Sung Thị Tông – cô giáo H'Mông gọi trẻ đến trường

Ước mơ trở thành cô giáo để dạy các em nhỏ người H'Mông quê mình luôn thôi thúc Sung Thị Tông. Với nghị lực phi thường, vượt qua bao khó khăn, vất vả, cô giáo người H'Mông đã thực hiện được mơ ước của mình, hàng ngày cô kiên trì 'đi xuyên núi rừng' gieo chữ giữa đại ngàn.

Chúng tôi gặp Sung Thị Tông (25 tuổi), giáo viên điểm trường mầm non Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa khi tiết học đầu tuần kết thúc. Năm vừa qua, cô giáo người H’Mông vinh dự trở thành đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa và dự Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục năm 2020, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen.

Những cung đường đến trường đầy khó khăn, vất vả của cô giáo cắm bản Sung Thị Tông

Những cung đường đến trường đầy khó khăn, vất vả của cô giáo cắm bản Sung Thị Tông

Câu chuyện đi học rồi trở thành cô giáo cắm bản của cô giáo Tông được người dân nơi đây kể lại như một tấm gương về sự nỗ lực, vươn lên trong đói nghèo, vất vả. Hơn 20 năm trôi qua, song với cô giáo Tông vẫn chưa bao giờ quên ngày đầu tiên đi học.

Cô Tông kể lại: "Cô là một trong 7 đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường. Lớp học thuở bấy giờ là lớp ghép 3 trình độ. Phòng học chật chội nhưng thầy giáo vẫn phải kê 3 bảng ở 3 hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập là những quyển sách, chiếc bút do chính thầy cô cho".

Mỗi sáng đón các em đến trường là niềm vui, sự động viên vô cùng to lớn

Những tháng ngày đi học khó khăn vất vả ấy đã thôi thúc Tông trở nên mạnh mẽ và biết nói lên ước mơ của mình. Năm 2016, Tông chính thức tốt nghiệp khoa Sư phạm Mầm non - Trường Đại học Hồng Đức. Với sức trẻ và sự nhiệt huyết của mình, Tông xin đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, xã Sơn Thủy – đây là bản cách điểm trường chính và trung tâm xã 22km, giáp với Lào.

Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương, cách trung tâm huyện khoảng 60km, cách nơi ở của Tông một ngọn núi. Song để đến với Mùa Xuân, cô Tông phải "đi xuyên" núi rừng với hơn 20km. Con đường rừng chỉ rộng khoảng nửa mét, 1 bên là núi 1 bên là vực.

Vào mùa khô thì đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Còn vào những ngày mưa bão, cô Tông ở lại trong bản cùng với bà con. Nhưng những khó khăn đó không làm cho cô Tông chùng bước mà càng thôi thúc cô nhanh đến điểm trường hơn.

Nhờ sự kiên trì vận động của cô Tông các em đã được đến trường học những chữ cái đầu đời

Tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn của điểm trường, cô Tông đã quyết định tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ.

Trong hơn 1 tháng cô cùng các giáo viên khác đã kêu gọi được nhiều đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế; đoàn thiện nguyện Búp Măng Non đã đến tại điểm trường Mùa Xuân tổ chức Tết trung thu; chương trình Vì trẻ em vùng cao và Nuôi em Thanh Hóa đã hỗ trợ nuôi ăn cho tất cả các cháu. "Khi cơ sở vật chất đã tạm ổn, sau mỗi buổi lên lớp, tôi đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cháu, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học...", cô Tông tâm sự.

Giờ ra chơi của cô và trò với tiếng hát vang vọng cả núi rừng

Rời điểm trường Mùa Xuân, cô Tông được phân công công tác tại điểm trường Xía Nọi. Trở về và được làm việc tại nơi mình sinh ra, lớn lên cô Tông rất vui mừng. Dưới mái nhà cấp 4 đơn sơ, lớp học của cô giáo Tông gồm 16 đứa trẻ ở cả 3 độ tuổi 3 - 4 - 5., hầu hết các em không nói và chưa hiểu tiếng phổ thông nên cô giáo Tông phải cùng lúc nói hai thứ tiếng, sau tiếng phổ thông sẽ lại phiên âm sang tiếng Mông để dạy cho các em.

Vượt qua bao khó khăn, vất vả ước mơ làm người gieo chữ giữa đại ngàn của cô Tông đã trở thành hiện thực

Để những đứa trẻ có thêm quần áo, đồ chơi, cô giáo Tông còn tìm mọi cách để kết nối với các đơn vị, cá nhân giúp đỡ điểm trường từ bàn ghế đến đồ dùng học tập, đồ chơi. "Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi hạnh phúc vì được trở về bản làng dạy học, được gắn bó với bọn trẻ và thực hiện ước mơ bấy lâu nay của mình. Tôi mong rằng bản Mùa Xuân, Xía Nọi và nhiều bản làng vùng sơn cước sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm … giúp bà con giảm dần khoảng cách với những vùng thuận lợi, các cháu được vui chơi, học tập trong những điều kiện tốt nhất"", cô giáo Tông chia sẻ.

Chia tay cô giáo trẻ Sung Thị Tông trong buổi chiều cuối năm, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng trẻ hát vang: "Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây. Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…"

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/sung-thi-tong-co-giao-hmong-goi-tre-den-truong-2021013119560951.htm