Sức sống mới ở huyện biên giới Bình Liêu

'Gắn bó với huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) trọn cuộc đời, thế hệ chúng tôi đã được chứng kiến những đổi thay lớn lao của mảnh đất này. Bình Liêu hôm nay đã khác xa với những gian khó ngày nào' - ông Hoàng Quý - nguyên Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu chia sẻ.

Bình Liêu - những ngày gian khó

Sinh năm 1938 tại huyện Bình Liêu, năm 1956, ông Hoàng Quý bắt đầu đi làm giáo viên ở xã Đồng Văn. “Cả huyện Bình Liêu khi ấy có 7 giáo viên. Mỗi giáo viên phụ trách một xã, vừa làm hiệu trưởng vừa làm giáo viên. Học sinh không đông nhưng đủ các lứa tuổi, lớp học thì tận dụng nhà kho, nhà dân, đình chùa. Sách bút cũng tự túc, có gì dùng nấy. Huyện Bình Liêu được giải phóng tháng 12/1950, thời điểm đó, hầu như gần 100% đồng bào ở Bình Liêu mù chữ. Giáo viên chúng tôi khi đó chủ yếu là dạy xóa mù” – ông Quý nhớ lại.

Với ông Quý và tất cả các cán bộ công tác tại Bình Liêu khi ấy, chuyện cơm đùm cơm nắm đi bộ cả ngày đường để vào xã dạy học hay công tác là chuyện rất bình thường. Bởi thời điểm đó, đường từ huyện Tiên Yên vào Bình Liêu, từ trung tâm huyện Bình Liêu đi các xã đều chỉ là đường đất đá nhỏ hẹp, uốn lượn. Nhắc đến Bình Liêu, người ta hình dung ngay về một vùng đất biên giới xa xôi, gian khó.

Những con đường mở rộng đến tận các thôn, bản của Bình Liêu

Những con đường mở rộng đến tận các thôn, bản của Bình Liêu

Không chỉ giao thông cách trở, mà kinh tế hợp tác xã (lao động tập thể, quản lý tập thể) khi đó cũng không đủ để đồng bào DTTS ở Bình Liêu có những bữa no, chứ chưa nghĩ tới chuyện làm giàu. “Mỗi tháng tiêu chuẩn được vài ki-lô-gam thóc, nên nói chính xác thì thế hệ chúng tôi khi đó sống được là nhờ khoai sắn” – ông Hoàng Quý ngậm ngùi.

Những năm 1980 của thế kỷ 20, cùng với người dân cả nước, đồng bào dân tộc ở Bình Liêu bắt đầu được Nhà nước giao đất giao rừng để chủ động sản xuất; cùng với đó là hỗ trợ về cây giống, phân bón và kỹ thuật. Khí thế lao động, chuyển đổi sản xuất hừng hực ở khắp các xã của Bình Liêu – gia đình ông Hoàng Quý cũng là một trong số đó: “Đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ bắt đầu làm chủ những vườn hồi, quế, thông; cán bộ như chúng tôi cũng bắt đầu sắm được những chiếc xe đạp đầu tiên để đi lại. Đường về với các thôn, bản ở Bình Liêu từ đó mà bớt xa, bớt khó”.

Trang mới nơi biên cương

Trở đi trở lại với huyện Bình Liêu đã nhiều lần nên chúng tôi cũng phần nào hiểu được nỗi xúc động, tự hào của ông Hoàng Quý khi nhắc tới chuyện xưa, chuyện nay. Từ chỗ có 7 giáo viên hôm nào, nay đội ngũ giáo viên của Bình Liêu đã rất đông đảo, hệ thống giáo dục từng bước được hoàn thiện, cơ bản đảm bảo được các chức năng được giao. Đáng ghi nhận là có tới hơn 80% giáo viên hiện nay của Bình Liêu là đồng bào dân tộc tại địa phương. Những cô giáo, thầy giáo người Tày, Dao, Sán Chỉ nay đã tự tin đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho các thế hệ con em mình. Ngay cả các thôn bản xa xôi, khó khăn nhất, trường mầm non cũng đã được xây dựng khang trang, các bé đến tuổi đều được động viên để đến trường.

Lần theo các địa danh được ông Hoàng Quý nhắc đến trong câu chuyện, chúng tôi chạy xe lên tới cửa khẩu Hoành Mô. Hơn 20 km đường lên cửa khẩu đẹp như dải lụa, hai bên là những cánh rừng hồi, rừng quế trải dài... Nhờ có những đóng góp từ nguồn thu qua cửa khẩu Hoành Mô, cơ sở hạ tầng của Bình Liêu đã có những cải thiện rõ rệt, nông sản làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi hơn; một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc ở Bình Liêu đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nhờ tham gia các dịch vụ ở cửa khẩu...

“Đỡ khổ hơn nhiều rồi, sướng hơn nhiều rồi” là câu nói được cựu giáo viên Hoàng Quý nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện. “Như xã Tình Húc ấy. Trước kia khó khăn, khổ sở mấy nơi bằng, thế mà nay nhà cao tầng mọc san sát, xe ô tô vào đến tận thôn. Nhiều đồng bào Tày, Sán Chỉ đã mạnh dạn làm chủ hợp tác xã quy mô, thu mua nguyên liệu và tạo việc làm cho vài chục người. Bình Liêu có thể nhiều người chưa đến, nhưng miến dong Bình Liêu thì đi khắp cả nước rồi...” – ông Quý tự hào.

Tháng 3, lên với Bình Liêu nghe hát Soóng Cọ, dự hội Kiêng Gió cùng đồng bào. Nghe lời bạn mời, vui chân leo thác Khe Tiền, Khe Vằn, ngược đỉnh Cao Ba Lanh... Giữa bát ngát đất trời, trong xanh thẳm của thông, của hồi, của quế - cảm nhận rõ một Bình Liêu đang chuyển mình từng ngày.

Không có quá nhiều tiềm năng để bứt phá, Bình Liêu chọn cho mình những bước đi chậm mà chắc. Và với nỗ lực không ngừng của chính quyền và đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu, những bước đi “chậm mà chắc” đang từng ngày làm nên diện mạo và sắc thái riêng có của Bình Liêu - huyện miền núi cực bắc tỉnh Quảng Ninh.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-song-moi-o-huyen-bien-gioi-binh-lieu-136374.html