Sức sống của đề tài thợ mỏ trong sáng tạo nghệ thuật

Hình ảnh người thợ mỏ Quảng Ninh đã đi vào phim, ảnh, thơ, ca, nhạc, họa và nó không chỉ là tác phẩm dành riêng cho thợ mỏ hay người Quảng Ninh mà đã được bạn bè trong cả nước đón nhận.

Đề tài thợ mỏ cũng đã được các nhà văn, các nhà làm phim khai thác một cách hiệu quả. Nhà văn Võ Huy Tâm (1926-1996) là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam có tác phẩm “Vùng Mỏ” (tiểu thuyết 1951), đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học cho học sinh trung học phổ thông cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Bộ phim “Mảnh đời của Huệ” được chiếu trên truyền hình VTV3 năm 1994 thu hút rất đông người xem, phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Võ Khắc Nghiêm cũng khai thác đề tài thợ mỏ. Cuộc đấu tranh của những người phu mỏ những năm thập niên 30 thế kỷ trước ở vùng mỏ Cẩm Phả, được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm “Bất khuất” của nhà văn Lê Phương. Cuốn tiểu thuyết được NXB Lao Động in lần đầu vào năm 1964 và đã được chuyển thể thành phim “Cơn lốc biển” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi)...

Nói về mỹ thuật, Quảng Ninh đã có rất nhiều họa sĩ có tên tuổi đi lên từ phong trào vẽ tranh của công nhân, nhiều họa sĩ là công nhân đạt được các giải cao trong các cuộc thi vẽ tranh mỹ thuật mà đề tài của họ đều là hình tượng người thợ mỏ. Họa sĩ Bùi Đình Lan đã đạt Huy chương đồng triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985, ông có nhiều tác phẩm thành công về đề tài thợ mỏ phải kể đến như “Đổi ca”, “Đường lên mỏ”, “Cuộc đình công của thợ mỏ Cẩm Phả năm 1936”, “Khai thác than”, “Chuyển than”, “Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai”.. Họa sĩ Phạm Phi Châu cũng rất thành công với những bức tranh vẽ về thợ mỏ như “Hai người thợ lò”, “Trong hầm lò”. Họa sĩ Ngô Phương Cúc đạt giải khuyến khích trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980. Ông nguyên là công nhân mỏ Hà Tu nên gần như các tác phẩm trong đời ông đều vẽ về mỏ Hà Tu như “Máng than Lộ Phong”, “Máy xúc 2 Hà Tu” và “Công trường than”…

Tác phẩm "Vào ca" của NSNA Dương Phượng Đại được chọn vào triển lãm tại cuộc thi ảnh quốc tế FIAP năm 2019 tổ chức tại Việt Nam.

Tác phẩm "Vào ca" của NSNA Dương Phượng Đại được chọn vào triển lãm tại cuộc thi ảnh quốc tế FIAP năm 2019 tổ chức tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực âm nhạc, đề tài thợ mỏ là nguồn sáng tác vô tận của nhiều nhạc sĩ lớn trong cả nước. Bài hát “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên hay các bài hát “Tình ca người thợ mỏ”, “Tôi là người thợ mỏ” của nhạc sĩ Hoàng Vân, không chỉ người Quảng Ninh hát, mà tất cả người yêu ca nhạc trong cả nước đều hát.

Thời điểm cuộc thi Sao Mai năm 2003, ca sĩ Hoàng Tùng, người Quảng Ninh đã trình bày bài “Tôi là người thợ mỏ” và giành giải nhất. Một khán giả vì quá yêu bài hát này, viết bài cho báo Tiền Phong ở mục bạn đọc với tiêu đề “Hãy trả tên cho bài hát”. Theo ý kiến của khán giả này, thì bài hát phải là “Tôi là người thợ lò” chứ không phải “Tôi là người thợ mỏ”, như đã được giới thiệu ở chương trình Sao Mai năm 2003. Sau đó, đích danh nhạc sĩ Hoàng Vân đã lên tiếng qua báo Tiền Phong. Ông bảo: “Tôi cũng đã cân nhắc khi đặt tên cho bài hát, nếu là “Tôi là người thợ lò” thì người nghe rất dễ nhầm với thợ lò bánh mì, lò vôi, lò gạch. Bởi vậy tôi đã đặt tên bài hát là “Tôi là người thợ mỏ”. Do khán giả trước đây hay có thói quen, lấy câu đầu tiên của bài hát rồi bảo đó là tên bài hát. Thí dụ như bài “Bài ca hy vọng” thì họ gọi là bài “Từng đôi chim bay đi”, bài “Tôi là người thợ mỏ” cũng tương tự như vậy”. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng nhạc sĩ Hoàng Vân rất trân trọng nghề thợ mỏ, đã làm nên sự thành công nhiều sáng tác của ông và ông không muốn người ta nhầm lẫn nghề thợ mỏ với những nghề khác.

Hình ảnh người thợ mỏ cũng là đề tài không bao giờ cạn của nhiều tay máy nhiếp ảnh Quảng Ninh. Năm 2016, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh có 3 tác phẩm dự triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2016 (trước đây mỗi năm 1 tác phẩm, có năm không có), thì trong đó có 2 tác phẩm mang đề tài thợ mỏ, đó là các tác phẩm “Vào ca” của Dương Phượng Đại và tác phẩm “Đường xuống mỏ than” của Khắc Đạm. Cuộc thi ảnh quốc tế của FIAP tại Việt Nam 2019 một lần nữa đề tài thợ mỏ lại làm nên thành công của nhiếp ảnh Quảng Ninh, đó là các tác phẩm “Nét vẽ mỏ than”, “Vào ca” của NSNA Dương Phượng Đại được chọn vào triển lãm.

Có thể thấy đề tài thợ mỏ đầy sức sống, các nghệ sĩ, nhà văn dù có khai thác nó để đưa vào các lĩnh vực phim, ảnh, văn chương, hội họa... cũng đều có những thành công nhất định và làm nên tên tuổi của họ.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/suc-song-cua-de-tai-tho-mo-trong-sang-tao-nghe-thuat-2458093/