Sun Symphony Orchestra viết tiếp giấc mơ giao hưởng

Sun Symphony Orchestra sẽ giúp các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội theo đuổi tiếp giấc mơ giao hưởng.

Nhạc trưởng Olivier, Giám đốc âm nhạc Sun Symphony Orchestra, từng dẫn dắt dàn giao hưởng quốc tế

Nhạc trưởng Olivier, Giám đốc âm nhạc Sun Symphony Orchestra, từng dẫn dắt dàn giao hưởng quốc tế

Trong mắt những người đau đáu với nền âm nhạc nước nhà như nhạc sỹ Thiếu Hoa và Chủ tịch hội nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, sự ra đời của Sun Symphony Orchestra “là một sự kiện mà tôi đang mong ước và hôm nay đã trở thành sự thật” và quyết định bảo trợ lâu dài cho dàn nhạc này của Tập đoàn Sun Group là “một quyết định quá dũng cảm”.

Đưa nghệ sỹ trở lại với nghề

Rất nhiều người đã ngậm ngùi trước một sự thực mà nhạc sỹ Thiếu Hoa đã thẳng thắn nói ra ngay trong Lễ ra mắt Hội đồng điều hành dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra: “Những năm 1995, tôi trở về từ Nhạc viện Tchaikovsky sau một thời gian sống và làm việc, phải nói là khi đó nghệ sỹ nhạc cổ điển của Việt Nam còn rất nhiều, rất chuyên nghiệp và chất lượng. Cho tới giờ thì cứ mất dần, vì sao thì chắc ai cũng hiểu. Để mưu sinh bằng âm nhạc giao hưởng cổ điển thì quả thực là khó quá, không đủ để nuôi bản thân chứ chưa nói tới nhu cầu của gia đình”.

Nhạc sĩ Thiều Hoa đã nói với niềm vui như không dừng được khi thấy Sun Symphony Orchestra được tạo dựng, được bảo trợ dài lâu

65 tuổi, già nửa cuộc đời đã cống hiến cho thể loại âm nhạc hàn lâm, người nghệ sỹ ưu tú như ông vẫn trăn trở, vẫn xót xa, bởi: “Tôi biết có nhiều nghệ sỹ violin rất xuất sắc đã phải bỏ nghề để đi làm đàn, có những nghệ sỹ khác may mắn hơn thì bỏ xứ để ra nước ngoài mới mong theo nghề”.

Thế nên, ông đã nói với niềm vui như không dừng được khi thấy Sun Symphony Orchestra được tạo dựng, được bảo trợ dài lâu: “Đây là sự kiện mà tôi mong ước và hôm nay đã trở thành sự thật. Với sự tuyển chọn công khai, minh bạch của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, tôi thiết nghĩ các dàn nhạc hiện nay sẽ có sự cạnh tranh công bằng và hấp dẫn. Sự bảo trợ thiết thực và có ý nghĩa này của Tập đoàn Sun Group sẽ giúp các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội theo đuổi tiếp giấc mơ giao hưởng và những tài năng trước đây từng phải xa quê hương để duy trì ước mơ nghề có thể trở về Việt Nam”.

Nuôi dưỡng khán giả cho giao hưởng

Cái khó của nhạc giao hưởng cũng một phần là bởi nó kén khán giả. Thể loại âm nhạc từ lâu đã gắn với những từ không mấy gần gũi, dễ nghe như “nhạc bác học”, “nhạc hàn lâm”… này từng chỉ dành cho… giới quý tộc. Thế nên, sự “khó sống với nghề” của người nghệ sỹ âu cũng dễ hiểu, khi có những buổi hòa nhạc trống vắng cả hàng ghế khách mời.

PGS.TS- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam đặt kỳ vọng vào sự ra đời của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời

Trăn trở, bởi thế hệ những khán giả cũ đã và đang ít dần, PGS.TS- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam đã đặt kỳ vọng vào sự ra đời của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời: “Dàn nhạc hãy dành thời gian tới các trường học để giới thiệu cho các bạn học sinh về những nhạc cụ, những phần nho nhỏ về âm nhạc cổ điển thì trong tương lai chính khán giả trẻ sẽ cùng chúng ta nuôi dưỡng thế giới âm nhạc kinh điển”.

Nuôi dưỡng khán giả cho giao hưởng là việc vô cùng quan trọng thứ hai sau gây dựng một dàn nhạc và tổ chức những buổi hòa nhạc chất lượng. Đó cũng là điều mà nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân kỳ vọng ở Sun Symphony Orchestra: “Thế hệ chúng tôi có thể không được thưởng thức nhiều đêm nhạc kinh điển nữa nhưng hy vọng thế hệ con, cháu chúng ta sẽ tung tăng tới nhà hát với niềm hào hứng và biết đâu sẽ có lúc coi đó là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống của công dân Việt Nam tương lai”. Và kỳ vọng của ông hoàn toàn có cơ sở, khi ông biết Sun Symphony Orchestra cũng đang ấp ủ ước mơ mang âm nhạc bác học đến học đường và công chúng phổ thông.

Trở thành điểm tựa cho nhạc hàn lâm

Greg Sandow - nhà phê bình âm nhạc của New York Times từng nói trong buổi giao lưu với khán giả Việt về nhạc giao hưởng: “Ngay cả ở Mỹ, để tổ chức cho dàn nhạc biểu diễn thì chi phí vô cùng tốn kém, lại còn ngày một bị cắt giảm đi”.

Vậy mà khi Sun Symphony Orchestra ra đời, một doanh nghiệp như Sun Group đã sẵn sàng “bảo trợ phi lợi nhuận”, cam kết đi đường dài với dàn nhạc. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã nói trước Hội đồng điều hành của dàn nhạc: “Tôi thấy đây là một quyết định quá dũng cảm trong một thời đại mà cơn bão văn hóa đang tạo nên những làn sóng rất mạnh trong tất cả các lĩnh vực”. Ông thậm chí ví Sun Group như một “bà đỡ” phúc hậu và có tầm nhìn khi đã dự định xây dựng một “ngôi nhà vững chãi” cho những đứa trẻ của mình, đó là một nhà hát cho các nghệ sĩ biểu diễn.

MC Vũ Anh Tuấn, Giám đốc điều hành của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra

Với sự bảo trợ lâu dài của Sun Group, dàn nhạc đã mời các giám khảo quốc tế dày dặn kinh nghiệm để tuyển chọn nhân tài, đã chọn một nhạc trưởng Pháp có tiếng như Olivier Ochanine về làm giám đốc âm nhạc, và cũng định hướng đưa Sun Symphony trở thành dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam. Tương lai, sẽ có một nhà hát quy mô quốc tế cho dàn nhạc. Thu nhập tốt và ổn định, Sun Symphony Orchestra đang đem đến cho nghệ sỹ nhạc cổ điển Việt Nam những cơ hội mà chính Giám đốc điều hành của dàn nhạc, anh Vũ Anh Tuấn, cũng phải thừa nhận: “Quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công của dàn nhạc là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí không dám mơ đến”.

Phát biểu tại buổi ra mắt Hội đồng điều hành Sun Symphony Orchestra, Giám đốc âm nhạc Olivier Ochanine đã tin tưởng: “Chúng ta sẽ ghi tên Việt Nam vào bản đồ nhạc giao hưởng thế giới. Đây là cơ hội để chúng tôi thực hiện giấc mơ khi mà thế giới hiện nay đã chứng kiến sự đóng cửa của nhiều dàn nhạc giao hưởng”.

Olivier Ochanine nói lên điều này cũng bởi ông tin vào một tương lai sáng lạn của Sun Symphony Orchestra, với sự bảo trợ của một tập đoàn uy tín, với những kế hoạch đường dài mà dàn nhạc đang hướng đến.

Anh Kiệt

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/sun-symphony-orchestra-viet-tiep-giac-mo-giao-huong-d228978.html