Sức sống mới bên dòng Bến Hải

Đứng bên bờ Nam, nhìn qua bên kia dòng Bến Hải lấp loáng nắng trưa, phía bờ Bắc cánh đồng nuôi tôm với những máy sủi khí tung bọt trắng xóa, thật khó hình dung đây là hình ảnh ghi nhớ khắc khoải cách chia những năm tháng chiến tranh.

Ký ức hào hùng

Bến Hải còn có tên gọi khác là sông Minh Lương, dài chưa đầy 100km bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây - Đông, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị, rồi cuối cùng đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng. Xưa kia trong hành trình thiên lý Bắc Nam, muốn qua lại dòng sông này chỉ có cách duy nhất là đi đò.

Đến năm 1928 mới có cây cầu rộng 2m, đóng bằng cọc sắt, dành riêng cho người đi bộ bắc qua sông Bến Hải thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nên được gọi là cầu Hiền Lương, còn nếu đi bằng xe bò, xe ngựa hoặc ô tô vẫn phải qua phà. Sau nhiều lần nâng cấp mở rộng, vào năm 1952 cây cầu này được xây lại hoành tráng hơn với chiều dài 178m, rộng 4m, trọng tải 18 tấn. Cầu chia làm 2 phần, mỗi bên dài 89m.

Sau Hiệp định Genève, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, để 2 năm sau sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với âm mưu thôn tính miền Nam, Mỹ đã chia cắt đất nước ta 21 năm trời ròng rã. Cây cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt Bắc - Nam và khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam. Đã có hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc anh dũng ngã xuống để nối lại 2 bờ Bến Hải, nối lại non sông liền một dải. Biết bao nhiêu đau thương, tang tóc người dân đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải phải gánh chịu.

Bao cảnh nhà ly tán, chồng Bắc, vợ Nam. “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ. Cách một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa” - ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xúc động nói và cho biết đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là tên gọi cho cụm di tích 2 bên bờ sông Bến Hải tại khu vực cầu Hiền Lương. Cụm di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Ngược lại dòng thời gian, phía Bắc cầu Hiền Lương ngày 10-8-1954, phía ta dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12m, với lá cờ rộng 15,36m2. Ở bờ Nam địch cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Đồng bào 2 bờ giới tuyến yêu cầu cờ ta nhất định phải cao hơn cờ địch. Và trước sự khiêu khích của địch, tháng 7-1957, quân ta đã xây dựng cột cờ bằng thép ống cao 34,5m với lá cờ rộng 108m2.

Tưng bừng lễ hội đua thuyền trên dòng Bến Hải đoạn chảy qua cầu Hiền Lương. Ảnh: V.THẮNG

Tưng bừng lễ hội đua thuyền trên dòng Bến Hải đoạn chảy qua cầu Hiền Lương. Ảnh: V.THẮNG

Trên đỉnh cột cờ gắn ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m. Năm 1962, với vật liệu chở từ Hà Nội vào, quân và dân Vĩnh Linh xây dựng cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất khu vực giới tuyến. Ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ; 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá cột cờ, 2 chiến sĩ công an vũ trang hy sinh, 8 bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời giới tuyến.

Bước chuyển mạnh mẽ

Từng là biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát trong chiến tranh, ngày nay đôi bờ Bến Hải đã vươn mình trỗi dậy, thay da đổi thịt, bờ sông được xây kè bêtông. Hôm chúng tôi xuôi dòng Bến Hải đúng dịp cận Tết Độc Lập 2-9, cảm giác như các ngôi làng ven sông đang vào hội. Cổng ngõ tinh tươm, hoa trồng tràn ra vỉa hè.

Quốc lộ 1 qua cầu Hiền Lương như một hoa viên tràn ngập cờ hoa. Ấn tượng nhất là người dân nơi đây đang đồng lòng chung tay xây dựng quê hương đổi thay từng ngày. Một vùng năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới, sau 43 năm đất nước thống nhất, đã nhường chỗ cho bạt ngàn màu xanh của sự sống của những làng quê một thời là vùng "đất chết".

Biển Cửa Tùng xanh ngắt, tàu thuyền tấp nập ra khơi mang về đầy tôm, cá. Địa đạo Vịnh Mốc và các di tích lịch sử chiến tranh tấp nập du khách đến từ năm châu bốn bể. Vùng đồng bằng Vĩnh Linh, Gio Linh dọc 2 bờ sông Bến Hải trù phú, sầm uất, với những cánh đồng lúa chín vàng liền bờ, liền thửa, hồ tiêu trĩu hạt, cao su xanh tốt, khiến ngay cả những cựu chiến binh năm xưa cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Chưa dừng lại ở đó, nhìn về các khu công nghiệp Quán Ngang, Nam Đông Hà, những cột khói trắng xóa từ nhà máy bay lên, hòa cùng gió biển làm ngất ngây lòng người tri ân bên dòng sông giới tuyến. Từ vùng đồng bằng, vùng biển đến miền núi, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói mọc lên ngày càng nhiều.

Hầu hết địa phương đã có đường giao thông về tận trung tâm xã. Sóng truyền hình, thông tin liên lạc đã phủ rộng khắp. Phần lớn người dân nông thôn vùng đồng bằng đã được tiếp cận với những tiện ích do đầu tư công mang lại, các hộ gia đình có nước sạch để dùng, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, đi lại, nông cụ sản xuất hiện đại.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng hoàn chỉnh. Đặc biệt, nhờ kết nối vùng tiện lợi thông qua hệ thống giao thông và thông tin liên lạc, khoảng cách địa lý giữa vùng nông thôn và thành thị trở nên gần gũi hơn; trình độ dân trí, kỹ năng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ hội mở mang ngành nghề dịch vụ của người dân đã được nâng lên.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, người dân huyện Vĩnh Linh và Gio Linh ở đôi bờ Bến Hải đã bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh. Nền kinh tế phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đã mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của người dân... “Có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người dân Vĩnh Linh, Gio Linh hẳn không quên niềm tự hào về quá khứ, lòng tin ở tương lai để luôn vững bước đi lên hòa nhập với bước đi lên của đất nước” - ông Chính phấn khởi nói.

Bùi Thảo

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/suc-song-moi-ben-dong-ben-hai-61009.html