Sui gia hòa thuận sẽ là điểm tựa vững chắc cho con cái

Sui gia là một mối quan hệ đặc biệt trong xã hội. Ông bà ta đúc kết: 'Bà con ngày một xa/Sui gia ngày một gần'.

Nam và Uyên là một đôi. Hai bạn yêu nhau được ba năm. Gia đình hai bên đã bước tới và chỉ chờ ngày cử hành hôn lễ. Nhưng gần đến ngày cưới thì hai bên xảy ra lục đục.

Hôm thì vừa đi làm về, Nam tỏ vẻ âu sầu nói với mẹ: “Hôm qua, mẹ tặng trái cây cho nhà Uyên sao không xem kỹ, mẹ Uyên nói mẹ biếu trái cây cũ, trong đó có mấy trái bị hư, như vậy là không tôn trọng gia đình người ta!”.

“Mẹ đâu biết, người bán gói sẵn trong giỏ, mẹ cứ thế mà mua. Mẹ nào có ý gì đâu mà suy nghĩ sâu xa vậy con?”.

Hôm thì Nam than trách: “Mẹ Uyên nói là mẹ cư xử như vậy là chạm tự ái bà lắm. Tại sao mẹ lại bỏ về khi người ta có lòng mời cơm mẹ”.

“Thì mẹ bận việc, phải về giải quyết chứ con! Không lẽ vì nể nang họ mà hỏng việc của mẹ”.

Về phía Uyên cũng không khác gì. Có hôm quyên trách Nam: “Ba em nói, Anh lúc nào cũng nghe lời mẹ anh thì sau này sẽ khó cho em”.

Có hôm Quyên ái ngại: “Mẹ em bảo, mẹ anh khó tính quá nên sợ em về làm dâu không nổi”.

 Những trục trặc của “hai họ” ban đầu, nếu có cũng là chuyện đương nhiên vì sự khác biệt về hoàn cảnh, lối sống của hai gia đình (ảnh minh họa)

Những trục trặc của “hai họ” ban đầu, nếu có cũng là chuyện đương nhiên vì sự khác biệt về hoàn cảnh, lối sống của hai gia đình (ảnh minh họa)

Lời qua tiếng lại dây dưa, rốt cuộc chuyện cưới xin đành tạm hoãn.Thấy hai bà mẹ nóng giận, Nam và Uyên im re, án binh bất động, không dám bàn gì tiếp.

Câu chuyện trên cho thấy, sở dĩ hai bà mẹ nảy sinh mâu thuẫn, không vừa lòng nhau, cũng chỉ vì hai người con đã cư xử không khéo. Chuyện gì Nam và Uyên cũng thành thật kể hết cho mẹ nghe. Làm thế chẳng khác nào cung cấp thông tin tiêu cực để tình hình thêm rối ren, hai bà mẹ có cớ để không hài lòng nhau, sinh ra mâu thuẫn. Đành rằng thành thật là tốt nhưng phải biết nói đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, đúng người.

Xưa nay, đôi trẻ yêu nhau, “tâm đầu, ý hợp”, không có nghĩa là hai bên gia đình cũng “ý hợp, tâm đầu” theo. Yêu nhau không phải chuyện gì cũng báo cáo, tấu trình với cha mẹ mà phải biết chuyện gì nên nói, chuyện gì nên khoan. Như thế không phải là che giấu, thiếu thành thật.

Khi hai bên gia đình quan hệ còn mới mẻ, chưa hiểu hết ý nhau thì hai bạn phải biết cách truyền đạt thông tin một cách khéo léo để kết nối, dung hòa tình cảm. Nếu thấy gay gắt, mâu thuẫn thì khoan nói, mà chờ thời gian hoặc tự tìm cách giải quyết. Chuyện gì cũng kể cho cha mẹ nghe, hay cha mẹ nói gì cũng kể hết cho người yêu nghe, nhiều trường hợp xảy ra những chuyện dở khóc dở cười, thậm chí hôn nhân đành đổ vỡ.

Những trục trặc của “hai họ” ban đầu, nếu có cũng là chuyện đương nhiên vì sự khác biệt về hoàn cảnh, lối sống của hai gia đình. Tuy nhiên, sau này khi cưới nhau, quan trọng là hai bạn sẽ sống chung với nhau, phải biết điều chỉnh cuộc sống riêng của mình để hòa hợp với người bạn đời, sao cho hạnh phúc bền lâu, chứ sui gia nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm. Một năm chỉ gặp mặt chừng hai, ba lần nhân dịp lễ, tết…

Sui gia mà thuận thảo, vui vẻ thì con cái cũng thuận lợi, hạnh phúc.

Nói là nói vậy chứ trong thực tế, sui gia mà thuận thảo, vui vẻ thì con cái cũng thuận lợi, hạnh phúc. Còn không cũng sinh ra khó xử. Sui gia hòa thuận sẽ là điểm tựa vững chắc cho con cháu sau này.

Không riêng gì quan hệ sui gia, bất cứ mối quan hệ nào trong cuộc sống cũng cần tạo sự thích nghi, gắn kết tốt, cần bình tĩnh, nhường nhịn, không chấp nhất, bắt lỗi, gây khó xử và tạo không khí bất hòa, trong đó phải kể đến vai trò trung gian của hai bạn trẻ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/sui-gia-hoa-thuan-se-la-diem-tua-vung-chac-cho-con-cai-161438.html