Sức sống của những 'chứng nhân lịch sử'

Cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, chợ Đồng Xuân… là những hình ảnh quen thuộc của người dân Hà Nội. Trong những ngày Thủ đô rộn ràng chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng (10/10/1954-10/10/2019), những công trình được ví như 'chứng nhân lịch sử' ấy lại được nhiều người tìm đến tham quan để được sống và cảm nhận không khí hào hùng của Thủ đô.

 Cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tú

Cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tú

Nơi chứng kiến những thời khắc lịch sử

Cầu Long Biên do Pháp xây dựng (1898 – 1902) được ví như chiếc tháp Eiffel nằm ngang giữa sông Hồng. Chiếc cầu này là nơi chứng kiến thời khắc lịch sử khi những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội đánh dấu mốc lịch sử, Thủ đô hoàn toàn giải phóng (ngày 10/10/1954). Trải qua hàng trăm năm, cầu Long Biên vẫn là một trong những công trình giao thông quan trọng của Hà Nội. Ngày nay, cầu Long Biên còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân trong nước và quốc tế, nơi tạo cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, họa sĩ, nhiếp ảnh... Sức lôi cuốn của cầu Long Biên lớn đến nỗi, trong một cuộc triển lãm về Hà Nội, họa sĩ Lê Anh Quý từng chia sẻ: “Vẽ về cầu Long Biên bây giờ chắc không còn góc nào mà các họa sĩ chưa vẽ. Tuy nhiên, mỗi họa sĩ luôn có một tình cảm đặc biệt, một cách nhìn, cảm hứng mới lạ khi vẽ về cầu Long Biên".

Một công trình khác cũng chứng kiến khoảnh khắc giải phóng Thủ đô 65 năm trước mà không thể không nhắc đến là Nhà hát Lớn. Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, tại Nhà hát Lớn đã vang lên hồi còi dài trước khi hàng vạn người dân Thủ đô hướng về Cột cờ Hà Nội để thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng. Trước đó, Nhà hát Lớn còn là nơi chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của Thủ đô Hà Nội như: Ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh; ngày 29/8/1945 ra mắt Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội; ngày 5/3/1945 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội... Hiện nay, để thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu Nhà hát Lớn, một dự án số hóa “tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội” đã được hoàn thiện. Trải nghiệm chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội, du khách cũng sẽ biết đến những dấu mốc lịch sử, thăng trầm của Thủ đô và đất nước…

Cần thống nhất phương án bảo tồn

Cùng với sự chuyển mình của thời gian, ngày nay, nhiều công trình lịch sử đã bị xuống cấp. Câu chuyện xây mới hay bảo tồn các công trình này như thế nào cũng nhận được sự quan tâm, bàn thảo sôi nổi. Đối với cầu Long Biên, công trình này vẫn chưa được xếp hàng di sản. Vì vậy, những năm qua đã có nhiều ý kiến đề xuất phải khôi phục cây cầu với tất cả những chi tiết, kết cấu, vị trí như vốn có. Có ý kiến lại đề xuất bảo tồn một phần kết hợp chỉnh sửa, làm mới lại cây cầu để phát huy vai trò, công năng kinh tế, kỹ thuật, mặc dù khả thi, tính hợp lý cao hơn nhưng lại ít được đồng tình. Rốt cuộc, hơn 10 năm bàn bạc, thảo luận, đến nay vẫn chưa đi tới sự thống nhất về phương án bảo tồn cây cầu Long Biên. Vì vậy, người dân Hà Nội lo lắng về số phận của công trình này - nơi không chỉ là biểu tượng Thủ đô mà còn là di sản trong lòng mỗi người.

Đối với Nhà hát Lớn Hà Nội, năm 2015, công trình này được chỉnh trang, sơn mới. Những mảng bám rêu xanh trên tường đã hoàn toàn biến mất. Màu vàng nhạt nguyên bản của công trình cũng được thay mới bằng lớp sơn vàng chói, bóng bẩy. Nhiều ý kiến cho rằng, màu sơn mới của Nhà hát Lớn đã làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa lắng đọng hàng trăm năm của công trình.

Theo KTS Trần Huy Ánh, việc sửa chữa, tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội là điều cần thiết để giúp bảo vệ công trình. Tuy nhiên, nguyên tắc sửa chữa một công trình kiến trúc là phải đáp ứng đúng theo thiết kế, đặc thù kể cả về cấu tạo cũng như màu sắc. Năm 1996, Nhà hát Lớn Hà Nội cũng đã được trùng tu và phục chế toàn bộ diện mạo kiến trúc bên ngoài và bên trong công trình. Dự án này hoàn thành trong vòng 2 năm và đã làm rất tốt việc bảo đảm tính nguyên bản, giữ nguyên được những giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Đây là một bài học tốt để chúng ta có thể học hỏi khi cân nhắc sửa chữa, sơn sửa bất cứ hạng mục nào của Nhà hát Lớn.

Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị các công trình gắn với lịch sử, là biểu tượng của Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm công nhận các công trình đó là di sản văn hóa. Có như vậy, mọi việc tu sửa, bảo tồn mới được thực hiện nghiêm túc, giữ được nét văn hóa, truyền thống của Thủ đô.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/suc-song-cua-nhung-chung-nhan-lich-su-354455.html