Sức sống của làng chài sau 20 năm bão Linda đi qua

Đã 20 năm cơn bão Linda đi qua, bà con nơi xóm biển xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vươn lên trong cuộc sống...

Vào ngày 2-11-1997, cơn bão số 5 (tên gọi quốc tế là bão Linda) đã đổ bộ vào đất liền nước ta, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản, đặc biệt đối với địa bàn tỉnh Cà Mau. Riêng tỉnh này đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà... Đã 20 năm cơn bão đi qua, bà con nơi xóm biển xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vươn lên trong cuộc sống...

Đã 20 năm, nhưng trong kí ức của chị Trần Thị Đào (ngụ ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh) vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh đã thay đổi cuộc đời của chị cũng như nhiều người phụ nữ nơi đây.

Chiều ngày 3-11 năm ấy, trời mưa như trút nước, chị Đào ôm 3 đứa con thơ nép bên hiên nhà, nhìn về hướng cửa biển, nơi chồng chị cùng các ngư phủ đang đánh mẻ lưới cuối cùng. Bỗng bộ đàm vang lên, chị nhấc máy, chồng chị báo đang cho tàu chạy vào bờ, nhưng do sóng lớn quá phải neo đậu lại. Chị lại tiếp tục chờ, bữa cơm chiều bỏ dở.

Đến tối cùng ngày, một cảm giác bất an, chị lại mở bộ đàm liên hệ lại với chồng thì không nhận được tín hiệu phản hồi. Cả đêm ấy, chị Đào cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác của xóm biển Khánh Hội thức trắng.

Rồi chị Đào gửi 3 đứa con nhỏ về ngoại, khóa chặt cửa ngôi nhà, vươn khơi tìm chồng. Người ta bảo chị, sóng to như thế, chạy ra chỉ có nước chết theo chồng. Chị vẫn đi. Đến trạm kiểm soát tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho chị ra khơi, vì thông tin cơn bão vẫn còn đang kéo dài và có chiều hướng tăng mạnh.

Quyết tâm tìm chồng, chị Đào kí giấy cam kết, tự chịu trách nhiệm của bản thân. 4 ngày lênh đênh trên biển cả, nhưng trong tiềm thức mỗi lần thấy có xác người, chị Đào lại giật mình dù đó không phải chồng mình. Chuyến đi ấy, chị Đào cứu sống 18 ngư phủ khác…

Trở về nhà, chị Đào không còn đủ sức để gượng đứng, khi nhìn thấy ngôi nhà của 2 vợ chồng đã bị đổ sập, tan hoang. Chị chạy đi tìm con, ôm chúng vào lòng rồi khóc ngất. Một tháng, hai tháng, ba tháng… chị Đào vẫn đỏ hoe đôi mắt khi các con khóc đòi cha. Để rồi, khi các con ngủ, chị lại chạy ra bờ sông Kinh Mới, nhìn về cửa biển đợi chồng.

Bằng nghị lực của người phụ nữ, chị nuốt nước mắt, gượng dậy thay chồng nuôi con. Căn nhà lá được dựng lại trên chính nền đất cũ, bằng những cây tràm, tấm lá mà xóm giềng hỗ trợ. Hàng ngày, chị Đào dùng chiếc lưới của chồng, thứ còn sót lại duy nhất sau khi cơn bão đi qua, để chài tôm, đổi gạo nuôi con.

Làm thay cả phần việc của chồng. Dần dà tích góp, chị mua ghe, thay chồng đi biển. Vì với chị biển vẫn đẹp khi lặng gió và ở nơi đó chị vẫn hy vọng sẽ được gặp lại chồng…

Chờ chồng đến giờ nhìn lại thì đã là bà ngoại của 3 đứa cháu. Dừng tay, bỏ dở tấm lưới đang vá, chị nói: “Nhiều người khuyên tôi nên đi bước nữa. Nhưng trong tôi một ngày chưa gặp lại chồng, thì trong tim tôi chồng vẫn còn sống. Tôi đã đợi và tiếp tục đợi cho đến ngày gặp chồng nơi chín suối”.

Giờ đây cuộc sống đã phần nào vơi đi vất vả, chị đã dựng vợ gả chồng cho các con. Đã xây nhà, sắm thêm tàu, tạo việc làm cho hàng chục ngư phủ. Chia tay chị Đào khi cơn mưa chiều vừa dứt hạt, ánh sáng phía cuối chân trời dần hiện rõ…

Theo thống kê của UBND xã Khánh Hội, sau khi cơn bão số 5 đi qua, vẫn có hơn 70% ngư dân bám biển. Hiện trên địa bàn xã Khánh Hội có 351 hộ dân tham gia đánh bắt với 368 phương tiện tàu, thuyền.

Ông Trần Văn Húa (80 tuổi, ấp 4, xã Khánh Hội) có 3 người con trai, 2 người con rể và 1 đứa cháu trai mất tích trong cơn bão Linda, nhớ lại: “Ngày ấy, đi đánh bắt ngoài biển khơi, từ chủ tàu cho đến ngư phủ đều còn có tâm lý chủ quan vì nghĩ mình đã quen với biển cả. Tàu ghe thì nhỏ, không đủ công suất, phương tiện liên lạc chỉ có chiếc máy bộ đàm, dụng cụ cứu nạn cứu hộ chỉ là những chiếc thùng dùng để ướp cá. Khi hay tin bão, tôi dùng máy bộ đàm để liên lạc với các con, chỉ cho chúng kinh nghiệm để neo đậu thuyền, tránh bão nhưng mọi thứ dường như quá nhỏ bé trước những cơn sóng biển…”.

Đến nay, gia đình ông Húa vẫn bám biển mưu sinh, hiện ông có 2 tàu đánh bắt xa bờ. “Nhưng cái khác ở đây là ý thức của người đi biển. Họ tự trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản. Cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên, tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc nhanh chóng quay vào bờ khi hay tin có bão. Đó là những gì mà tôi đúc kết truyền dạy lại cho con, cháu” – ông Húa chia sẻ.

Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết, bài học đau xót từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiện đánh bắt điều được trang bị đầy đủ thiết bị cứu nạn cứu hộ theo quy định. Công tác kiểm tra, tuyên truyền được các cấp, các ngành thường xuyên thực hiện có hiệu quả.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/suc-song-cua-lang-chai-sau-20-nam-bao-linda-di-qua-464176/