người dân bớt đi phần đạm bạc. Ngay cả viên sạn, hạt cát, suối cũng vắt lòng hiến dâng.

Một thời trong veo

Một chiều đến làng Phước Bình, tôi được các anh Hồ Bốn, Ngô Bảy, Lê Minh đưa ra dòng suối để chứng kiến cái chết của con suối đã hàng trăm năm tuổi. Chữ chết ở đây không nằm trong ngoặc kép, mà nó được mở toang.

Suối Đó một thời trong veo, mát lạnh, suối của cá tôm, suối của ruộng đồng mùa khô hạn, suối của tắm gội, hẹn hò, thi ca… Nay thì hết, dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi hám, chảy thương đau giữa đôi bờ xói lở, không bóng dáng con tôm hay con cá nào bơi lội, ngay cả những chú bò cũng ngần ngại, quay lưng.

Ngồi thẫn thờ bên bờ suối, anh Ngô Bảy kể gia đình các anh đã có ba thế hệ sống ở làng này, bên dòng suối này. Từng lớp tuổi thơ được tắm gội và lớn lên nhờ dòng suối Đó. Chưa bao giờ các anh thấy dòng suối này cạn, ô nhiễm, hôi hám tệ hại như bây giờ.

Tiếng thở dài của các anh nghe sao não nùng! Suối khô, suối chết đồng nghĩa đời sống của bà con dựa vào suối cũng khô khát theo. Nhiều diện tích canh tác lúa, màu hai bên suối nay dần hoang hóa. Liên tiếp mấy năm rồi, người dân thị xã La Gi vô cùng bức xúc khi nhìn thấy nước suối Đó ngày càng đen đúa, bốc mùi hôi rất khó chịu, lòng suối phủ đầy cặn bã. Muốn qua suối để làm đồng, làm rẫy, dân hai bên bờ có khi phải mang ủng chứ không dám lội thẳng xuống dòng nước đen.

Chị Hòa, một nông dân làng Phước Bình, ôm mớ rơm khô, nhìn chúng tôi, mếu máo: "Không có nước tưới cỏ, bò đói rã rời. Ba con bò nhà em bây giờ lấy lạt tre xâu còn kịp". Nghe chị nói, ai cũng cười, nhưng cười buồn, cười ra nước mắt. Suối chết, suối khô, bò không có cỏ ăn, mua rơm thì quá tốn kém, một cuộn rơm khô 30.000 đồng, bò nhai rát họng vẫn ốm tong.

Nhưng nhìn suối Đó rỉ rả chảy ra sông Dinh, ai cũng biết dòng nước ô nhiễm này sẽ tích tụ phía trên lòng hồ đập Đá Dựng, nơi nhà máy hằng ngày vẫn bơm nước phục vụ hàng vạn người dân. Vậy thì sớm muộn gì sức khỏe của cộng đồng dân cư nơi đây cũng bị đe dọa! Chưa ai thống kê được thiệt hại của nông dân do dòng suối Đó chết, nhưng một phần hồn cốt của những làng quê thanh bình dọc đôi bờ suối Đó đã không còn.

Suối Đó nay chỉ còn như một lạch nhỏ với dòng nước bẩn

Suối Đó nay chỉ còn như một lạch nhỏ với dòng nước bẩn

Nhìn mà chạnh lòng

Anh Đỗ Quang và anh Trần Văn Hai (đều ngụ khu phố 8) cho biết những khi dứt mưa, dòng suối Đó càng ô nhiễm nặng, mùi hôi bốc lên. Nguyên nhân, theo các anh là do trên đầu nguồn suối, khu vực giáp ranh giữa 3 xã Tân Xuân, Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) và Tân Phước (thị xã La Gi) có nhiều trang trại chăn nuôi đang hoạt động, có trại rộng hàng chục hecta, quy mô đàn heo rất lớn. Toàn bộ chất thải chưa qua xử lý từ các trang trại này xả trực tiếp ra suối Đó hoặc những khe lạch nhỏ tụ về suối Đó. Những nông dân này cũng cho biết đã báo cơ quan chức năng của thị xã.

Tôi không rõ những nông dân ở đây đã bao nhiêu lần lên tiếng, cũng không thể biết cơ quan chức năng đã bao nhiêu lần giải quyết những kiến nghị liên quan suối Đó, nhưng dân ở đây nhớ rất rõ là cả đài, báo của tỉnh, của thị xã đã lên tiếng báo động nhiều lần. Chính Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đã vào cuộc, đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp vì có hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường quanh khu vực chăn nuôi thuộc xã Tân Xuân (huyện Hàm Tân). UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với số tiền 520 triệu đồng. Nhưng đâu chỉ một doanh nghiệp xả thải lén lút vào suối Đó?

Suối Đó bây giờ thoi thóp, giống người mẹ quê nghèo trong cơn bạo bệnh đang cố vắt từng giọt sữa cho con. Nhìn suối mà chạnh lòng đau. Nếu cứ đà này, hẳn nay mai thôi, suối Đó sẽ chỉ còn trong ký ức.

Nông dân Lê Lục (ngụ khu phố 8, phường Tân An) bức xúc: “Đã mấy năm rồi, cứ đến mùa mưa là các trại chăn nuôi ở đầu nguồn tranh nhau xả chất thải ra suối Đó. Cá, tôm chết sạch rồi”.

Thiệt hại không nhỏ

Hạ nguồn suối Đó khô kiệt, đồng nghĩa đập tràn suối Đó cũng không còn tác dụng. Tuyến kênh dài mấy ki-lô-mét không còn nước để tải, thiệt hại không nhỏ đối với bà con nông dân vùng hạ nguồn trong sản xuất vụ đông xuân và một phần hè thu. May là 2 năm qua có nước từ đập sông Dinh 3 xả về nên sông Dinh mùa khô vẫn còn nước. Nếu không thì số phận sông Dinh không biết sẽ thế nào?

Bài và ảnh: NGÔ VĂN TUẤN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/suoi-do-roi-thanh-ky-uc-20190803205401158.htm