Sức sống mới ở một vùng đất khó

Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) đã đồng lòng phát huy nội lực, hiến của, hiến công, tạo dựng nên một diện mạo tươi mới cho quê hương. Anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm tự hào: Khoảng 5 năm trở lại đây, Na Sàng không còn là vùng đất mang gắn với 2 từ khó và khổ. Thời đói chữ, thiếu cơm cũng đã qua, sức sống mới đã hiển hiện từng ngày trên vùng đất khó.

Chị Hoàng Thị Tùng mua bầu keo giống để trồng rừng vụ mới.

Chị Hoàng Thị Tùng mua bầu keo giống để trồng rừng vụ mới.

Trong ngôi nhà đẹp như tranh vẽ trên lũng núi, chị Lý Thị Pàng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Na Sàng mộc mạc: Nhà xây bằng tiền tích lũy do làm rừng, làm chè, làm ruộng và thỉnh thoảng đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Nhà chị Pàng có 5ha đất trồng rừng, 6 sào chè và 3 sào ruộng. Với 3 sào ruộng, chị cấy 2 vụ lúa, cho thu hoạch hơn 1 tấn/năm, nhờ vậy, gia đình có đủ gạo ăn quanh năm. Còn mấy sào chè của nhà chị Pàng 1 năm cho thu hái 8 lứa, chế biến được hơn 1 tấn chè búp khô, bán tại nhà được hơn 100 triệu đồng. 5ha rừng keo đã trồng được gần 5 năm cũng chuẩn bị cho thu hoạch.

Xóm Na Sàng có 29 hộ, 108 nhân khẩu. Hiện, hộ nghèo còn 7 hộ, chiếm 24%. Suốt mấy mươi năm về định canh, định cư, lớp cha trước, lớp con sau kế nhau khai phá, san bạt cải tạo. Chỗ đất dốc trồng rừng, chỗ thoải hơn trồng chè, chỗ thuận nước đắp bờ cải tạo làm ruộng cấy lúa. 3 cây nuôi sống người dân Na Sàng là lúa, chè và cây rừng. Hiện nay, bình quân mỗi hộ dân Na Sàng có 2ha rừng. Nhiều nhất là các hộ Hoàng Văn Phụng, Lý Văn Sinh và Hoàng Văn Nhình có gần 10ha. Những hộ trồng nhiều chè, có nhiều ruộng như hộ Lý Thị Lỵ có 8 sào chè, 8 sào ruộng; hộ Vương Thị Hương với 4 sào chè, 4 sào ruộng; hộ Hoàng Văn Bình có 3 sào ruộng và 6 sào chè… Một số hộ thiếu đất sản xuất cũng đã chủ động tìm đến các vùng lân cận để thuê đất sản xuất. Đặc biệt có hộ ông Lý Văn Trơ, nhờ thuê được đất phát triển sản xuất nên đã từng bước ổn định cuộc sống, đồng thời là hộ duy nhất ở xóm thoát nghèo trong năm 2020.

Ở Na Sàng hiện nay, tư duy sản xuất hàng hóa đã thay thế cho nếp cũ tự sản, tự tiêu. Theo đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào được xóa bỏ, tự vươn lên bằng cách tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; kiến thức thiết kế mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình và kỹ năng sử dụng tiền vốn hiệu quả. Chị Hoàng Thị Tùng chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 1 con bò nái sinh sản. Sau 3 năm, bò đẻ được 2 bê con, tôi chuyển nái mẹ cho hộ nghèo khác nuôi lấy vốn.

Nhà chị Tùng ở ngay sau nhà văn hóa xóm. Trong nhà có nhiều tiện nghi hiện đại như: Ti vi màn hình phẳng; tủ lạnh, nồi cơm điện. Vợ chồng chị mỗi người sắm cho mình 1 chiếc điện thoại thông minh để cập nhật tin tức mới. Anh Hoàng Văn Thanh, chồng chị Tùng cho biết: Nhờ Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất, năm 2016 gia đình tôi được công nhận thoát nghèo. Hiện, gia đình có 17ha rừng, trong đó có 14ha do hai vợ chồng làm lụng, tích lũy mua được, còn 3ha là của hồi môn cha mẹ cho.

Với đồng bào Na Sàng, đất sản xuất đều do bỏ tiền mua mà có. Nên nhiều người dân ví von đất quý như máu thịt, bởi đất cho cơm gạo, áo ấm và tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Nhưng khi Nhà nước có chủ trương mở núi, hạ taluy dương, nâng taluy âm để mở rộng đường, trải bê tông từ xã về đến trung tâm xóm, ai nấy cũng hăng hái ủng hộ. Anh Lý Văn Vừ là một điển hình. Anh đã hiến hơn 1.000m2 đất. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vừ vui vẻ: Việc hiến đất đâu chỉ riêng tôi, ở Na Sàng đồng bào đều sẵn sàng hiến đất để Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Vâng! Tôi thầm nhủ: Nhờ anh Vừ và những người dân tự nguyện hiến đất, đồng bào người Mông Na Sàng không phải “đổ đèo” mang nông sản ra chợ; con em của họ cũng không còn phải lầm lụi chân đất đến trường. Một vùng quê đang cựa mình thức dậy, bắt nhịp với cuộc sống tươi mới.

Chiều muộn, tôi chia tay với đồng bào Na Sàng. Lúc về, anh Nhính nắm chặt tay tôi và bảo: Từ đây đi hết đường bê tông xóm là gặp ngay đường nhựa. Không đèo dốc, không cua gấp, thủng thẳng đi mất gần 60 phút là bác về đến nhà. Vậy mới thấy! Trước đây để đến được với đồng bào người Mông Na Sàng, tôi đã đi mất nửa buổi trên trục đường bầm dập như xóc ốc. Ngày nắng mồ hôi bết bụi, ngày mưa thì trơn trượt. Thế mới hay mọi thiếu khó trong lũng núi Na Sàng đang dần lùi về quá vãng, nhường chỗ cho những đổi mới nhờ chính bàn tay lao động, kiến tạo của những cư dân một nắng, hai sương.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/suc-song-moi-o-mot-vung-dat-kho-287375-108.html