Sức sống làng nghề đóng tàu bên bờ sông Chanh

Làng nghề truyền thống đóng, sửa chữa tàu thuyền Hà An là một trong những làng nghề lâu đời nổi tiếng ở Quảng Yên. Trước tác động của cuộc sống hiện đại, làng nghề Hà An đứng trước những áp lực phải đổi thay để tồn tại.

Tự hào truyền thống lịch sử

Mất khoảng 30 phút di chuyển trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, chúng tôi tìm về Hà An thuộc phường Hà An (TX Quảng Yên), làng nhỏ, yên bình nằm nép mình bên dòng sông Chanh. Đây là làng nghề truyền thống vận tải, đóng tàu, thuyền từ những năm 1964, nơi sinh ra những chiếc tàu gỗ lớn, được ví như những "chiến ngư” dũng mãnh vượt sóng tham gia vận tải vũ khí, lương thực tiếp tế miền Nam trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Làng nghề sửa chữa, đóng tàu thuyền Hà An nay đã có diện mạo đổi khác.

Làng nghề sửa chữa, đóng tàu thuyền Hà An nay đã có diện mạo đổi khác.

Theo chuyện xưa kể lại thì Hà An trước đây chỉ là bãi triều sú vẹt giáp Tiền An và còn chưa có người sinh sống. Những người đầu tiên khai hoang, đắp đê lấn biển, phát triển nghề đóng tàu thuyền, vận tải. Khởi phát là những xã viên vận tải, thợ giỏi nghề từ xã đảo Hà Nam, nơi giàu truyền thống nghề đóng tàu, thuyền, đã mang tới vùng đất ven sông Chanh này nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền.

Ngày nay, làng xóm Hà An đã đổi thay rất nhiều so với chừng 5 năm trước. Đường sá rộng rãi, nhà tầng khang trang. Các xưởng đóng thuyền lớn được lập lên san sát ven bờ sông Chanh. Thăm làng nghề truyền thống Hà An mới thấy hết không khí của làng nghề.

Dọc bến sông Chanh hiền hòa, các xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền, tiếng máy cưa, đục rộn rã cả một khoảng không gian. Từng tốp thợ đang khẩn trương hoàn thiện công việc của mình để bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Bên trong nhà xưởng, những người thợ lành nghề đang sơn thân tàu. Dưới sông, những con tàu đang ở trong những âu đà tiến hành lắp ráp kiểm tra máy móc để sẵn sàng hạ thủy.
Chúng tôi tới thăm Công ty TNHH Hoàng Cau (khu 12, phường Hà An) - một trong những hộ đầu tiên theo nghề, tới nay đã 3 đời. Trong tiếng rộn ràng của nhà xưởng, ông Hoàng Văn Cau, Giám đốc Công ty vui vẻ kể về những trang sử của làng nghề. Ấy là nghề đóng tàu ở Hà An có từ rất sớm. Do yếu tố phát triển kinh tế địa phương, người dân 8 xã đảo Hà Nam gắn bó với nghề đánh bắt thủy hải sản và vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường thủy.

Đất đai chật hẹp, thế hệ cha ông đã khai phá những vùng đất rộng lớn hơn để phát triển kinh tế. Năm 1968, những người dân đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Hà An đặt nền móng cho việc phát triển nghề đóng, sửa chữa tàu biển. Và hàng chục năm trước, khi công nghệ đóng tàu còn hạn chế, làng nghề đã có thể đóng những con tàu lớn, vượt sóng gió ngoài khơi xa. Đặc biệt những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nơi đây đã cho ra đời hàng loạt tàu, thuyền lớn với trọng tải hàng chục tấn có thể vượt sóng gió, quãng đường xa tiếp tế lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Rời xưởng nhà ông Cau, chúng tôi tới gặp anh Vũ Văn Tuyên (Công ty đóng tàu Thịnh An, khu 12, phường Hà An). Gia đình anh theo nghề đóng sửa chữa tàu, vận tải biển đã 3 đời. Riêng thời bố anh lại chọn theo nghề vận tải. Bản thân anh Tuyên lại say mê ngón nghề của ông nội.

Anh Tuyên kể: Tôi cũng được nghe ông nội kể về sức sáng tạo, sự vững nghề của những con người ở vùng đất Hà An này. Ngoài các loại tàu truyền thống, thợ ở đây đã có thể đóng được những chiếc tàu lớn, bền chắc chứ danh. Đặc biệt là tay nghề sảm dừa, kỹ thuật sảm riêng có ở làng nghề Hà An, dùng sơ dừa mỏng đánh vào hèm thật sâu, chặt để chống thấm nước.

"Kỹ thuật sảm đặc biệt là sảm sơ dừa ở Hà An là "độc nhất vô nhị" đạt tầm thẳng đẹp như một đường ván, chắc rắn tới mức đưa khoan vào khoan sẽ ra những phoi như phoi gỗ... Đây là "đặc sản" riêng có ở làng nghề này. Chính nhờ đó, mà những con tàu ở Hà An đóng vang danh khắp chốn, hút khách tận Hải Phòng, Thái Bình... sang đặt hàng. Nhờ đó mà hàng chục năm về trước, khi công nghệ đóng tàu còn thô sơ, thợ ở đây đã đóng được những con tàu lớn trọng tải 50 - 60 tấn, vươn khơi"- anh Tuyên kể.

Ông Hoàng Văn Cau giới thiệu về kỹ thuật sửa chữa và đóng tàu gỗ truyền thống của Hà An.

Và rất đáng tự hào, những con tàu đóng ở đây đã vận chuyển vũ khí, lương thực theo đường biển tiếp tế cho miền Nam. "Theo cha ông kể lại, đó là cả một bí quyết của người thợ Hà An khi sáng tạo ra những con tàu 2 đáy, sảm dừa rất kỹ không bị nước thấm vào, trong đó có đáy giả. Đây là vũ khí bí mật vừa che mắt quân thù vừa bền chắc vượt sóng to gió lớn tiếp tế lương thực, vũ khí cho miền Nam những năm tháng chiến tranh chống Mỹ" - Ông Vũ Đức Hoàn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà An chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàn, có được làng nghề phát triển mạnh, vững như bây giờ ít ai ngờ trước đây Hà An chỉ là bãi triều sú vẹt, một mặt giáp Tiền An và còn chưa có người sinh sống. Nơi đây từng nổi tiếng với sản phẩm thuyền ba vát, buồm dơi xuất hiện hầu hết trên vùng biển Đông Bắc thời xa xưa, dù ngược nước, ngược sóng thuyền vẫn băng băng thẳng tiến.

Sản phẩm độc đáo này do bàn tay tài hoa người thợ đóng thuyền Bạch Đằng giang. Khi nghề đóng thuyền còn ở đỉnh cao, các xưởng đóng tàu ở làng Hà An thu hút trên 2.000 lao động, mỗi năm xuất xưởng vài trăm tàu thuyền vỏ gỗ. Và rất nhiều người từng tham gia vận tải trên các con thuyền chi viện cho miền Nam đã vinh dự được nhận huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Phường Hà An cũng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000 và 2008.

Sức vươn của một làng nghề

Theo thống kê sơ bộ thì hiện xã Hà An có trên 10 hộ dân theo nghề đóng tàu thuyền truyền thống. Trong khi đó, phần nhiều các xưởng đóng tàu, thuyền đã dần chuyển sang xưởng đóng tàu sắt để thích nghi dần với thực tế, xu hướng phát triển.

Anh Hoàng Văn Kiên, thế hệ thứ 3 theo nghề truyền thống, giới thiệu về cách sửa chữa tàu gỗ theo công nghệ mới.

Giải thích về câu chuyện này, ông Hoàn cho biết: Theo thời gian, Hà An tiếp tục phát triển việc vận chuyển hàng hóa bằng những đội tàu, thuyền dọc những cung đường thủy khắp mọi miền. Từ hoạt động kinh tế này đã hình thành nên khu đóng tàu gồm 4 HTX vận tải (Phong Hải, Hồng Phong, Đại Thành, Bạch Đằng) làm nhiệm vụ chủ yếu đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải tàu gỗ và tàu xi măng. Sau khi xóa bỏ bao cấp, các HTX giải thể thanh lý tài sản cho các hộ gia đình tại địa phương. Nền kinh tế thị trường phát triển cùng với nhu cầu của khách hàng thay đổi, những xưởng đóng tàu tại đây chuyển sang đóng tàu sắt, tàu vận tải có trọng tải lớn và sửa chữa tàu du lịch.

Điều đáng ghi nhận là không chỉ giữ truyền thống, những người thợ giỏi nghề còn làm chủ kỹ thuật, sáng tạo, thích nghi tiếp cận kỹ thuật nhanh, cách đóng tàu sắt hiện đại khẳng định sức sống, sự sáng tạo của người thợ Hà An.

Tôi chợt nhớ câu chuyện anh Hoàng Văn Kiên, quản lý xưởng, Công ty TNHH Hoàng Cau, thế hệ thứ 3 nhà họ Hoàng theo nghề truyền thống, tâm sự về những bước thăng, trầm của nghề, của gia đình trong việc giữ và phát triển nghề cha ông. Anh Kiên bảo, hơn thập kỷ trước khi công nghiệp khai thác than ở thời kì hưng thịnh nhất, nhu cầu vận chuyển buôn bán trao đổi hàng hóa lớn. Xưởng nhà anh từng đóng những con tàu vận tải bằng gỗ có trọng tải 250 - 300 tấn. Năm 2012, thời kì khó khăn của làng nghề, khi nhu cầu thị trường giảm sút. Thời điểm này, nhà xưởng chuyển sang đầu tư âu đà hướng đến dịch vụ sửa chữa tàu du lịch.

Anh Hoàng Văn Kiên cũng như nhiều hộ đóng tàu thuyền đã nhanh chóng thích nghi, chuyển sang đóng tàu sắt.

Năm 2017, được cấp phép đóng mới tàu cá bằng sắt, đánh dấu bước chuyển mình của làng nghề truyền thống Hà An. Nhận thấy nhu cầu của thị trường và mạnh dạn trong việc nắm bắt kỹ thuật nên Công ty TNHH Hoàng Cau bắt tay vào đóng mới tàu cá bằng sắt. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc sửa chữa tàu du lịch, xưởng cơ khí có thế mạnh riêng trong việc gia cường vỏ tàu du lịch bằng việc kết hợp giữa sắt và gỗ.

Bản thân anh học chuyên ngành cơ khí và có kinh nghiệm đóng tàu tích lũy và học hỏi kiến thức của cha ông nên rất tự tin trong việc đóng mới tàu sắt. Với tôn chỉ tôn trọng ý kiến khách hàng kết hợp với sự tư vấn chuyên môn hợp lý, khách hàng đến với xưởng luôn hài lòng. Anh Kiên cho biết đây cũng là nguyên tắc làm nghề 3 đời nay của gia đình anh.

Đối với Công ty Đóng tàu Thịnh An, anh Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty lại ứng dụng được rất nhiều kỹ thuật trong đóng, phát triển sản phẩm tàu sắt mới. Đó là việc sử dụng các kỹ thuật truyền thống áp dụng vào đóng tàu sắt như: Đáy tàu và lái vẫn làm lườn bằng, lái vuông, do vậy tàu chạy rất đằm và sức chở lớn; hoặc thiết kế phần mũi khác nhau tùy theo loại tàu dựa trên thiết kế các loại tàu gỗ, đơn cử như: Tàu vận tải phải áp lườn mũi nằm ra, sức chứa mới được nhiều; tàu cá đi biển lườn phải lấy hơi vát vào, để ra sóng mới đè và rẽ sóng tốt. Ngoài ra, anh cũng đi tiên phong trong đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới như: Hệ thống trườn đà hiện đại, hệ thống máy phay, cắt, hàn hiện đại... với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đóng tàu thuyền gặp khó về diện tích mặt nước.

Tận mắt chứng kiến quy trình đóng mới tàu vỏ thép, nhìn thấy bàn tay khéo léo của người thợ đang làm việc mới thấy người dân Hà An đã và đang làm chủ công nghệ mới. Sáng tạo trên cơ sở nghề truyền thống hoặc hoạt động song song hai phương thức sửa chữa và đóng mới, tiếp tục công tác lên đà, chăm sóc sửa chữa tàu du lịch bằng gỗ đóng mới tàu bằng sắt...

Có thể nói đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển của làng nghề, giúp vừa bảo tồn giá trị truyền thống vừa kế thừa phát huy và sáng tạo kỹ thuật mới dựa trên nền tảng vốn có. Tự tin đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, có lẽ cũng chính là lý do mà trải qua bao thăng trầm làng nghề truyền thống Hà An vẫn đứng vững.

Những trăn trở với làng nghề

Niềm vui làm chủ công nghệ, thành công với những sản phẩm mới không thể giấu được nỗi trăn trở về tương lai. Anh Kiên cho biết, theo yêu cầu mới của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì phải hoàn thành xây dựng bến đỗ cho phương tiện ra vào, doanh nghiệp đóng tàu ở Hà An mới được tiếp tục hoạt động. Nhưng thủ tục xin cấp thêm diện tích mặt nước đang gặp khó khăn.

Cùng chung trăn trở với những hộ đóng tàu, lãnh đạo xã Hà An cũng chia sẻ: Hiện nay những doanh nghiệp đóng tàu tại Hà An đang gặp khó khăn trong việc thu hút tàu du lịch, tàu vận tải có trọng tải lớn về sửa chữa và đóng mới do không có diện tích mặt nước để xây dựng âu đà. Vì những tàu hiện nay đều có trọng tải lớn, không có âu đà neo đậu không thể tiến hành việc sửa chữa. Dùng lực neo kéo sẽ làm vỡ kính và ảnh hưởng đến nội thất bên trong tàu.

Hiện nay, đại diện doanh nghiệp tiến hành làm việc với Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương đã có văn bản trình cấp trên, UBND TX Quảng Yên đã có chỉ đạo Phòng Quy hoạch đô thị xây dựng báo cáo tháo gỡ khó khăn. Hy vọng bài toán về diện tích mặt nước sẽ có lời giải, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202010/suc-song-lang-nghe-dong-tau-ben-bo-song-chanh-2504473/