Sức sống của kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại

Tối 30-11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng long trọng tổ chức Lễ khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu tham dự khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Ảnh: Thái Kim Nga

Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên, hơn 1.000 nghệ nhân của 25 đoàn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng đông đảo người dân và khách du lịch trên mọi miền đất nước.

Trong bài phát biểu khai mạc lễ hội, ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban tổ chức Festival Công chiêng Tây Nguyên năm 2018 khẳng định, sau 13 năm kể từ ngày Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại”, cồng chiêng Tây Nguyên đã phát huy được giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản bằng hàng loạt các giải pháp như phục dựng, duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng, bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng trong cộng đồng, gặp gỡ động viên các nghệ nhân chỉnh chiêng bằng cách đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và tổ chức các hoạt động truyền dạy nghệ thuật chỉnh chiêng và các liên hoan cồng chiêng từ cấp xã đến cấp tỉnh..... Nhờ đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt của không gian văn hóa cồng chiêng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, tinh túy nhất, sâu lắng nhất trong đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Ảnh: Thái Kim Nga

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp, các nghệ nhân và bà con nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Với sức sống mãnh liệt của cồng chiêng Tây Nguyên, vang vọng trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, rực rỡ trong sắc vàng của hoa dã quỳ đã tạo nên một Tây Nguyên mạnh mẽ mà đầy sâu lắng, mộc mạc mà đầy sức lôi cuốn lòng người. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã thể hiện trách nhiệm, tình yêu của người dân Việt Nam đối với di sản của nhân loại. Điều này không chỉ mang ý nghĩa tôn tạo, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển du lịch cho vùng Tây Nguyên nói chúng, tỉnh Gia Lai nói riêng.

Đêm khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai được tiếp nối với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc trong tiếng cồng chiêng vang vọng đất trời, tạo cho người xem cảm giác như được trở về thuở sơ khai, được hòa mình vào mạch chảy mát rượi giữa mênh mông đại ngàn.

Các hoạt động bên lề Festival diễn ra hết sức phong phú như lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm, sinh hoạt văn nghệ dân gian (diễn xướng sử thi, hát dân ca), triển lãm tranh ảnh tư liệu, công bố tour du lịch cộng đồng, cà phê đường phố, ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền.. được tổ chức liên tục bắt đầu từ ngày 29-11. Lễ hội Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai sẽ bế mạc vào ngày 2-12-2018.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suc-song-cua-kiet-tac-truyen-khau-va-di-san-phi-vat-the-cua-nhan-loai/