Sức sống mới ở buôn làng Nam Tây Nguyên

Tháng mười một, hoa dã quỳ dát vàng bên những triền đồi Nam Tây Nguyên. Đi giữa âm giai của bản Tình ca Tây Nguyên, trên những cung đường nối dài những buôn xa, từ phía thượng nguồn sông Đồng Nai, đến miền đất huyền thoại dọc dải Trường Sơn Đông, đời sống nhân dân đã đổi thay vượt bậc. Quả thật, có đi, có đến mới thấy, mới cảm được sức sống mới trên từng cung đường của buôn làng.

Thu hoạch chè tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Thu hoạch chè tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Nắng lên. Tuyến đường Trường Sơn Đông từ thành phố hoa Đà Lạt vào miền thần thoại Đưng K’Nơh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi, qua những buôn làng bình yên, những vườn cà-phê mùa trĩu quả. Sức sống mới đã ùa về buôn làng bà con Cơ Ho bản địa, một trong những xã khó khăn nhất tỉnh Lâm Đồng. Đưng K’Nơh, theo người Cơ Ho cắt nghĩa là “vùng đất bằng thần thoại”. Song, trên bản đồ địa lý và bằng trực quan, Đưng K’Nơh là vùng đất chiêng chao như ốc đảo, xứ sở của những huyền thoại nhưng không quá hoang vu. “Đưng K’Nơh khác xưa rồi. Có cung đường nhựa mới thênh thang, bà con mình không còn sợ mùa mưa nữa. Giờ đây, chuyện thần thoại lại được kể tiếp trên hành trình xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liêng Hót Ha Mal mở đầu câu chuyện.

Xã Đưng K’Nơh chỉ vỏn vẹn bốn thôn, với dân số hơn 2.230 người, 526 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 95%. Cách nay mười năm, khi xã bắt tay xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân còn rất khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mười triệu đồng, hộ nghèo chiếm gần một nửa số dân. Ký ức của những người già trong các buôn làng chưa nguôi ám ảnh những mùa mưa, mùa “xứ thần thoại” này trở thành ốc đảo, khi cung đường vào đây ngập ngụa bùn đất. Giờ Đưng K’Nơh đã khác nhiều. Từ ngọn đồi, nơi đóng chân trụ sở UBND xã, đã thấy mầu xanh ngút ngàn của cà-phê, cây ăn trái… ôm trọn những buôn làng. Xứ “nghèo chồng nghèo” một thuở đã đổi thay mạnh mẽ bên dải lụa Trường Sơn Đông. “Đường nhựa rồi, con mắt và cái bụng bà con mình vui lắm. Giờ thì con cháu ra huyện, ra tỉnh học cái chữ khỏe lắm. Hàng hóa ở đây rẻ như ở huyện rồi…”, trong ngôi nhà truyền thống của người Cơ Ho, già làng Rơ Ông Ha Biêng không giấu nổi niềm vui.

Khi chưa có đường Trường Sơn Đông ngang qua, mùa mưa, Đưng K’Nơh dường như bị cô lập giữa rừng, nhu yếu phẩm được gùi vào đây có giá đắt gấp chục lần phố thị, huyện phải tổ chức cứu trợ liên tục. “Khổ nhất là lúc ốm đau chuyển viện, có người chưa ra khỏi địa phận của xã đã phải “đưa về”, rồi chuyện đẻ “rớt” trên đường…”, bà Bon Niêng K’Chăng, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đưng K’Nơh kể. Cách nay 26 năm, chính chồng bà, ông Ha Pất, khi ấy vừa tròn 30 tuổi, bị cơn sốt rét rừng, nhưng khi trên đường chuyển viện cũng đã phải đưa về. “Ngày đó, đứa con út của mình mới ba tháng tuổi…”, bà K’Chăng ngậm ngùi.

Câu chuyện về những mùa mưa chơi vơi ấy được xua tan trên cung đường Trường Sơn Đông. Đưng K’Nơh giờ đã thật gần. Sự khởi sắc lan tỏa trên từng nếp nhà. Trong ngôi “biệt thự” bên sườn đồi, thầy giáo dạy tiểu học Cil Múp Ha Húy (56 tuổi), thổ lộ: “Mình gắn bó với miền đất này từ năm 1986. Hồi đó, có thầy giáo chịu vô đây bà con mừng lắm. Nhà này mình xây năm 2008, sáu trăm triệu đồng. Nếu xây ngoài trung tâm huyện chắc chưa đến nửa tiền. Ngày đó, thuê thợ vào xây họ còn không dám vào, chưa kể vật giá trong này cao gấp nhiều lần, do con đường cả… Nay thì những buôn làng nơi đây đã nhiều nhà xây, nhà kiên cố rồi. Nhìn lại, đúng là miền đất thần thoại thật, sự đổi thay thấy rõ”. Đưa chúng tôi dạo quanh những buôn làng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ha Mal kể, nhờ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân đã làm thay đổi bộ mặt xã nghèo nhất tỉnh một thời. Dù vẫn còn không ít khó khăn, song đến nay, xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới và đến cuối năm phấn đấu đạt thêm bốn tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,8%; tất cả cung đường thôn, buôn được trải bê-tông; 80% số nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm bợ… Con đường và sự nỗ lực, quyết tâm đã làm thay đổi tất cả”.

Nam Tây Nguyên mùa nắng, hoa dã quỳ dát vàng bên những triền đồi. Len lỏi qua những cánh rừng già trên quốc lộ 28, từ trung tâm huyện Di Linh, Lâm Đồng, vượt qua quãng đường gần 50 cây số, trên đỉnh dốc nhìn xuống, trung tâm xã anh hùng Sơn Điền nhòa khói lam chiều. Dọc hai bên đường vào trung tâm xã, những ngôi nhà xây đã mọc lên, các dịch vụ vui chơi giải trí đã hình thành… Miền đất một thời khốn khó, bởi tách biệt về địa lý, địa hình trắc trở này giờ đã khác. Hằng đêm, trong ánh điện tỏa sáng, những người già cùng con cháu trong các buôn làng Ka Liêng, Bó Cao, Bờ Nơm, Con Sỏh… quây quần bên ti-vi, máy vi tính để cập nhật tin tức, kết nối thông tin. “Có đường nhựa, có điện, có trường học và trạm xá kiên cố rồi, bà con mình vui lắm. Giờ lo giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế, lo cho con cháu cái chữ…”, già làng K’Mùng, ở thôn Bó Cao, xã Sơn Điền, huyện Di Linh, thổ lộ.

Lâu rồi mới được trở lại với bà con buôn làng Cơ Ho Nộp bên các dòng Đạ Tianhil, Đạ Vichngai hiền hòa; xứ sở núi liền núi và rừng xanh bao bọc. Trên cung đường chạy dọc giữa thôn Bờ Nơm, bà Ka Ụ đang chăm sóc những khóm hoa trước ngôi nhà xây kiên cố. “Nhà mình xây vài trăm triệu thôi, nhà lớn phải như nhà Ka Thuyền, K’Brim kia kìa, xây hơn một tỷ đồng đó”, bà Ka Ụ nói, khi tôi hỏi về ngôi nhà của bà. Bà Ka Ụ có con trai là bác sĩ, con gái giáo viên…, là gia đình mẫu mực ở xã anh hùng này. Một chút trầm tư, bà chậm rãi: “Xưa, vùng này hoang vu, nghèo khó lắm. Quanh năm quẩn quanh với măng le, rau rừng, đọt mây. Giờ, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống bà con khá lên nhiều rồi, không còn chuyện đói nữa”.

Những tia nắng dần khuất phía núi xa, buôn làng nhòa khói lam chiều. Trên cung đường bê-tông uốn lượn, những chuyến xe đầy ắp cà-phê kĩu kịt về buôn. Xã Sơn Điền có bảy thôn, với 673 hộ, 3.056 nhân khẩu; hơn 97% bà con dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên quần tụ sinh sống. Dù vẫn còn bốn thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng bà con vùng căn cứ kháng chiến một thời vẫn luôn tự hào về sự đổi thay rõ nét của buôn làng. Với những mô hình làm ăn mới, họ đặt niềm tin, tương lai không xa, sẽ xuất hiện thêm những gương điển hình sản xuất giỏi như K’Gểm (thôn Đăng Gia), Ka Thuyền (thôn Bờ Nơm), K’Nhiễu (thôn Con Sỏh), K’Ngã (thôn Ka Liêng)… “Mình là người con lớn lên từ mảnh đất cách mạng này, được chứng kiến sự đổi thay từng ngày. Quả thực, một thời Sơn Điền được ví như “ốc đảo” giữa đại ngàn. Cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, phần lớn nhà tranh, tre nứa; người dân thiếu cơm lạt muối, cơ cực lắm. Nhờ sự quan tâm của các cấp, cùng ý thức vươn lên của người dân, bức tranh kinh tế - xã hội, nông thôn mới Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Điền K’Wuẩn, chia sẻ. Đến nay, xã đã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khá đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng, phấn đấu cuối năm 2019 hộ nghèo giảm còn 10,6%... Và theo lộ trình đặt ra, Sơn Điền phấn đấu cán đích xã nông thôn mới vào năm 2020. Nếu điều đó thành hiện thực, đúng là một kỳ tích!

Trở lại miền đất anh hùng Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng; về với bà con buôn làng người Mạ, S’Tiêng phía thượng nguồn sông Đồng Nai vào mùa những cánh đồng thơm mùi lúa mới. Miền đất “gian lao mà anh dũng” một thời thật sự đổi thay, “cổng trời” Bù Sa Lu Xiên đã không còn vời vợi.

Gió thượng nguồn lồng lộng, mang theo hương lúa ngạt ngào quấn quyện trong từng nếp áo, vương vấn từ các buôn Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê đến Bi Nao, Bù Gia Rá. Đã bao thế hệ trôi qua, trên vùng đất quanh năm “ủ trong mây” này, bà con người Mạ, S’Tiêng đã lang thang hết núi này đến cánh rừng khác, rồi tạm dừng chân bên những sườn đồi để làm cho “lúa mẹ trổ bông”. Giờ đây, bên những triền núi, nơi có dòng nước mát từ suối Đạ Roòng, Đạ Tơi chảy về trên cao nguyên Đồng Nai Thượng, mầu xanh cây trái, lúa nước đã thay cho mầu cỏ dại. Cây lúa nước ở phía thượng nguồn thật sự bước ra từ huyền thoại. Trong ngôi nhà xây thuộc hạng lớn nhất nhì xã, nữ du kích một thời, dũng sĩ Điểu Thị Năm Lôi mở lời: “Xã 5 (tên cũ xã Đồng Nai Thượng) giờ khác xưa nhiều rồi, đường lên xã đã trải nhựa, không còn “xứ cô đơn” nữa. Đây là con đường của cuộc cách mạng đổi thay”.

Cách đây chừng chục năm, ai vượt được Đồi Mây lên “cổng trời” Bù Sa Lu Xiên, đều trở thành những vị khách quý của buôn làng. Ngày đó, Đồng Nai Thượng ẩn mình như một ốc đảo hoang vu giữa đại ngàn. Mãi đến năm 1991, trường học đầu tiên mới được mở, bà con trong xã nô nức đi học “xóa mù chữ”, đời sống văn hóa tinh thần dần được nâng lên, nhưng đói nghèo còn đeo đẳng mãi. Già làng Điểu K’Lộc thổ lộ: “Ồ! chuyện xưa không kể hết đâu. Giờ bà con đang tự hào về sự đổi thay trên vùng quê cách mạng. Đảng, Nhà nước đã đưa cái chữ, ánh điện, y tế lên xã 5 rồi”, đôi mắt sáng lên, già cười mãn nguyện. Đầu tháng 11 này, tôi đón tin vui từ Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng Điểu Thị Prợt: Xã Anh hùng đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. “Dẫu còn lắm khó khăn, nhưng được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của bà con buôn làng, giờ nhiều hộ có điều kiện mua ô-tô, chuyện đói đã lùi xa, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng. Sẽ có những huyền thoại được tiếp nối trên miền đất anh hùng này…”, Phó Chủ tịch UBND xã Điểu Thị Prợt đặt niềm tin.

Lâm Đồng có 43 dân tộc quần tụ sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25% số dân. Năm 2003, toàn tỉnh có 49 xã, 64 thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24% theo tiêu chí mới, còn nhiều hộ đói giáp hạt. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng đổi thay đáng kể, tất cả các xã có đường ô-tô đến trung tâm, hơn 88% số hộ dân được dùng nước sạch, hơn 70% số hộ đồng bào dân tộc được dùng điện lưới, 25 trong số 46 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm còn 8,5%; GDP bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 35,8 triệu đồng, không còn hộ đói giáp hạt. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tin tưởng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc; đồng bào các dân tộc của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh phát triển kinh tế và tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; không ngừng củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng lòng, chung sức xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp.

Giờ đây, từ miền đất anh hùng phía thượng nguồn sông Đồng Nai, đến “vùng thần thoại” Đưng K’Nơh, được ví như ốc đảo giữa rừng núi thâm u một thời, đã không còn xa ngái. Có thể nói, Lâm Đồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa. Và trong những ngày hội của buôn làng, cùng những bản tình ca sơn cước, bà con dân tộc Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mơ Nông… trên cao nguyên đất đỏ cùng sẻ chia về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, về xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42117302-suc-song-moi-o-buon-lang-nam-tay-nguyen.html