Sudico và “của để dành” nghìn tỷ!

Bằng việc khởi động lại những dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" từ nhiều năm trước, Sudico kỳ vọng lấy lại vị thế "ông lớn" trong ngành bất động sản Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, 2015 là một năm khá thành công đối với CTCP Đầu tư Phát trển Đô thị và KCN Sông Đà ( Sudico - mã SJS ) khi công ty chính thức xóa được lỗ lũy kế và còn để dư ra được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 60 tỷ đồng.

Số tiền này dự kiến sẽ được công ty sử dụng để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Sudico trả cổ tức cho cổ đông.

"Cứu cánh" từ Nam An Khánh !

Ban lãnh đạo Sudico cho biết, doanh thu trong năm 2015 chủ yếu đến từ hai dự án chính là Văn La, Văn Khê và dự án Nam An Khánh, trong đó, Nam An Khánh chiếm phần lớn nhất trong tỷ trọng doanh thu.

Dự án có tổng diện tích 250 ha, đã hoàn thiện cơ bản phần hạ tầng của dự án, hoàn thành xử lý hệ thống nước, điện. Sang năm 2016-2017, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải để phục vụ cho dân cư. Đây cũng chính là nguồn doanh thu chính của công ty trong năm 2016-2017 này.

Một điểm đáng chú ý, dự án này đã bắt đầu được khởi động từ hơn chục năm trước, từng được ví như thiên đường cuộc sống với các biệt thự kiểu Ý truyền thống, mang đến một phong cách đẳng cấp, quý phái. Các căn biệt thự tại đây từng được chào bán với giá cao ngất ngưởng 50-60 triệu đồng/m2.

Dự kiến hoàn thành vào năm 2009, tuy nhiên, do thị trường bất động sản giai đoạn 2008-2009 bắt đầu lao dốc, chủ đầu tư gặp khó khiến dự án "đắp chiếu" trong một thời gian dài.

Để có tiền khởi động lại dự án, đến cuối năm 2014, Sudico đã phải bán một phần dự án Nam An Khánh cho CTCP Phát triển dự án Techcom Developer.

Theo đó, tổng diện tích đất chuyển nhượng khoảng 8,9ha với giá chuyển nhượng tạm tính tối đa hơn 1.200 tỷ đồng.

Hình ảnh mới nhất của dự án. Nguồn: Sudico

Ngoài ra, "ông lớn" bất động sản này cũng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Sudico, trong năm 2016 và 2017, dự kiến Sudico và đối tác sẽ hoàn thiện hạ tầng để cư dân có thể về sống tại đây, từ đó, có thể điều chỉnh nâng giá bán.

Tiến Xuân, Hòa Hải - "của để dành" nghìn tỷ

Có thể nói, dự án Nam An Khánh chính là "nồi cơm" của Sudico trong 2015, 2016 và 2017. Vậy sau Nam An Khánh, đâu sẽ là nguồn sống cho Sudico?

Chia sẻ với phóng viên BizLIVE, ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, trong kế hoạch phát triển đến năm 2020 - 2025, Sudico đã có nước cờ mới.

"Ngoài dự án Nam An Khánh, thì đích của Sudico trong những năm tới chính là dự án Tiến Xuân. Dự án này đã được Chính phủ và UBND thành phố phê duyệt, hiện giờ chúng tôi chỉ chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể bắt tay khởi động dự án. Đây chính là dự án nuôi sống của Sudico trong 20 năm tới", ông Hùng nhấn mạnh.

Được biết, dự án này có quy mô 1.400 ha với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, nằm ở huyện Lương Sơn,Thành phố Hòa Bình. Theo Quy hoạch, dự án Khu đô thị Tiến Xuân bao gồm các hạng mục biệt thự, nhà vườn, chung cư, khu vui chơi, giải trí, thể thao và trung tâm mua sắm.

Sudico công bố dự án chính thức xây dựng từ năm 2007, và dự kiến đến năm 2016, những công trình trên 1.400 ha đất này sẽ được hoàn thành.

Tuy nhiên, cũng như Nam An Khánh, dự án này đã bị "bỏ quên" trong một thời gian khá dài khi chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, thay vì cắt băng khánh thành như dự kiến ban đầu, Ban lãnh đạo công ty cho biết, vẫn đang triển khai công tác lập quy hoạch 1/500 dự án.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Sudico, trong thời gian tới, công ty sẽ khởi động lại một loạt các dự án khác, trong đó có dự án Hòa Hải - Đà Nẵng. Với tổng diện tích 120.378 m2, đây là dự án Sudico nhận chuyển nhượng từ năm 2010 với mục đích đầu tư xây dựng khách sạn, căn hộ, biệt thự cao cấp.

Tuy nhiên, do việc kinh doanh của công ty trong thời kỳ này liên tục lao dốc, công ty không có vốn để triển khai dự án.

Trong năm 2013, Sudico cũng đã từng lên phương án bán dự án này nhằm thu về khoảng 1.000 tỷ đồng để trả các khoản nợ.

Mặc dù vậy, tình hình khó khăn chung của thị trường khiến công ty gặp khó khăn trong việc tìm đối tác phù hợp.

Tuy vậy, theo chia sẻ của Chủ tịch Sudico, hiện nay thị trường bất động sản Đà Nẵng đang được quan tâm bởi rất nhiều đối tác nước ngoài trong khi điều kiện của công ty cũng đã có nhiều cải thiện. Theo đó, dự án của Sudico sẽ được quy hoạch lại để phù hợp với tình hình hiện tại, chia nhỏ dự án thành các tiểu dự án và đưa vào kinh doanh trong năm 2016, 2017 và 2018.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2015 của công ty, dự án có giá gốc là hơn 1.108 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi tính đến cuối năm 2015 là gần 812 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo, toàn bộ quyền khai thác, lợi ích và quyền khác phát sinh trong tương lai đối với các lô đất thuộc dự án Hòa Hải đã được thế chấp cho khoản vay với ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam.

Một dự án "của để dành" nữa của Sudico nằm trong Long Thành. Đây là dự án trước kia Sudico đầu tư rất lớn, tuy nhiên, sau đó do tình hình chung đi xuống, nên công ty phải dừng lại.

Tuy nhiên, hiện nay sân bay Long Thành đã được Chính phủ thông qua triển khai nên dự án này cũng sẽ được khởi động lại. Tất nhiên, sự khởi động này cũng phải đi theo một lộ trình dài và đưa vào chiến lược trong 5 năm tới của công ty.

Thay cho lời kết, xin mượn câu thành ngữ "Đường dài mới biết ngựa hay". Liệu Sudico có đủ sức vực dậy Tiến Xuân, Hòa Hải để có những Nam An Khánh thứ hai, thứ ba?

Một loạt động thái tái cấu trúc doanh nghiệp và dự án đang được thực thi có đủ để tập đoàn này lấy lại vị thế là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất làng bất động sản Việt Nam?

Thời gian sẽ mang đến câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi này.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/sudico-va-cua-de-danh-nghin-ty-1682215.html