Sức sống của Tư tưởng Nhân đạo Hồ Chí Minh: Nhân đạo, từ thiện bắt đầu từ nhà mình, từ mỗi người

Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là sự kết hợp các giá trị truyền thống Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, có sự thống nhất biện chứng giữa tính giai cấp với tính dân tộc và tính quốc tế, từ hành động cách mạng, lòng nhân ái bao dung, biểu đạt quan điểm và triết lý nhân sinh hành động. Tư tưởng đó thể hiện trước hết ở tình yêu thương, hết lòng vì con người, cảm thông, khoan dung rộng lượng với con người…

Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở tình yêu thương, hết lòng vì con người, cảm thông, khoan dung rộng lượng với con người… Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở tình yêu thương, hết lòng vì con người, cảm thông, khoan dung rộng lượng với con người… Ảnh: Tư liệu

Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống xin trích đăng bài viết “Sức sống của Tư tưởng Nhân đạo Hồ Chí Minh: Nhân đạo, từ thiện bắt đầu từ nhà mình, từ mỗi người” trong Cuốn sách "Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức biên soạn năm 2017:

“…Nhân đạo, từ thiện vốn là một công việc mang nhiều ý nghĩa, không đơn thuần chỉ là một hình thức san sẻ của cải từ người giàu sang người nghèo, mà còn có sự cảm thông, yêu thương và mong muốn giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống của mọi người.

Ngày nay, nhân đạo, từ thiện là một hoạt động không xa lạ đối với mỗi lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, đối với các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm, và với mỗi chúng ta. Việc làm nay vẫn luôn hiện hữu xung quanh, từng ngày, từng giờ và ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, cũng như ở Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Có thể thực hiện các hành động nhân đạo, từ thiện bằng nhiều cách: bằng cơ chế, chính sách, bằng của cải, vật chất hay đơn giản là sự hỗ trợ tâm lý, ủng hộ, nâng đỡ về tinh thần. Tất cả những hành động, thái độ, suy nghĩ, thậm chí là mơ ước, nguyện cầu, mong muốn nhằm trợ giúp cuộc sống của người khác tốt hơn hoàn toàn vô tư, miễn phí đều được gọi là nhân đạo, từ thiện.

Những người nhận hỗ trợ nhân đạo sẽ không cần phải bỏ ra công sức hay chi phí nào. Vậy với những người mang công sức, tâm trí và của cải cá nhân mình đi giúp đỡ người khác thì sao? Tại sao họ phải làm vậy? Động cơ gì thúc đẩy họ lại muốn làm một công việc mà xem ra họ không được lợi ích gì như thế? Có những lý do được đưa ra sau đây:

Thứ nhất, Nhân đạo, từ thiện giúp cuộc sống trở nên phong phú, năng động

Khi tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, hiểu biết thêm nhiều hoàn cảnh, chúng ta sẽ học được những kiến thức thực tiễn, được đặt chân đến những vùng đất mới, được hòa mình vào cuộc sống của những gia đình còn nhiều khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương, những đối tượng bên lề xã hội - điều mà khó lòng chúng ta biết được sự tồn tại một cách chân thực của nó trước đây.

Chúng ta sẽ học được cách hiểu và cảm thông với những mảnh đời không may mắn, được trải nghiệm những thứ bình dị, ấm áp và cảm động, cảm nhận được tình cảm chân thành, thật thà của những con người sống trong khốn khó, sẽ học được, trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ. Những điều này sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta phong phú và sinh động hơn, làm cho chúng ta tự tin hơn, bản lĩnh hơn, cảm thấy “giàu có” hơn về kiến thức xã hội, về đời sống vật chất vì ta có mốc để tham chiếu, để so sánh.

Thứ hai, nhân đạo, từ thiện mang lại niềm vui cho người khác, mang lại niềm vui, cho bản thân

Hạnh phúc là một thứ dễ lây lan sang người khác. Khi một người hạnh phúc, thì những người có liên quan trực tiếp tất sẽ cảm thấy hạnh phúc theo, dù đôi khi hạnh phúc của hai người không xuất phát từ cùng một lý do. Đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện, người được trợ giúp hạnh phúc vì tấm lòng của chúng ta dành cho họ, còn chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì nụ cười và niềm vui của họ.

Thứ ba, nhân đạo, từ thiện cùng những điều ý nghĩa sẽ làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa hơn

Khi làm những điều tốt, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, và đó cũng là một cách hiệu quả nhất để rèn luyện nhân cách, tính hướng thiện của mỗi con người.

Mỗi ngày trôi qua, mỗi tháng trôi qua, mỗi năm trôi qua, nhiệm kỳ trôi qua, hãy kiểm lại ta đã làm được gì, để lại được những gì. Một cuộc đời qua đi, một thế hệ qua đi cần để lại những mầm “nhân ái” cho một cuộc đời, một thế hệ kế tiếp. Con người hạnh phúc nhất luôn là người làm được nhiều điều ý nghĩa. Và nhân đạo, từ thiện luôn là điều ý nghĩa nhất được cả xã hội tôn vinh.

Nhân đạo, từ thiện giúp hoàn thiện về năng lực về nhân cách

Việc tham gia là thành viên, hội viên một tổ chức nhân đạo, từ thiện, hay tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện nào đó sẽ giúp chúng ta tạo được thiện cảm nhiều hơn với cộng đồng xã hội và những nhà tuyển dụng. Tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện là môi trường để chúng ta học những phẩm chất tốt đẹp một cách nhanh nhất, thực tế nhất.

Nhân đạo, từ thiện thúc đẩy chúng ta hành động vì cộng đồng, gieo vào lòng ta sự thương cảm, đồng cảm với những số phận kém may mắn, giúp nâng cao trách nhiệm, lương tâm, lòng nhân hậu, nhân ái, tình thương người, giúp ta có được niềm tin tươi sáng, giúp nhân cách của con người được hoàn thiện hơn.

Trên thực tế, còn nhiều lý do khác lý giải tại sao hầu như tất cả mọi người từ thành thị đến nông thôn, từ già đến trẻ, từ lãnh đạo Đảng, chính quyền đến người dân, từ các chức sắc tôn giáo đến các giáo dân, từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giàu có đến những người có hoàn cảnh khó khăn đều sẵn lòng tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bởi mỗi người, mỗi cá nhân trong những điều kiện cụ thể xác định động lực của bản thân và tạo điều kiện giúp người khác, hành động vì một cộng đồng tốt đẹp. Đó là hành động nhân đạo, từ thiện cao cả nhất, là thực hiện đạo làm người".

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/suc-song-cua-tu-tuong-nhan-dao-ho-chi-minh-nhan-dao-tu-thien-bat-dau-tu-nha-minh-tu-moi-nguoi-21263