Sức tàn phá của 'cơn bão'

'Siêu bão' Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế châu Phi, khu vực có nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang từng bước được mở cửa trở lại, các chuyên gia khu vực và thế giới cảnh báo về một sự thận trọng để châu Phi đưa ra chiến lược dỡ bỏ phong tỏa phù hợp, cũng như kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để 'lục địa đen' có thể giảm thiệt hại sau những 'cú sốc' kinh tế.

“Siêu bão” Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế châu Phi, khu vực có nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang từng bước được mở cửa trở lại, các chuyên gia khu vực và thế giới cảnh báo về một sự thận trọng để châu Phi đưa ra chiến lược dỡ bỏ phong tỏa phù hợp, cũng như kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để “lục địa đen” có thể giảm thiệt hại sau những “cú sốc” kinh tế.

Báo cáo mang tên “Covid-19: Chiến lược dỡ bỏ phong tỏa tại châu Phi” do Ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) đưa ra mới đây ước tính, việc các nước châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa đang khiến châu lục này mất 2,5% GDP mỗi tháng, tương đương 65,7 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại từ tình trạng giá hàng hóa xuống thấp và sự gián đoạn của các dòng vốn đầu tư. ECA cũng đưa ra bảy đề xuất giúp các nước châu Phi từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm dần khôi phục các hoạt động kinh tế, trong khi vẫn bảo đảm ứng phó hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Đó là những đề xuất được chắt lọc từ kinh nghiệm của các nước và khu vực trên thế giới.

Mặc dù tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại châu Phi chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục cảnh báo rằng, châu Phi rất dễ bị tổn thương nếu đại dịch bùng phát tại đây bởi hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, cũng như tỷ lệ nghèo đói cao, giao tranh và xung đột tiếp diễn tại nhiều khu vực. Sức tàn phá của “siêu bão” Covid-19 đối với châu Phi mạnh hơn nhiều các khu vực khác bởi nó không chỉ để lại những hậu quả về y tế mà còn cả tình trạng mất an ninh, bất ổn xã hội. Người lao động nghèo ở châu Phi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Họ không chỉ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh do thiếu khả năng phòng chống mà còn có nguy cơ mất việc làm. Những đối tượng nghèo cùng cực thậm chí đối mặt nạn đói nghiêm trọng khi khoảng 45 triệu người châu Phi phải trông chờ vào viện trợ lương thực khẩn cấp.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, châu Phi đang bên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Báo cáo triển vọng kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh, vùng nam sa mạc Sahara của châu Phi phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có. Tổng Giám đốc IMF K.Georgieva cho rằng, sự suy thoái mọi mặt chưa từng thấy đang xảy ra ở châu Phi. Nhiều khả năng châu lục này sẽ hứng chịu sự suy giảm từ âm 2% đến âm 5% GDP trong năm nay, so với mức tăng trưởng 3,2% dự kiến trước đại dịch. Đây là điều chưa từng xuất hiện ở “lục địa đen” trong 25 năm qua, đe dọa đảo ngược tiến trình phát triển của châu lục. Thư ký điều hành của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi V.Xông-uy cảnh báo, do sự gia tăng của dân số châu lục, tăng trưởng bằng không sẽ làm phát sinh thêm gần 50 triệu người nghèo.

Trong xu thế tập trung tái thiết nền kinh tế thế giới, châu Phi cũng đang thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa để đối phó khủng hoảng. Tân Đặc phái viên của Liên minh châu Phi A.Ben-khan-pha cho rằng, tổ chức này đang tiến lên nhưng các nước cần phải song hành cùng nhau thì mới có được sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở cấp độ khu vực. Chỉ bằng cách này châu Phi mới tạo ra được các nền kinh tế lớn đủ khả năng đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay và nhận được sự tin tưởng của WB cũng như IMF trong việc cung cấp tài chính. Tuy nhiên, việc chỉ trông đợi vào nguồn viện trợ từ bên ngoài sẽ khiến châu Phi bị động rất nhiều, trong bối cảnh hiện nay, nguồn ngân quỹ từ WHO, IMF hay WB đều phải chia sẻ và phân phối cho rất nhiều nơi bởi dịch Covid-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, theo ước tính của WHO, nếu không sớm tìm cách ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh, số ca nhiễm ở châu Phi có thể tăng vọt lên 10 triệu người trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới và ít nhất 300.000 người chết. Nếu “kịch bản tồi tệ” như vậy xảy ra, sẽ có thể thêm hàng chục triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với những hậu quả thảm khốc kéo dài.

Các nước châu Phi đang bàn thảo các kế hoạch nhằm đối phó những hậu quả mà dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, ngoài việc các nước cần đưa ra những quyết sách mạnh mẽ và hành động quyết liệt, châu lục này cũng cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có sự “vào cuộc” mạnh mẽ hơn của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới và khu vực.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44447802-suc-tan-pha-cua-%E2%80%9Ccon-bao%E2%80%9D.html