Sức tàn phá về kinh tế của virus corona sẽ khốc liệt hơn SARS

Theo nhận định của tờ The Straits Times, ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra sẽ tồi tệ hơn so với Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003.

Virus corona sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: Btimesonline)

Chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh

Ảnh hưởng kinh tế của nạn dịch này đã và đang được cảm nhận. Thứ nhất, với bản thân Trung Quốc, nơi thường chi tiêu mạnh trong dịp Năm Mới, mức chi tiêu tiêu dùng của người dân đã giảm mạnh khi hàng chục triệu người cố thủ trong nhà, tránh đi ra ngoài.

Theo nhiều báo cáo, các nhà hàng, trung tâm mua sắm, trung tâm vui chơi giải trí và các công viên chủ đề vốn tấp nập nhộn nhịp thì giờ đây vắng ngắt – không chỉ ở Vũ Hán và những ở nơi khác của tỉnh Hồ Bắc, mà còn cả ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Vì vậy, chi tiêu tiêu dùng chịu tổn thất lớn từ cuộc khủng hoảng này. Ảnh hưởng này cũng đã xảy ra trong nạn dịch SARS, nhưng lần này tác động kinh tế có khả năng lớn hơn.

Năm 2003, đóng góp của chi tiêu tiêu dùng vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 35%. Năm 2018, con số này tăng lên 76% khi Trung Quốc chuyển khỏi mô hình tăng trưởng do đầu tư dẫn dắt.

Du lịch thất thu

Du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng giảm hẳn. Các khách sạn, hãng hàng không, sòng bạc và các công ty lữ hành đều thông báo sự giảm mạnh trong kinh doanh. Những điểm đến bị tác động mạnh mẽ nhất của dịch bệnh này là các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Hong Kong, Macau (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… những nơi là địa điểm du lịch yêu thích của du khách Trung Quốc.

Ngành du lịch của Trung Quốc cũng thất thu nghiêm trọng. Tác động về kinh tế vì thế cũng sẽ lớn hơn so với dịch SARS bởi quy mô ngành này đã lớn gấp đôi so với năm 2003, đóng góp khoảng 5% GDP. Giờ đây, số lượng khách du lịch hàng không đã tăng gần 10 lần và du lịch đường sắt cũng tăng mạnh.

Đòn giáng mạnh vào GDP

Việc GDP của Trung Quốc giảm bao nhiêu phần trăm sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh và phản ứng của người tiêu dùng. Hãng Standard & Poor's đánh giá, nếu chi tiêu tiêu dùng tùy theo tình hình thực tế giảm 10% thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm 1,2 điểm phần trăm. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chậm lại và chỉ đạt mức 6,1% vào năm 2019 – mức thấp nhất trong 29 năm qua.

Với tình trạng sản xuất đình đốn tại Vũ Hán – Trung tâm chế tạo, sản xuất ô tô, cơ sở cho hơn 200 công ty đa quốc gia và một số thành phố khác sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động đến các nhà sản xuất ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Á.

Tác động cũng sẽ lớn hơn so với dịch SARS năm 2003, khi đó tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt khoảng 10%. Nó cũng sẽ có tác động toàn cầu lớn hơn, bởi Trung Quốc giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tăng gấp hơn 8 lần kể từ năm 2003), là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế châu Á một số nước ở khu vực Mỹ Latin và châu Phi và là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Những lo ngại về tăng trưởng cũng đã bắt đầu lan sang các thị trường tài chính, nơi mà các chỉ số thị trường chứng khoán lớn đã giảm xuống trong những ngày gần đây do lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát của dịch bệnh, giá dầu cũng đã giảm nhẹ và những tài sản đầu tư an toàn như vàng, đồng Yên Nhật và đồng Franc Thụy Sĩ đã phục hồi.

Ngược lại, tác động của dịch bệnh SARS đối với thị trường tài chính phần lớn chỉ được xác định ở châu Á.

Những tác động khó lường

Giống như dịch SARS, dịch bệnh do virus corona Vũ Hán cuối cùng sẽ qua đi. Nhưng câu hỏi lớn ở đây là mức độ nghiêm trọng của nó sẽ như thế nào và con số thiệt hại chính thức sẽ là bao nhiêu.

Điều này sẽ phụ thuộc vào không chỉ quy mô, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của cả chính quyền lẫn người dân đối với dịch bệnh.

Các chuyên gia về y tế cộng đồng, trong đó có những người đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ rõ rằng, bất chấp một số do dự ban đầu như dịch bệnh SARS, Trung Quốc đã hành động tích cực để tìm cách kiềm chế sự lây lan của virus, áp đặt phong tỏa các thành phố, huy động các nguồn lực nhằm mở rộng các cơ sở y tế, mở các chiến dịch tuyên truyền giáo dục trong dân chúng và chia sẻ dữ liệu với quốc tế.

Ngành du lịch được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do virus corona. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lo ngại về tính chính xác của thông tin được các nhà chức trách Trung Quốc cung cấp khi những báo cáo từ thực địa có thể bị bưng bít.

Những người khác cũng thận trọng cho rằng, những hành động ngăn chặn dịch như phong tỏa toàn thành phố có thể có hiệu quả hạn chế khi hàng triệu người đã đi xa khỏi nguồn dịch.

Số lượng các thành phố mà Trung Quốc có thể đóng cửa cũng có giới hạn để không gây ra sự tê liệt quốc gia. Đóng cửa thành phố sẽ dẫn đến phí tổn lớn, làm cho việc tiếp cận với chăm sóc y tế trở nên khó khăn và gây ra gánh nặng lớn cho người dân.

Giáo sư Howard Markel thuộc trường Đại học Michigan (Mỹ) đã chỉ rõ trong một bài bình luận trên tờ New York Times: “Với virus corona Vũ Hán, như với các dịch bệnh khác trong quá khứ, các biện pháp cách ly kiểm dịch có thể là quá muộn”.

Cho tới nay, WHO vẫn chưa tuyên bố virus corona Vũ Hán là “mối lo ngại khẩn cấp quốc tế đối với sức khỏe cộng đồng” – điều có thể yêu cầu một phản ứng phối hợp của quốc tế. Tuy nhiên, giờ có thể là lúc phải thay đổi quan điểm này.

Mai Ly

(theo The Strait Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-tan-pha-ve-kinh-te-cua-virus-corona-se-khoc-liet-hon-sars-108580.html