Sức sống mới trên những vùng 'rốn lũ'

Những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi trở lại một số nơi mà cơn lũ lịch sử năm 2015 đã đi qua. Với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và người dân, đến nay vùng 'rốn lũ' xưa đã bị xóa sổ, thay vào đó là những khu tái định cư an toàn, khang trang với cuộc sống bình yên, no đủ.

Con đường kết nối giao thông của toàn xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) đang được đẩy nhanh thi công.

Con đường kết nối giao thông của toàn xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) đang được đẩy nhanh thi công.

Vùng đất đầu tiên chúng tôi đến là xã Bản Sen (huyện Vân Đồn). Trận lũ lịch sử ngày nào giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể. Thay vì nói về những mất mát, thiệt hại, chúng tôi được nghe người dân trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống mới, về các mô hình sản xuất, niềm vui, nụ cười hạnh phúc ở khu tái định cư.

Nhờ có các chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, cuối năm 2016, toàn bộ 27 hộ dân thôn Bản Sen được di chuyển khỏi vùng có nguy cơ mưa lũ, sạt lở. Trong đó có 22 hộ được chuyển tới khu tái định cư tại thôn Nà Sắn (xã Bản Sen) để ổn định cuộc sống, kèm theo những chính sách hỗ trợ về cấp đất, đầu tư điện, nước miễn phí..., mỗi hộ được nhận một mảnh đất từ 250-400m2, để làm nhà ở, trồng cây; 5 hộ còn lại chuyển đến các địa phương khác.

Dọc theo con đường xuyên đảo đang được nâng cấp, chúng tôi đến khu tái định cư ở thôn Nà Sắn. Khu vực này nằm trên ngọn đồi cao, gần biển, không lo bị ngập lụt do mưa lũ, thuận lợi cho người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Dưới những hàng keo lâu năm mọc xung quanh đồi, khu tái định cư khang trang, đẹp như tranh vẽ, với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, kiên cố nằm san sát nhau, chẳng kém gì một khu phố sầm uất.

Hộ bà Phạm Thị Đằng, khu tái định cư thôn Nà Sắn, giờ đã ổn định cuộc sống.

Đến thăm ngôi nhà rộng gần 200m2, nằm yên bình dưới tán lá bạch đàn của hộ bà Phạm Thị Đằng, chúng tôi được nghe bà kể câu chuyện về cuộc sống mới, về những niềm vui thật giản dị của người dân nơi đây. “Bây giờ chúng tôi yên tâm ăn no, ngủ kỹ rồi, không còn phải giật mình mỗi đêm vì sợ ngập lụt nữa. So với thôn cũ, điều kiện ở khu tái định cư tốt hơn, tiện cả trăm bề. Khu ở mới chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 1km, hạ tầng cơ sở đầy đủ; nơi đây cao ráo, không khí trong lành, cảnh quan đẹp, lại gần bến bãi, tiện cho bà con làm thêm nghề biển, học sinh đến trường… Đặc biệt, ở đây có sóng điện thoại, liên lạc thuận tiện, người dân sinh hoạt, làm việc dễ dàng hơn”.

Ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Người dân thôn Bản Sen giờ không còn phải lo lắng mỗi khi mưa lũ. Không chỉ sản xuất nông nghiệp như trước, hiện 90% số hộ dân ở khu tái định cư được vay vốn để nuôi trồng thủy sản; nhiều hộ đã liên kết đầu tư phát triển ngành nghề này. Mấy năm nay, bà con chủ yếu nuôi ngao và hàu, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao.

Con đường ở khu 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) được xây dựng khang trang, không còn ngập lụt như trước.

Tương tự như ở Bản Sen, vùng “rốn lũ” Mông Dương (TP Cẩm Phả) ngày nào, giờ cuộc sống của người dân đã bình yên. Ông Bùi Như Khuê, một trong số hộ dân tái định cư thuộc phường Mông Dương, phấn khởi nói: "Nhờ có chính sách di dân khỏi vùng lũ của chính quyền mà gia đình tôi ổn định cuộc sống. Với 150m2 đất được cấp, khoản hỗ trợ tái định cư và số tiền tiết kiệm của gia đình, vợ chồng tôi đã xây được ngôi nhà mới kiên cố hơn 100m2 này, không còn nỗi lo khi mưa bão đến. Vợ chồng tôi bán thêm hàng tạp hóa, sửa chữa đồ gia dụng, cuộc sống đã ổn định".

Đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 đã gây thiệt hại nặng nề cho 105 hộ dân các tổ 1, 2, 3, khu 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả). Ngay sau khi sự việc xảy ra, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với phường Mông Dương kiểm đếm, lên phương án chuyển các hộ đến nơi ở mới. Số tiền được chi trả cho các hộ dân là 97,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin.

Ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, cho biết: Đến nay, gần như tất cả 105 hộ phải di dời đã “an cư lạc nghiệp”. Đa phần họ trụ lại ở các khu phố khác của phường Mông Dương vì là công nhân của Công ty CP Than Mông Dương. Một vài người đến tuổi về hưu đã trở về quê, hoặc chuyển về các phường khu vực trung tâm TP Cẩm Phả ổn định cuộc sống.

Người dân thôn Khe Lẹ (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế ở khu tái định cư.

UBND tỉnh đã xây dựng Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, 2.106 hộ ở 12 địa phương trong tỉnh cần di dời (trừ Móng Cái, Quảng Yên), được thực hiện theo 3 giai đoạn: 2016; 2017-2018; 2019-2020. Tổng kinh phí thực hiện 2.173 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 1.566,32 tỷ đồng (72%), ngân sách tỉnh 243,05 tỷ đồng (11%), các đơn vị ngành Than 363 tỷ đồng (17%). Đến hết ngày 31/12/2018, toàn tỉnh hoàn thành 100% kế hoạch di dời, về đích sớm 2 năm. Các hộ dân sau khi di dời đã ổn định đời sống.

Để hoàn thành Đề án, các địa phương trong tỉnh đã tập trung rà soát, bổ sung, triển khai các dự án thoát nước; bổ sung, hoàn chỉnh các chỉ tiêu phát triển đô thị; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực hiện Đề án một cách sâu rộng, cụ thể đến từng hộ dân. Từ đó, giúp các hộ dân nhận thức được tầm quan trọng của Đề án, di dời là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Song song với đó là vận động người dân sau khi di dời không tái lấn chiếm khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, cũng như ngăn ngừa các hành vi trục lợi của người dân; cương quyết không hỗ trợ, bồi thường đối với các công trình xây dựng nhằm lợi dụng chính sách bồi thường để trục lợi.

Một số địa phương mặc dù còn nhiều khó khăn như Ba Chẽ, Bình Liêu..., đã rất tích cực triển khai Đề án, tự cân đối nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép với các nguồn vốn, chương trình khác của tỉnh (chương trình 135; chương trình bố trí, sắp xếp dân cư,...) hỗ trợ di dời các hộ dân di dời; đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

5 năm đã trôi qua, người dân ở những vùng “rốn lũ” đã ổn định cuộc sống. Với các cấp chính quyền, những kinh nghiệm ứng phó trong phòng, chống mưa lũ là bài học quý giá trước sự biến đổi bất thường của thời tiết, để trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn chủ động, sẵn sàng, bảo vệ sự an toàn và bình yên cho nhân dân.

Hoàng Quỳnh - Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/suc-song-moi-tren-nhung-vung-ron-lu-2497075/