Sức sống mới ở sân khấu phía Bắc

Gần đây, một số sân khấu xã hội hóa ở Thủ đô hoạt động khởi sắc, đem lại những tác phẩm tốt cho khán giả. Điều này cũng góp phần tạo hứng khởi cho các đơn vị sân khấu công lập đang từng bước trên đường tự chủ.

Thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ

 Cảnh trong vở Kim tử của sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: Gia Thuận

Cảnh trong vở Kim tử của sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: Gia Thuận

Nhiệt huyết và tình yêu

Sân khấu Lệ Ngọc được coi là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Ra mắt từ tháng 9-2016, là tâm huyết của Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc, hơn 2 năm qua sân khấu này đã từng bước khai mở hướng đi và đang đà phát triển. Họ cho ra mắt các tác phẩm kịch khá đa dạng, từ kịch thiếu nhi, kịch độc diễn, đến kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới và Việt Nam… Đáng chú ý gần đây là tác phẩm “Kim Tử” của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc) do đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng, vở “Thị Nở - Chí Phèo” chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao và vở “Tấm Cám” đang trên sàn tập. Nhiều vở diễn đã đoạt giải thưởng tại các liên hoan sân khấu quốc tế ở Trung Quốc, Singapore, Philippines, Hàn Quốc… Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc cho biết, sân khấu này gắn kết bằng tình yêu và nhiệt huyết, hoạt động bài bản với mục tiêu gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu kịch nghệ Việt Nam, tiếp lửa đam mê cho nghệ sĩ, quảng bá văn hóa Việt, nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ của khán giả.

Khán giả trẻ Thủ đô hơn một năm qua đã bắt đầu quen và thú vị với Đoàn kịch LucTeam do Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực sáng lập cùng các học trò xuất sắc từ Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Các vở “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu” với phương pháp biểu hiện ước lệ, đã thổi một luồng gió mới vào sân khấu kịch phía Bắc. Giống như Sân khấu Lệ Ngọc, dù chưa có điểm diễn cố định, nhưng LucTeam đi bất cứ đâu cũng được khán giả nồng nhiệt theo sát.

Cuối tháng 3 vừa qua, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt được ra mắt, dự định hoạt động ở cả hai miền Bắc và Nam. Đây là kết quả dũng cảm và lãng mạn của 3 tên tuổi: Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam; nghệ sĩ Quang Khải, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam và soạn giả Hoàng Song Việt - tác giả được “săn lùng” hàng đầu của sân khấu cải lương hiện nay. Cùng với các nghệ sĩ của hai miền Nam Bắc, như Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan, Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân, Nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Hà Như, Lệ Hằng…, họ nhiệt huyết xây dựng sân khấu cải lương theo cách của riêng mình và tự tin thu hút khán giả.

Thành công ở những tác phẩm kết hợp nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại như “Thầy Ba Đợi”, “Mê cung”, “Mai Hắc Đế”, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên xác định, cải cách là hướng đi của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt. Hiện sân khấu này đã lập kế hoạch xây dựng 3 tác phẩm: “Chuyện tình Khau Vai” (tác giả Nguyễn Thế Kỷ), “Đoạt hồn” (tác giả Nguyễn Toàn Thắng), “Lôi vũ” (tác giả Tào Ngu - Trung Quốc). Các vở diễn dự định sẽ ra mắt khán giả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lần lượt từ tháng 6.

Còn nhiều gian nan

Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân và nghệ sĩ Quang Khải sẽ tiếp tục kết hợp trong các tác phẩm của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt.

Thành lập một sân khấu xã hội hóa không khó, nhưng để tồn tại và có chỗ đứng trong đời sống lại rất gian nan. Ngay ở phía Nam, nơi khán giả nồng nhiệt và có thói quen mua vé xem kịch, hát, thì vẫn không ít sân khấu tư nhân “sớm nở tối tàn”. Trong số gần 30 mô hình sân khấu xã hội hóa ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ còn một số như Sân khấu Idecaf, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thế giới trẻ… là hoạt động thường xuyên. Để câu kéo khán giả, nhiều đơn vị đã dàn dựng những vở diễn lấy yếu tố giải trí làm hàng đầu, dần rời xa định hướng. Theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sân khấu phía Bắc còn thách thức hơn nhiều vì khán giả chưa có thói quen đến sân khấu, thích xem miễn phí hơn là bỏ tiền mua vé.

Là mô hình xã hội hóa, sân khấu nào cũng đứng trước “bài toán” kinh tế. Sân khấu Lệ Ngọc “chạy” được vào guồng như hiện nay có sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, song cũng xác định phải có chiến lược kinh doanh riêng. Để Đoàn kịch LucTeam đi vào hoạt động, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực phải bỏ tiền túi, đăng ký thành lập doanh nghiệp, dần cân đối thu - chi thông qua việc bán vé, ký kết hợp đồng biểu diễn với các đơn vị. Sân khấu Cải lương mới Đại Việt cũng tương tự, do 3 nghệ sĩ sáng lập góp vốn, có kế hoạch bán vé duy trì hoạt động. Khó khăn là thế nhưng các nghệ sĩ vẫn xác định làm nghề nghiêm khắc, không “chiều” khán giả quá đà. “Chỉ bằng cách tạo ra những tác phẩm tử tế, chất lượng mới được công chúng đón nhận và yêu thương. Chúng tôi sẽ cải cách nghệ thuật cải lương sao cho phù hợp với khán giả hiện đại, bắt theo xu hướng sân khấu tiên tiến thế giới, song vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị cốt yếu của cải lương”, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng, để hoạt động của sân khấu xã hội hóa hiệu quả và phát huy sức sáng tạo thì cần thành lập Quỹ hỗ trợ sân khấu, nhờ sự đóng góp của những người yêu nghệ thuật, doanh nghiệp mà nuôi nghệ thuật. Quỹ này phân bổ theo quy tắc dành cho dự án giá trị và hiệu quả không kể đơn vị công lập hay tư nhân... Những nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm say mê của các nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa phía Bắc đã và đang tạo nên một không khí mới cho sân khấu. Nhiều đơn vị công lập nhìn vào đó cũng sốt sắng hơn, quyết tâm trên con đường tự chủ của mình.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/931442/suc-song-moi-o-san-khau-phia-bac