Sức sống mới ở xã biên giới Dào San

Từng là một trong những xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Lai Châu, những năm gần đây, nhân dân ở xã Dào San, huyện Phong Thổ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, thay thế diện tích lúa, ngô bằng cây ăn quả, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, xóa đói giảm nghèo.

Anh Ma A Sèng, ở bản Xì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Thanh Hoa

Anh Ma A Sèng, ở bản Xì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Thanh Hoa

Dào San là xã vùng cao biên giới cách trung tâm huyện Phong Thổ 40km, có 13 bản với 1.661 hộ, 8.352 nhân khẩu, tập trung sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì..., trong đó có gần 40% là hộ nghèo. Với địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán của một bộ phận người dân còn lạc hậu, nhận thức còn hạn chế, việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Vào năm 2013, nhận thấy cây chuối tây sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con xã Dào San đã chủ động đầu tư kinh phí mua giống về trồng và mở rộng dần diện tích qua các năm. Với các gia đình có diện tích đất trồng rộng, bà con đã mạnh dạn trồng thêm đào lấy hoa, quả.

Bên cạnh đó, với bài toán giúp nhân dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai triển khai mô hình trồng thí điểm giống cây lê VH6 và BV1 với diện tích 1ha tại bản Xì Phài, xã Dào San. Trong đó, 3 hộ dân tham gia mô hình đều được hỗ trợ 100% giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phàn A Long, Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết, cây lê VH6 và BV1 có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng. Quá trình trồng, chăm sóc cây lê được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương với tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Năm 2014, khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ tiếp tục triển khai mô hình trồng mới 8,8ha lê thông qua Chương trình 30a, bà con ở 2 bản Xì Phài và Dềnh Sang đều hưởng ứng nhiệt tình.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1160-QĐ/HU ngày 18-10-2016 của Huyện ủy Phong Thổ về ban hành “Đề án Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ, giai đoạn 2016-2020”, 64 hộ dân trong xã thuộc các bản Dềnh Sang, Dền Thàng A, Dền Thàng B, Xì Phài tiếp tục trồng mới 30ha lê VH6 vào cuối năm 2019 thông qua Chương trình 30a, 135. Đến thời điểm hiện nay, toàn xã Dào San có 250,7ha cây ăn quả, hầu hết diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt 10,7 tấn/ha, sản lượng 2.521,99 tấn.

Trong đó, cây chuối chiếm diện tích lớn nhất trong số các loại cây ăn quả ở địa phương với 199,7ha, sản lượng đạt 2.276,4 tấn. Cây ăn quả đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa, giúp bà con tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất tự cung, tự cấp sang cung ứng hàng hóa ra thị trường. Từ đó, bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 19 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo của xã giảm nhanh, hiện còn 242 hộ (giảm 75 hộ nghèo so với năm 2018); hộ cận nghèo còn 412 hộ (giảm 82 hộ so với năm 2018).

Bản Xì Phài có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 99 hộ và 479 khẩu, phần lớn người dân trồng cây ăn quả. Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, anh Ma A Sèng kể: “Trước đây, toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình tôi chỉ trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Năm 2013, khi được các cán bộ khuyến khích chuyển đổi sang trồng lê, gia đình tôi mạnh dạn trồng 100 gốc. Được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, nên chỉ sau vài năm trồng, vườn lê của gia đình đã cho thu hoạch và đạt được giá trị kinh tế cao”.

Được biết, ngoài trồng lê, gia đình anh Sèng còn trồng 20 gốc đào ăn quả, gần 1ha chuối, 1,5ha lúa, 0,5ha ngô. Từ các nguồn thu, trung bình mỗi năm, gia đình anh Sèng thu nhập từ 50-60 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đủ để gia đình trang trải cuộc sống và tạo điều kiện cho các cháu ăn học.

Ngoài mô hình trồng lê của anh Ma A Sèng ở bản Xì Phài, tại bản Lèng Chư, xã Dào San, mô hình trồng cây dâu tây của anh Giàng A Chảo cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, anh Chảo cho biết, vườn dâu tây của anh rộng gần 5.000m2, nguồn giống chủ yếu lấy từ tỉnh Sơn La, có loại anh còn lấy cây giống từ Đà Lạt về trồng. Mỗi cây giống và công chăm sóc, anh mất khoảng 20.000 đến 30.000 đồng, mỗi vụ, thời gian cây ra quả trong vòng 3 tháng là có thể cho thu hoạch. Trừ các loại chi phí, một vụ, anh Giàng A Chảo thu về 70 đến 80 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về những mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Dào San, ông Phàn A Long cho biết thêm, trong thời gian tới, xã tiếp tục đánh giá hiệu quả cây ăn quả mang lại để nghiên cứu mở rộng thêm diện tích và hướng tới hình thành vùng sản xuất cây ăn quả ôn đới tập trung, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, những mô hình mới như trồng cây dâu tây, địa phương sẽ nhân rộng và tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển tối ưu nhất các loại cây trồng.

Bảo An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-moi-o-xa-bien-gioi-dao-san-post430279.html