'Sức sống xanh' của người phụ nữ khuyết tật

Từng là một người khỏe mạnh bình thường với tổ ấm hạnh phúc bên hai đứa con. Chị Lương Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1972) trú tại thôn Ninh Cầm, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, từng có một công ty về nội thất, dịch vụ xây dựng đang rất phát triển. Thế nhưng, bước ngoặt trong cuộc đời đã làm thay đổi mọi thứ với chị vào năm 2014 khi bị tai nạn. Vượt lên số phận, chị đã thành lập Hợp tác xã Sức sống xanh, giúp những người khuyết tật cùng cảnh ngộ vượt qua bệnh tật có việc làm và thu nhập.

Chị Nguyệt kể, khi tỉnh dậy trên giường bệnh và biết cú ngã khiến mình bị liệt nửa người, chị có cảm giác cuộc đời chị đã chấm hết. "Khi bác sĩ thông báo cơ hội sức khỏe còn rất ít, chỉ được 30% và phải gắn với chiếc xe lăn suốt cuộc đời, tôi chỉ nghĩ tới các cách làm sao để mình chết. Lúc ở bệnh viện, có nhiều người giống mình, mình vẫn chưa nghĩ điều này. Nhưng khi về đến nhà chỉ còn có một mình mình, trong đầu chỉ nghĩ chết thôi", chị Nguyệt chia sẻ.

Để vượt qua một giai đoạn như vậy với chị Nguyệt là một quãng thời gian vô cùng vất vả. Lúc ấy, thứ duy nhất níu chị lại với cuộc sống chính là cậu con trai đang học lớp 8 và cô con gái mới học lớp 4. Chị Nguyệt bảo: "Trở về từ bệnh viện, con gái có hỏi một câu "mẹ còn có cái quần nhỏ để mặc không cho con một cái". Câu nói đó đã thức tỉnh tôi, trách nhiệm của một người mẹ còn rất là lớn. Nếu không có mẹ, con sẽ hỏi ai những điều như thế.

Chị Lương Thị Minh Nguyệt đang hướng dẫn những người khuyết tật trong Hợp tác xã Sức sống xanh làm ra sản phẩm.

Chị Lương Thị Minh Nguyệt đang hướng dẫn những người khuyết tật trong Hợp tác xã Sức sống xanh làm ra sản phẩm.

Vậy là cố gắng sống, rồi tập dần với cuộc sống mà mình phải có. Khi ổn hơn, phải nghĩ là mình phải sống như thế nào vì đằng nào cũng sống. Vui cũng qua một ngày mà buồn cũng qua một ngày, nếu cứ buồn mãi sẽ ảnh hưởng đến con, không khí gia đình nặng nề. Yêu thương đó đã níu kéo mình lại. Bình ổn lại, tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống của người khuyết tật, tìm hiểu qua mạng rồi kết nối lại với bạn bè tìm sự động viên, giúp đỡ".

Sau 3 năm làm người khuyết tật, chị Lương Thị Minh Nguyệt đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người khuyết tật ở các nơi. Rồi chị bắt đầu tìm kiếm những người cùng cảnh huy động vốn, cùng tận dụng mảnh vườn rộng hơn 13.000m2 để nuôi cá và gà sau đó thuê người trông nom.

Chị Nguyệt tâm sự: "Thời điểm ban đầu, tôi mất trắng khi mà gà đến ngày bán thì bị dịch chết hết. Cá nuôi khi thu lên cũng chẳng thấy đâu. Tôi dường như sụp đổ một lần nữa khi mà khó khăn lại chồng chất khó khăn".

Mỗi người khuyết tật tại Hợp tác xã Sức sống xanh của chị Nguyệt đều tìm được công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình.

Từ thất bại đó, chị Nguyệt rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cuộc đời, đó chính là cần phải làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng bản thân. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, điện thoại là thứ bên cạnh và giúp chị quên đi nỗi đau. Chị nhận ra kinh doanh online là thứ phù hợp với sức khỏe của bản thân. Không chịu khuất phục trước khó khăn, chị Lương Thị Minh Nguyệt một lần nữa tập hợp những người bạn khuyết tật, cùng nhau bàn bạc và lựa chọn công việc phù hợp và thành lập Hợp tác xã Sức sống xanh.

Hợp tác xã thành lập tháng 10-2018 và bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2019. Sức sống xanh hoạt động theo mô hình sản xuất và thương mại với 21 ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, bán buôn, tham quan du lịch, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống... Sau 3 năm thành lập, hiện tại, hợp tác xã của chị có khoảng 50 thành viên bị chấn thương cột sống đồng hành, mỗi tháng thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Mọi người cùng có hệ thống nhập hàng từ các đơn vị có kiểm định về phân phối, gồm nông nghiệp sạch như trà, nấm… Hợp tác xã của bà chủ ngồi xe lăn ấy tuy nhỏ nhưng luôn ấm áp, tràn ngập tiếng cười. Họ sống lạc quan, luôn ý thức vượt lên số phận.

Những xã viên ở xa hay khó khăn trong việc đi lại được chị Lương Thị Minh Nguyệt tạo điều kiện nơi ăn chốn ở miễn phí tại hợp tác xã. Theo chị, việc những người khuyết tật ở lại cùng nhau trong hợp tác xã giúp họ gắn kết hơn, ngoài ra còn giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Những xã viên ở đây đều có chung một ý chí là vươn lên đề không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chị Nguyệt chia sẻ: "Để khởi nghiệp người khuyết tật cần hòa nhập vào cộng đồng trước tiên phải có niềm tin cho bản thân. Niềm tin cho bản thân tức là không dựa vào người thân, mình tự làm cho mình sẽ chia sẻ được với người khác. Muốn đi xa cần phải có đồng đội, cùng nhau đoàn kết mới thành công. Tìm được hướng đi cụ thể, phù hợp với dạng khuyết tật của mình. Nếu điểm xuất phát còn thấp, phụ nữ khuyết tật có thể chia sẻ và nhờ sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội người khuyết tật… để vay vốn, định hướng khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công ".

Trần Toản

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/suc-song-xanh-cua-nguoi-phu-nu-khuyet-tat-618042/