Sức sống những bài ca về Tây Bắc

Một vùng đất bao la còn nhiều điều bí ẩn và cả những nét hoang sơ chưa được khám phá. Cảnh núi non hùng vĩ 'ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống' và 'dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm'.

Quê hương có Khu di tích lịch sử Đền Hùng-mảnh đất cội nguồn của dân tộc; có địa danh Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; có Tân Trào-thủ đô kháng chiến; có con sông Hồng chảy vào đất Việt; có “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát, chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”; có danh thắng Sa Pa, Tam Đảo lung linh huyền thoại; có Cột cờ Lũng Cú tung bay phấp phới trên địa đầu Tổ quốc, có miền trung du “tím đỏ đồi sim”, có hoa ban nở trắng rừng và cả những cánh đồng “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” vàng ươm, óng ả… Đó là bức tranh với đầy đủ gam màu đặc sắc thể hiện vẻ đẹp vừa hùng vĩ, linh thiêng, vừa kỳ thú, độc đáo của miền quê Tây Bắc.

Diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 2 thể hiện ca khúc "Tình ca Tây Bắc" trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Hiện diện trong bức tranh hài hòa ấy là nét đẹp đằm sâu của các nền văn hóa thuộc 34 dân tộc anh em, là ý thức tâm linh nguồn cội, là dòng chảy lặng lẽ của lịch sử truyền thống mấy ngàn năm. Tất cả hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên “nhựa sống” cho những âm hưởng lời ca được bay cao, vang xa mãi. Không phải ngẫu nhiên mà trong tập “Những bài ca đi cùng năm tháng của thế kỷ XX”, các bài hát về vùng quê Tây Bắc chiếm tỷ lệ khá ưu thế. Vì mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa này vốn rất có “duyên nợ” với thơ ca và mặt khác, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ cũng luôn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất, con người và cuộc sống ở nơi đầu nguồn đất nước thân yêu này.

Bài hát đầu tiên phải kể đến là “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận-một bản anh hùng ca bất tận về niềm vui chiến thắng vẻ vang không chỉ đối với quân dân Tây Bắc mà còn khắc đậm, in sâu trong lòng nhân dân Việt Nam. Bài ca “Chiến thắng Điện Biên” được dồn nén và thăng hoa là kết quả của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên một chiến thắng vang dội tới cả năm châu bốn biển. Tiết tấu nhịp đi hào hùng, sục sôi, âm điệu hoành tráng và lời ca rộn ràng như thúc giục đoàn quân tiếp tục ở tư thế tiến công để làm cho kẻ thù “mấy cũng phải tan”. Âm điệu bài hát này được chọn làm nhạc hiệu phát sóng chính thức của Đài Tiếng nói Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua và là một trong 10 bài hát truyền thống của Quân đội ta, đã “nằm lòng” trong trái tim của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Một bài hát được coi như “Quân khu ca” của LLVT Quân khu 2 là ca khúc “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành. Một phong cảnh “Núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao” như một bức họa về địa hình thiên nhiên rất ghập ghềnh, hiểm trở, nhưng với tinh thần, ý chí của những người lính thì mọi khó khăn, trở ngại ấy đều vượt qua. Đau thương từ quá khứ, được Đảng và Bác Hồ dẫn đường chỉ lối, quân dân Tây Bắc kề vai sát cánh bên nhau để “cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù” và góp sức “xây dựng nước non này” ngày càng tươi đẹp hơn. Điều thú vị là, hướng về Tây Bắc, nhớ về Tây Bắc và nghĩ về Tây Bắc, người dân Việt Nam, nhất là những người lính Tây Bắc luôn cất cao bài ca “Qua miền Tây Bắc” với niềm tin yêu thiết tha và lòng tự hào sâu sắc.

Nếu bài “Chiến thắng Điện Biên” và “Qua miền Tây Bắc” mang đậm âm hưởng anh hùng ca thì rất nhiều ca khúc khác về Tây Bắc lại lắng đọng những khúc tâm tình ngọt ngào, da diết, đằm thắm. Tiêu biểu cho âm điệu này là “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh-Cầm Giang, “Gửi em ở cuối sông Hồng” của Thuận Yến-Dương Soái, “Chiều biên giới” của Trần Trung-Lò Ngân Sủn, “Trước ngày hội bắn” của Trịnh Quý, “Inh lả ơi tôi nghe câu hát ấy” của Nguyễn Cường, “Sông Lô chiều cuối năm” của Minh Quang, “Chín bậc tình yêu” của An Thuyên-Nguyễn Văn An, “Thả chiều vào tranh” của Vũ Thanh-Đoàn Việt Bắc… Bên cạnh diễn tả những “nét đẹp chung” của miền Tây Bắc bao la, trù phú, nhiều ca khúc còn ca ngợi những địa danh cụ thể để làm sinh động thêm những bài ca về quê hương Tây Bắc như: “Người Châu Yên em bắn máy bay” của Trọng Loan, “Sa Pa thành phố trong sương” của Vĩnh Cát, “Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông” của Hồ Bắc-Chí Vượng, “Đoan Hùng yêu thương” của Thái Cơ, “Hà Giang quê tôi” của Thanh Phúc, “Thậm Thình” của Doãn Nho-Nguyễn Bùi Vợi… Hầu hết những ca khúc này được viết trên nền nhạc truyền thống của một số dân tộc trên địa bàn Tây Bắc và mang âm hưởng dân ca đậm nét, vì thế được công chúng nhớ tới và yêu thích. Ngoài ra, những bản trường ca hay nhất của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam không thể không nhắc đến “Sông Lô” của Văn Cao và “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận.

Vượt qua không gian và theo cùng năm tháng, những bài hát viết về vùng quê Tây Bắc đã, đang và sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để đồng bào và chiến sĩ trên mảnh đất thân yêu này gắn bó chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cũng nhờ những ca khúc đó, miền quê Tây Bắc trở nên hùng vĩ, tươi đẹp hơn và con người Tây Bắc đáng yêu hơn trong trái tim đồng bào cả nước, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc Việt Nam hiện đại.

ĐỨC THUẬN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/suc-song-nhung-bai-ca-ve-tay-bac-552236