Sửng sốt con đường ngập rác ở Hà Nội 'đẹp không tin nổi' sau khi cải tạo

Với những đồ dùng bỏ đi, nhóm 16 họa sĩ đã thu gom và tái sử dụng biến đoạn đường bên bờ đê sông Hồng từ nơi tập kết rác thải trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc.

Thời gian gần đây, người dân sống tại ven sông Hồng (khu vực thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ khi con đường đầy rác thải sau nhà nay đã biến thành không gian nghệ thuật công cộng với nhiều công trình, tác phẩm đẹp mắt.

Dự án cải tạo này có tên “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân” nằm trong dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang sông Hồng phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. 16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài hơn 200 m.

Các mô hình này được làm từ chính những đồ phế thải tập kết ở con đường ven sông. Nguyên liệu được thu gom thêm từ nhiều nơi và được chính người dân xung quanh cung cấp hỗ trợ.

Theo quan sát, nguyên liệu tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt nơi đây chỉ đơn giản là những thùng phi cũ, chai nhựa cũ, chai dầu đã sử dụng,...

Tác phẩm “Thuyền” của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông được làm từ các vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng, khung sắt, gốm vụn, có chiều dài 10 m và cao 3,5 m.

Tác giả sử dụng 10.000 vỏ chai dầu cùng vỏ chai nhựa các loại kết hợp với khung sắt tạo hình nên 4 chiếc thuyền những con sóng lô nhô. Với tác phẩm này, người nghệ sĩ muốn người dân nhớ về nơi bến sông tấp nập buôn bán xưa kia trên con sông Hồng đầy kỷ niệm.

Những mảnh gương vỡ trong tác phẩm “Sắc màu” của kiến trúc sư Diego Chula.

Cùng những mảnh gương vỡ, Diego thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc. Ngoài ra, ông còn thiết kế 1 dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để tạo thành nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.

Thông điệp sống xanh trong tác phẩm của một nghệ sĩ nước ngoài khác, Goerge Burchett. Là một họa sỹ người Úc sinh ra tại Hà Nội, đã từng sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, Goerge Burchett hiểu rất rõ về lịch sử văn hóa Việt Nam. Với tác phẩm “Voi”, “Sống xanh” làm bằng thép không gỉ phun sơn, ông muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp “Làm cho Hà Nội sạch và xanh”, con người sống hòa mình cùng thiên nhiên.

Bên cạnh các tác phẩm hướng về bảo vệ môi trường, còn có tác phẩm nhắc về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Tác phẩm “Phù sa” của anh Nguyễn Đức Phương (một họa sĩ trẻ tự do gần 20 năm) được làm từ các mảnh sành thu lượm từ dưới đáy sông và màu tự nhiên từ đất phù sa sông Hồng kết hợp bụi đô thị để tái hiện lại nền móng của 1 ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất.

Viên gạch hình rồng đúc từ bụi đô thị và đất phù sa sông Hồng là nền móng trong tác phẩm của anh Phương.

Những bức tường hành lang ven sông Hồng “khoác lên mình bộ áo mới” khiến trẻ em sống quanh đây thêm tò mò, thích thú.

Tác phẩm “Vòng quay” của tác giả Trịnh Minh Tiến làm từ vành bánh xe kết hợp với nhựa màu tái chế và kỹ thuật vẽ bằng súng phun sơn tạo nên một tác phẩm sắp đặt lấy cảm hứng từ giao thông trong đô thị.

Nhờ hệ thống đèn chiếu sáng mà vào buổi tối, các tác phẩm vẫn nổi bật dọc con đường ven sông

Nhấn để phóng to ảnh

Về ban đêm, “Nhà nổi” của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh có lẽ là tác phẩm đẹp nhất. Anh sử dụng các thùng phi bỏ đi là những vật liệu không thể thiếu của những ngôi nhà nổi trên Sông Hồng, khắc họa những hình ảnh những ngôi nhà nổi lên trên chính những chiếc thùng phi bằng kỹ thuật cắt laze xuyên thủng kết hợp với hiệu ứng đèn led ánh sáng từ bên trong qua đó làm hiện lên hình ảnh gần gũi với sông Hồng từ xưa đến nay - những người nhập cư sống lênh đênh trên những “du thuyền”

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/sung-sot-con-duong-ngap-rac-o-ha-noi-dep-khong-tin-noi-sau-khi-cai-tao-67211.html