Sức sống thời đại và giá trị văn hóa trường tồn

Như một sự khởi đầu cho những mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã mở ra con đường mới, vận hội mới cho dân tộc. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới rằng, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời sau bao tháng năm đấu tranh gian khổ, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sự kiện mang tầm vóc thời đại

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công dẫn đến sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, đập tan ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Nước ta từ một xứ thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc ta được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành quốc gia có sức hút đầu tư ấn tượng; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuyên ngôn độc lập bất hủ ngày 2/9 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn độc lập 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ Tuyên ngôn độc lập 2/9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Suốt 74 năm qua, lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng mãi với sự kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do của Người không ngừng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày nay, đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo khủng bố, bạo loạn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi; đặc biệt là sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông và những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Ở trong nước, những thành quả đạt được trong những năm qua là rất quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Đặc biệt, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại, gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, mỗi chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực, tận dụng vận hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đấu tranh và đẩy lùi những biểu hiện sai trái, đi ngược với mục tiêu và lý tưởng dân tộc; đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.

Giá trị văn hóa trường tồn

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần quật khởi và trí tuệ Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhìn tổng thể, Cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị mà còn là một thắng lợi của văn hóa.

Nói theo tinh thần của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh và Đảng ta là đã huy động sức mạnh hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Sự nghiệp đó trả lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa Việt Nam và đó cũng là một sự nghiệp văn hóa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử và nền văn hóa của loài người”.

Có thể khẳng định không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cũng không thể có thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chính thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra một giá trị to lớn, trở thành khâu đột phá cho các thắng lợi tiếp theo.

Các nhà sử học đã từng nhấn mạnh, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp từ ba cuộc diễn tập 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Xét đến cùng, đó là thắng lợi của tổng hợp sức mạnh văn hóa, nó bao gồm sức mạnh văn hóa truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước và sức mạnh văn hóa dân tộc từ khi có ánh sáng văn hóa của Đảng.

Quá trình chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám chính là quá trình khơi nguồn và quy tụ sức mạnh văn hóa vốn tiềm ẩn lâu đời trong lịch sử dân tộc. Dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đem lại cho văn hóa truyền thống một tinh thần mới, một tầm cao mới, sức mạnh của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh văn hóa đó chứa đựng tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hóa và cách mạng, nhờ đó đem lại sự thành công cho Cách mạng Tháng Tám.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là ánh bình minh của dân tộc, mở ra trang sử mới của Việt Nam, mở đường cho văn hóa phát triển. Từ đây, nhân dân ta bắt tay xây dựng nền văn hóa mới theo phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng như Đề cương văn hóa 1943 đã chỉ dẫn

Minh Khánh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/suc-song-thoi-dai-va-gia-tri-van-hoa-truong-ton-d80419.html