Sức sống mới ở huyện miền núi, biên giới

Bé Hiên Thị Mai Linh bị sốt cao nên chị Kring Loan vội vàng đưa con đến Trạm Y tế Quân dân y kết hợp. Tại đây, con gái chị đã được y sĩ Chrum Thị Hinh - Trưởng trạm thăm khám. Sau 30 phút, 2 mẹ con chị Kring Loan đã cầm túi thuốc ra về, mọi chi phí đã được Bảo hiểm y tế thanh toán… Những thay đổi trong lĩnh vực y tế đã tácđộng tích cực đến đời sống bà con.

Bước chân vào Trạm Y tế Quân dân y kết hợp xã La Dêê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), cảm nhận đầu tiên đó mùi thơm của những cây thuốc nam được trồng xung quanh trạm. Trong phòng khám nho nhỏ, mọi thứ được bày khá ngăn nắp. Trên tường, các thông tin về bảo hiểm y tế, lịch tiêm chủng, kinh nghiệm phòng tránh các bệnh theo mùa… được treo ở những vị trí dễ nhìn nhất.

Trưởng trạm Chrum Thị Hinh khám bệnh cho mẹ con chị Kring Loan tại Trạm Y tế Quân dân y

Ôm cô con gái nhỏ trong tay, chị Kring Loan (thôn Đăk Hà Lôi, xã La Dêê) chia sẻ, bà con ở trong thôn hễ bị ốm, mệt là đều ra Trạm Y tế Quân dân y kết hợp để khám. Trường hợp nặng, có chỉ định của bác sĩ thì mới chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ, y tá ở trạm rất nhiệt tình, lại đều là người dân tộc Tà Riềng, Cơ Tu ở địa phương nên bà con cũng thoải mái khi thăm khám.

Trò chuyện cùng chúng tôi, y sĩ Chrum Thị Hinh – Trưởng trạm Y tế Quân dân y kết hợp cho biết: Đến nay, nhận thức của đồng bào địa phương về chăm sóc sức khỏe đã tốt hơn rất nhiều. Người ốm là đưa đến trạm y tế, đến bệnh viện chứ không cúng lễ linh đình như trước. Các trường hợp tự sinh con tại nhà cũng còn rất ít. Hơn 90% số trẻ đến tuổi đã được tiêm chủng đúng lịch. Hiện, có đến hơn 90% bà con trong xã đã biết sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh. Với những người chưa làm thẻ, cán bộ Trạm Y tế Quân dân y kết hợp cũng thường xuyên nhắc nhở bà con đi làm thẻ để đảm bảo quyền lợi. Bên cạnh việc tích cực cho cán bộ, nhân viên đi học hỏi nâng cao tay nghề, Trưởng trạm Chrum Thị Hinh mong muốn sẽ có thêm các trang thiết bị hiện đại hơn để có điều kiện thăm khám tốt hơn cho người bệnh.

Chia sẻ với những khó khăn của Trạm Y tế Quân dân y kết hợp xã La Dêê, bác sĩ Tơ Ngool Vui – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, cũng là người con của xã La Dêê cho hay: So với trước đây, công tác khám chữa bệnh ở huyện Nam Giang hiện đã có những thay đổi đáng kể. Trước yêu cầu bức thiết của người dân, trong năm 2014, 2015 huyện Nam Giang đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng các trạm y tế xã: Đắc Tôi, Tà Bhing, Tà Pơơ và một nhà điều trị dành cho người có công. Các trạm y tế mới được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại, có đủ phòng bệnh nhân nghỉ ngơi.

Bà Vương Thị Chiên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tà Bhing cho biết, toàn xã có 577 hộ với 2.365 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm đến 99%. “Bình quân mỗi tháng có trên 500 lượt người vào khám chữa bệnh tại trạm. Với quy mô của trạm y tế cũ, người dân không có chỗ để nằm, thậm chí lúc cao điểm còn không có chỗ để đứng trong khi chờ khám. Phòng bệnh thì xuống cấp, dột nát. Khi mưa thì ở trong nhà cũng giống như ở ngoài trời, rất khó khăn cho cả người bệnh và đội ngũ y bác sĩ khám chữa bệnh. Giờ có trạm y tế mới rồi, mọi người sẽ có nơi thật sự sạch sẽ, khang trang để công tác, mừng lắm!”- bà Vương Thị Chiên phấn khởi nói.

Theo chân bác sĩ Tơ Ngool Vui đi thăm bệnh các bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, càng có dịp cảm nhận rõ hơn sự thay đổi trong công tác khám chữa bệnh ở địa phương này. Bệnh nhân Ka Hiên Thị Yếu người dân tộc Cơ Tu, đến từ xã Cà Ry, được bác sĩ Tơ Ngool Vui mổ ruột thừa, vui vẻ nói: “Mổ được 8 hôm rồi, nay đã có thể tự đi lại. Đi chữa bệnh không mất tiền đâu, còn được tiền ăn hàng ngày nữa…”.

Là người gắn bó với ngành y tế Nam Giang đã nhiều chục năm nay, bác sĩ Tơ Ngool Vui nhìn nhận: “Chính sách y tế với đồng bào DTTS nghèo của nước ta quá tốt. Nhờ các chính sách này, đồng bào DTTS có thể yên tâm khám chữa bệnh mà không quá lo lắng về chi phí”.

Thực tế, với một huyện miền núi nghèo như Nam Giang, để có được hệ thống trạm y tế xã quy củ như hiện nay là một cố gắng mà không phải địa phương nào cũng làm được. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự quan tâm thiết thực của địa phương đối với việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-song-moi-o-huyen-mien-nui-bien-gioi-110086.html